| Hotline: 0983.970.780

Xôn xao 'Sở cứng, Sở mềm': Phi nông bất ổn

Thứ Ba 22/05/2018 , 13:30 (GMT+7)

Anh Đỗ Trọng Thạo- PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên kể, đội quân bên dưới của mình đang xôn xao vì chuyện sáp nhập 3 đơn vị cấp huyện gồm Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, Trạm Thú y... 

Mấy năm về trước, 3 xã bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu đô thị Ecopark gồm Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao (huyện Văn Giang, Hưng Yên) bỗng trở lên nóng hầm hập. Người dân dựng lều cố thủ hàng năm ròng ngoài đồng, lập các khu “căn cứ địa” để từ đó chỉ huy mọi việc từ chiếm sóng đài phát thanh thôn, kéo ra bao vây UBND xã, uy hiếp cán bộ, công an đến rùng rùng lên Hà Nội hay xuống TP Hưng Yên khiếu nại tập thể.
 

Chuyện xưa, chuyện nay quanh Ecopark

Anh Lê Quý Đôn, đương kim Chủ tịch xã Xuân Quan (Văn Giang) hiện nay khi đó là một Bí thư đoàn vẫn còn nhớ rõ “nhiệt lượng” khủng khiếp tỏa ra từ hàng ngàn bước chân rầm rập của đoàn người phẫn nộ quê mình. Xuân Quan vốn là vùng đất chật, người đông, toàn bộ diện tích tự nhiên chỉ có 530 ha nhưng phải bàn giao gần như toàn bộ số đất màu mỡ trong đồng gồm 120 ha cho khu đô thị Ecopark. Diện tích đất ấy liên quan đến 1.800 hộ, 8.000 người, gần như tất cả dân trong xã.

Ở thời điểm dự án được khởi động (năm 2004) giá đền bù, hỗ trợ rất rẻ chỉ khoảng 58 triệu/sào nên người dân càng thêm bức xúc. Họ không biết làm gì để sống trong khi bình quân mỗi nhân khẩu chỉ còn lại diện tích đất rất khiêm tốn ngoài bãi, rộng có 306 m2.

17-17-08_dsc_1225
Xã Xuân Quan, mô hình sản xuất sinh lời cao nhất ở Hưng Yên

Anh Lê Mạnh Tuyến-Bí thư thôn 1, nơi phức tạp nhất nhì hồi ấy nhớ lại cảnh thôn xóm như một cái lò nung, người dân lập ra hai “căn cứ địa” để chỉ huy phong trào với một đội quân thường trực khoảng 100 nông dân chưa kể có thể huy động bổ sung bất cứ lúc nào vài trăm người nữa.

Đỉnh điểm nhất, người dân thôn 1 từng kéo nhau ra chật kín UBND xã để căng băng rôn, biểu ngữ, đồng thanh…chửi Chủ tịch, uy hiếp cán bộ, chiếm dụng luôn hệ thống phát thanh của thôn nhằm phản tuyên truyền, đối phó lại với hệ thống phát thanh của xã vẫn do chính quyền nắm giữ.

Nếu như năm xưa nườm nượm ô tô trên khắp các nẻo đường Xuân Quan để chở người đi khiếu kiện thì hôm nay tôi về cũng vẫn cảnh nườm nượm xe cộ ấy nhưng mà là chở hoa, cây cảnh đi khắp cả nước để giao thương.

Đám cháy xưa nay đã lụi tàn nhưng thẳm sâu bên trong lõi của nó vẫn còn âm ỉ nóng. Một số ít hộ dân vẫn kiên quyết không nhận tiền đền bù, phản đối dự án đến cùng nhưng phần lớn người còn lại đã biến vùng đất bãi ít ỏi còn lại của quê mình trở thành nơi sinh lãi nhờ nông nghiệp/ha lớn nhất của tỉnh Hưng Yên hay thậm chí là cả đồng bằng sông Hồng nhờ vào nghề trồng hoa, cây cảnh.

Với tổng số 582 hộ, 130 ha, người dân đã làm nên kỳ tích khi đạt lợi nhuận bình quân 50-55 triệu/sào/năm, tương đương 1,2-1,5 tỉ đồng/ha/năm, không chỉ thu hút hàng ngàn lao động sở tại mà còn thêm cả hàng trăm lao động ngoại tỉnh Sơn La, Thanh Hóa quy tụ về.

Không có ở đâu mà đất đai được thuê để sản xuất nông nghiệp lại có giá cao như ở Xuân Quan khi trung bình mỗi sào 15 triệu/năm, chỗ thuận tiện về giao thông 40-50 triệu/năm cũng không phải là của hiếm. Không có ở đâu cán bộ làm kinh tế lại mạnh và đều như ở Xuân Quan khi UBND xã có hàng chục người là chủ vườn đủ kích cỡ.

Chủ tịch xã Lê Quý Đôn có 1 mẫu vườn, sinh lời mỗi năm 400-500 triệu tưởng đã là lớn nhưng vẫn còn thua xa Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Lê Mạnh Tuyến có 2 mẫu vườn mỗi năm đút két sắt được trên 1 tỉ.

Không có ở đâu lại có những nông dân đầu tư chiều sâu vào sản xuất như cho con học đại học về nông nghiệp rồi mở hẳn một trung tâm nuôi cấy mô tại gia như ông Phan Ngọc Oanh ở thôn 7 Xuân Quan. Trong khi nhiều nông dân khác sớm chiều vác cuốc ra đồng thì sớm chiều ông lại khoác lên mình bộ cánh trắng muốt, sạch tinh tươm bước lên phòng nuôi cấy mô hoành tráng và mát lạnh trên tầng ba. Ở nơi đó hàng chục cán bộ, công nhân kỹ thuật đang cắm cúi bên đống chai lọ, dịch dinh dưỡng để nhân giống đồng tiền, lan và nhiều loại cây cảnh khác.

Phòng nuôi cấy mô của người nông dân móng chân, móng tay vẫn còn ám vàng màu đất này đã thu hút được nhiều quan chức trong tỉnh, ngoài tỉnh đến thăm.

Xem xong ai nấy đều nắc nỏm ngợi khen đồng thời thắc mắc rằng: “Tại sao nhiều đơn vị nhà nước còn chẳng làm được mà ông lại thành công?”. Ông chỉ tủm tỉm mà rằng: “Trước khi thực hiện tôi đã đi đến nhiều mô hình thất bại để rút ra được quy luật rằng họ quá phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ kỹ thuật đi thuê. Một khi không đáp ứng được yêu cầu tiền bạc thì cán bộ bỏ đi hết. Bởi vậy, tôi đã gửi con mình đi đào tạo đại học rồi thạc sĩ ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chuẩn bị cho việc mở phòng nuôi cấy mô của riêng mình. Hiện có hai cơ quan nhà nước đang làm thuê cho tôi theo dạng mình đưa mẫu, đặt hàng rồi họ gia công, sản xuất”.
 

Sáp nhập Sở nên hay không nên?

Trong chuyến xe đi thực tế cơ sở cùng tôi, anh Đỗ Trọng Thạo- PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên kể, đội quân bên dưới của mình đang xôn xao vì chuyện sáp nhập 3 đơn vị cấp huyện gồm Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, Trạm Thú y để hình thành nên Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp.

17-17-08_dsc_1205
Cán bộ khuyến nông Hưng Yên đi kiểm tra mô hình sản xuất
Năm 2017, Xuân Quan chính thức được công nhận là làng nghề trồng hoa, cây cảnh. Bởi giá trị của đất cao, bởi nghề nông đang phát tiết nên cuộc họp nào trong huyện cũng như ngoài tỉnh Chủ tịch xã Lê Quý Đôn đều tha thiết đề nghị cấp trên rằng cố gắng giữ nguyên hiện trạng đất cho địa phương để ổn định an sinh xã hội.

Lúc ấy Trung tâm sẽ phải “tự bơi” bằng các dịch vụ để mà nuôi sống được chính mình còn phần quản lý nhà nước sẽ thuộc về Phòng NN- PTNT. Hiện đã có một Trạm phó Khuyến nông xin đi mà không hề lưu luyến, vương vấn gì.

Trước đó ở cấp xã của Hưng Yên cũng đã giải tán đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, sáp nhập hai chức danh thú y và khuyến nông viên cơ sở vào với nhau, trong đó lĩnh vực thú y được trả 1,1 hệ số còn khuyến nông chỉ được trả 0,3 hệ số khiến cho nhiều lúc cán bộ khuyến nông tỉnh nhờ dẫn đi thăm mô hình cũng khó.

Khác với Hà Nội biến Phòng NN- PTNT thành Phòng Kinh tế để dàn quân ra chỉ đạo trên 3 mặt trận là nông nghiệp, công thương và khoa học công nghệ thì Hưng Yên có 9 huyện vẫn duy trì Phòng NN- PTNT, còn riêng ở thành phố duy trì Phòng Kinh tế.

Anh Lê Trung Cần- PGĐ Sở NN- PTNT Hưng Yên khẳng định, cả 10 đơn vị hành chính này đều có diện tích đất nông nghiệp, số hộ sản xuất nông nghiệp lớn: “Giữ nguyên hệ thống Phòng NN- PTNT thì sẽ tập trung, chuyên sâu về nông nghiệp còn lập nên Phòng Kinh tế sẽ bao quát hơn, đảm bảo cho hệ thống chung nhưng không được chuyên sâu nữa…”.

So với các ngành khác thì nông nghiệp của Hưng Yên hiện nay đang chiếm 10,93% cơ cấu kinh tế của tỉnh trong khi đó công nghiệp, xây dựng chiếm tới 51%, thương mại dịch vụ 38%, tuy vai trò an sinh xã hội rất lớn nhưng cũng không khỏi có chút gì đó yếu thế của một trong những “Sở mềm”.

Anh Nguyễn Văn Thơ, GĐ Sở Công thương Hưng Yên cho hay, trên thực tế ngành công thương và nông nghiệp thường xuyên có những hành động đan xen, giao thoa với nhau: "Đơn giản nhất là dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, nhiều người nghĩ đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp nhưng không phải. Nông nghiệp chuyển tải kiến thức sản xuất đến với các hộ nông dân, HTX, nhà vườn nhưng làm sản phẩm ra đạt tiêu chuẩn, đạt hiệu quả kinh tế phải có sự lồng ghép với công thương, với KH- CN, trong đó công thương có trách nhiệm xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể.

Mới đây, chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh để xây dựng mẫu bao bì chung cho nông sản với hình ảnh đặc trưng là Văn miếu Xích Đằng, năm đầu tiên sẽ lựa chọn 3 sản phẩm chủ đạo nhãn, vải, cam để thực hiện…Nếu không có sự gắn kết giữa các ngành thì nông sản vừa khó tiêu thụ vừa khó có thể gia tăng được giá trị".

Thế nhưng khi bàn đến khả năng sáp nhập các Sở mà cụ thể là Sở Công thương và Sở NN- PTNT, anh Thơ lại cho rằng: "Chuyện sáp nhập Sở cần phải nghiên cứu kỹ bởi vì với những lĩnh vực quản lý tương đối rộng như nông nghiệp, như công thương thì muốn sáp nhập cần có một lộ trình dài. Với bộ máy vô cùng cồng kềnh, khối lượng công việc phát triển kinh tế- xã hội của cả một địa phương mà chỉ để một Sở thực hiện sẽ có độ trễ lớn".

"Theo ý kiến cá nhân của tôi, nếu có sáp nhập sở thì sau năm 2020 nên làm mô hình thí điểm. Tất cả mọi việc phải cho người ta thời gian để chuẩn bị. Đơn giản như tôi với anh bước chân ra khỏi cửa để tham gia giao thông cũng phải chuẩn bị tâm thế, trang phục sao cho phù hợp. Nếu không có sự chuẩn bị nào có thể sẽ bị dòng chảy giao thông nó cuốn đi, tiềm ẩn tỷ lệ rủi ro rất lớn”, anh Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.