| Hotline: 0983.970.780

Bí thư cấp ủy không phải người địa phương

Xóa bỏ thói lợi dụng quan hệ chú, cháu

Thứ Ba 17/07/2018 , 13:05 (GMT+7)

Nghị quyết 26 của Trung ương về công tác cán bộ đề cập đến một chủ trương lớn, đấy là bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Ngay sau khi Nghị quyết được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

 Mục tiêu Nghị quyết đến 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không phải là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích các chức danh khác.

Thanh Hóa có 27 huyện, thị, TP với gần 4 triệu dân, những năm qua có nhiều đột phá về công tác cán bộ. Việc bố trí, luân chuyển bí thư, chủ tịch cấp huyện không phải là người địa phương đã được thực hiện nhiều năm nay ở một số huyện trọng điểm và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, đối với các chức danh chủ chốt ở cấp phường, xã, thị trấn không phải là người địa phương có 3 đơn vị thực hiện triệt để đạt tỷ lệ 100%. Đó là TP Thanh Hóa và các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành.
 

Khắc phục tư tưởng cục bộ dòng họ

Ông Đàm Văn Thê, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy thành phố Thanh Hóa, người đã có 30 năm làm công tác Đảng, từ bí thư phường đến công tác kiểm tra và nay làm công tác tổ chức của Đảng cho biết, việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương sẽ khắc phục triệt để tư tưởng bảo thủ, trì trệ, cục bộ dòng họ, trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, nó góp phần đổi mới tác phong, lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết nội bộ ở cơ sở, chấn chỉnh giờ giấc, kỷ luật lao động của cán bộ, công chức.

14-25-49_img_20180716_122542
Ảnh: Văn Hùng

Chính vì điều này, từ tháng 12/2016, TP Thanh Hóa có 3 chức danh cán bộ chủ chốt là bí thư, phó bí thư thường trực và chủ tịch UBND phường, xã không phải người địa phương ở 37/37 đơn vị.

Vậy là ở đây không chỉ có mỗi chức danh bí thư mà còn 2 vị trí quan trọng khác cũng được bố trí không phải là người địa phương. Tôi hỏi ông Thê, nếu nói một câu ngắn gọn cái được nhất trong việc bố trí này, ông đáp, ngắn gọn ư, chỉ một mệnh đề cốt tử, đấy là xóa bỏ thói lợi dụng quan hệ chú, cháu trong giải quyết công việc.

Còn nói rộng ra thì thế nào thưa ông? “Cái đó, bạn hãy xuống dưới phường, xã để có câu trả lời thỏa đáng. Bạn đi bất cứ đâu trong 37 đơn vị trực thuộc TP để hiểu. Hãy đi từ đầu làng đến cuối làng, len lỏi trong từng khu phố, dân cư sẽ nói cho bạn biết”, ông Thê bảo tôi vậy.

Thế rồi chiếc xe máy cũ kỹ của một đồng nghiệp đã giúp tôi rong ruổi mấy ngày liền ở TP Thanh Hóa để ghi nhận việc này. Từng có nhiều năm làm phóng viên thường trú tại Thanh Hóa, không ít lần tôi có dịp tiếp xúc với cán bộ phường, xã trên địa bàn và quả thực sau nhiều năm trở lại, tiếp xúc với họ, điều tôi ấn tượng nhất chính là đã thay đổi về tác phong, lề lối làm việc.

Tiếp xúc với người dân, tôi cảm nhận được sự hài lòng của họ khi mà công việc của dân được giải quyết mau lẹ, công minh. Đơn giản là các cán bộ được điều động luân chuyển đến các cán bộ sở tại đều phải tự chấn chỉnh để làm tốt. Nói như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) Nguyễn Văn Quân rằng, chúng tôi về đây có ít nhất 3 nơi giám sát còn anh em sở tại cũng hết các chỗ bấu víu thân quen họ tộc.

Tại phường Tân Sơn, cùng với ông Quân được điều động từ Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị TP về đây đảm nhiệm chức Bí thư còn có ông Lê Văn Mão được điều động từ phường Đông Cương về đây làm Phó bí thư Thường trực Đảng ủy và bà Trần Thị Hoa được điều động từ xã Đông Hưng về đây làm Chủ tịch UBND phường. Mỗi người một tính cách, một địa phương nhưng hội ngộ về đây đảm trách các vị trí chủ chốt tại một phường trung tâm của thành phố.

14-25-49_b1_p_tn_son_don_nhn_dnh_hieu_vn_minh_do_thi
Tân Sơn nhận danh hiệu phường văn minh đô thị

Tôi hỏi, điều gì khó khăn nhất đối với việc luân chuyển này, nhất là cán bộ nữ, bà Hoa tâm sự: Ở Đông Hưng, nói đến nhà ai là tôi biết ngay ở khu vực nào rồi vì mình sinh ra, lớn lên và công tác ở đó. Còn về Tân Sơn lại là phường trung tâm, kinh nghiệm quản lý thì có nhưng địa bàn thì quả là khó khăn. Chính vì điều này, hầu hết các cuộc họp của các đoàn thể từ phường đến khu phố, nhất là các cuộc họp chi bộ, anh em chúng tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian, công việc để tham dự.

“Tham dự họp với các khu phố sẽ rất tốt để nắm bắt tình hình địa bàn, tâm tư của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Chúng tôi cho rằng, việc thay đổi địa bàn công tác, làm cho người cán bộ càng phải sâu sát với cơ sở và phải gần với dân hơn”, bà Hoa chia sẻ.
 

Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo

Điều bà Hoa cho là “sướng nhất” khi thay đổi địa bàn chính là không còn ràng buộc các mối quan hệ anh em, dòng họ. “Khi ở Đông Hưng, có những đêm muộn vẫn bị gõ cửa dậy giải quyết những việc chẳng đâu vào đâu, nhưng do chỗ người thân, người nhà nên áp lực phải giải quyết”, bà Hoa nói và bảo, nay ở phường Tân Sơn mọi việc được giải quyết công minh, không bị ràng buộc, ức chế nữa.

14-25-49_b1_nguoi_dn_cm_thy_hi_long_moi_khi_den_lien_he_gii_quyet_cong_viec_o_p_tn_son
Người dân hài lòng khi đến giải quyết công việc tại phường Tân Sơn

Thế còn điều gì để lại ấn tượng trong những ngày đầu công tác tại địa bàn mới, bà Hoa bảo, cán bộ cơ sở đôi khi không phải cứ đưa văn bản ra là giải quyết việc với người dân mà phải bằng tạo niềm tin để thuyết phục họ làm theo chủ trương, pháp luật. Bà kể, khi về đây, có một tuyến đường điện ở một vài khu phố chưa được lắp. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo 3 – 4 năm rồi nhưng vẫn không triển khai được.

“Tiếp xúc thì người dân phản ánh rất gay gắt. Bằng quyết tâm chính trị và quan điểm làm việc vì cái chung nên chỉ sau một thời gian tiếp quản công việc, hệ thống đường điện của tuyến phố được lắp đặt. Từ đấy anh em chúng tôi dần lấy lại được niềm tin trong nhân dân”, bà Hoa tâm sự.

Bí thư Nguyễn Văn Quân mặc dù được điều động từ TP xuống nhưng chỉ sau thời gian ngắn làm việc đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn từ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong tập thể cơ quan. Chính vì điều này, tại kỳ bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông Quân đã được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu hội đồng và được HĐND phường bầu giữ chức chủ tịch HĐND phường.

Đến giờ phút này theo đánh giá của Thành ủy Thanh Hóa thì cùng với ông Quân, 12 người khác đi cơ sở đảm nhiệm các vị trí bí thư kiêm chủ tịch HĐND hay bí thư kiêm chủ tịch UBND phường, xã đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Quân bảo, từ một cán bộ ở trung tâm bồi dưỡng chính trị, công việc chủ yếu là nghiên cứu và giảng dạy, nay đi cơ sở đảm đương vị trí lãnh đạo chủ chốt nên thời gian đầu rất khó khăn, nhất là ở một địa bàn không phải là người địa phương.

Nhưng điều mà ông Quân cho rằng khó khăn nhất chính là áp lực trước các cụ hưu trí. Vì phường trung tâm nên có nhiều bác lão thành từng là cán bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thành phố. Phường có 1.100 đảng viên thì có 90% trong số đó là hưu trí, số đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý xếp thứ 2 thành phố (90 người). Chính vì thế, việc lãnh đạo, chỉ đạo tại phường phải làm sao thể hiện được vai trò trách nhiệm cao nhất, gương mẫu và khẳng định bằng hiệu quả công việc.

“Nhận thức được như thế, chúng tôi luôn tự hứa trước tổ chức và cơ quan là sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, luôn học hỏi, cầu tiến bộ; tiếp thu nghiêm túc mọi phản ánh, góp ý của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng chí, đồng nghiệp để làm tốt mọi công việc được giao”, ông Quân bày tỏ.

Cũng theo ông Quân, thời gian đầu, có một số bác lão thành không tin tưởng cán bộ trẻ từ nơi khác chuyển về. Song, chúng tôi luôn lắng nghe mọi góp ý, khuyên bảo và thể hiện trách nhiệm làm vì cái chung và điều đó đã được khẳng định, sau nửa nhiệm kỳ, phường Tân Sơn đã có 70% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường đề ra hoàn thành.

Có hai chỉ tiêu là đưa phường đạt chuẩn văn minh đô thị (tháng 11/2017 nhận danh hiệu này) và hoàn thành xây dựng 13 nhà văn hóa khu phố. Một quyết tâm thành công ngoài sức tưởng tượng vì quỹ đất rất khó khăn nhưng chúng tôi đã làm được. Từ đó, ngày càng nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của cấp trên và sự đồng thuận của địa phương nơi mình công tác.

Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Thanh Hóa Đàm Văn Thê kể, có ông trưởng họ từng quát một chủ tịch xã rằng, anh kêu gọi con cháu đi bỏ phiếu, thế mà giờ có vài đứa cháu cũng chẳng chịu đưa đứa nào vào làm.

Đấy, vừa mang tiếng vừa rất áp lực khi có quan hệ anh em họ hàng. Chứ nay bí thư, chủ tịch không phải người địa phương, những việc đó không còn xảy ra nữa. Làm công tác tổ chức, tôi nhận ra những sức ép từ các đề nghị người này ở dòng họ này làm bí thư thì để người kia ở dòng họ khác làm chủ tịch. Làm việc trong cơ quan mà cứ xưng chú, cháu như ở nhà vậy thì làm sao công minh được.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.