| Hotline: 0983.970.780

Xôn xao 'Sở cứng, Sở mềm': Phòng Kinh tế, tấm áo quá rộng

Thứ Năm 17/05/2018 , 14:30 (GMT+7)

Dư luận đang xôn xao chuyện Bộ Nội vụ đưa ra dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành. Theo đó, có 2 nhóm gồm những Sở, ngành tỉnh, thành nào cũng có (gọi tắt là “Sở cứng") và nhóm các Sở, ngành có hay không tùy vào quyết định của địa phương (gọi tắt là “Sở mềm")… 

20-16-05_dsc_0091
Cán bộ nông nghiệp luôn đồng hành cùng nông dân

Chuyện xưa: Tan vỡ HTX Nông, công, thương, tín

Trong 6 “Sở mềm" ấy có Sở Nông nghiệp- PTNT, tùy theo điều kiện của mỗi địa phương có thể giữ lại hay sáp nhập vào Sở Công thương, với tên gọi mới là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại. Ông Nguyễn Hữu Tịnh, Phó trưởng phòng Kinh tế Đan Phượng (Hà Nội) chợt nhớ về câu chuyện của hơn 30 năm trước nhưng những đau đớn của nó vẫn còn tươi mới như hôm qua.

Hồi ấy, tỉnh Hà Tây (cũ) đã chỉ đạo huyện Đan Phương chọn ra 2 xã Hồng Hà và Tân Lập để thành lập điểm HTX Nông, công, thương, tín. Ý tưởng của những nhà hoạch định muốn tạo ra kiểu HTX tập trung được sức mạnh, nông nghiệp có các tổ trồng trọt, chăn nuôi, giống, phân bón…, vốn không phải vay vì sẵn có HTX tín dụng nhân dân, thực hiện luôn khâu mua bán để giảm bớt trung gian.

Chủ nhiệm HTX được cơ cấu vào huyện ủy viên đầy quyền lực nhưng vẫn không thể “lột xác” một sớm một chiều thành con người khác được. Trước quản lý riêng chuyện sản xuất đã vã hết cả mồ hôi hột nay lại ôm thêm công nghiệp, tín dụng vào đâm ra “lúng túng như gà mắc tóc”. Mỗi lĩnh vực chuyên sâu tiếng là đã có cấp phó tham mưu nhưng nghe hay không lại do ông Chủ nhiệm quyết hết. Cả hai HTX hoạt động không hiệu quả, phải giải thể và thành lập HTX nông nghiệp. Khi tiếng đồn vỡ HTX tín dụng lan ra, người dân như bầy mối bị vỡ tổ nháo nhác kéo đến nhà ông Chủ nhiệm những mong vớt vát được những bầy gà, đầu lợn đã trót gửi vào.

Ông Tịnh nhận định: Ngay ở cấp cơ sở gộp vào đã dễ “chết” như thế huống hồ cấp to như sáp nhập Sở Nông nghiệp- PTNT vào Công thương. Mấy hệ thống lớn như vậy mà nhập lại, tiếng là có Phó phụ trách từng lĩnh vực nhưng thủ trưởng liệu có hiểu để mà điều hành chung hay không?
 

Chuyện nay: Phòng Nông nghiệp biến thành Phòng Kinh tế

Một buổi sáng tháng 1/2011, tấm biển Phòng Nông nghiệp của huyện Đan Phượng bị dỡ xuống thay bằng tấm biển mới Phòng Kinh tế. 8 năm làm Phó Chủ nhiệm, 10 năm làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp rồi 9 năm làm ở Phòng Nông nghiệp, việc làm đó khiến cho ông Nguyễn Hữu Tịnh cảm thấy hụt hẫng.

Ông Nguyễn Hữu Tịnh, Phó trưởng phòng Kinh tế Đan Phượng (Hà Nội)

Tiền thân của Phòng Nông nghiệp chính là Ban Nông nghiệp của huyện, rất lớn, chỉ đạo toàn bộ từ cung ứng vật tư, sản xuất đến thu sản phẩm. Năm 1998, tỉnh Hà Tây từng tổ chức một cuộc họp quy mô tại huyện Quốc Oai, trong đó bàn chuyện nên hay không nên duy trì Phòng Nông nghiệp, cuối cùng vẫn quyết định giữ vì những hợp lý của nó. “Cái tên phòng rất quan trọng vì nó chỉ ra nhiệm vụ, chức năng kèm theo. Gắn với chữ nông nghiệp là cây trồng, vật nuôi, người dân biết ngay chứ còn gắn với chữ kinh tế nó rộng quá, họ bảo không hiểu các ông làm những việc gì”, ông Tịnh tâm sự. Chuyện "hô biến" Phòng Nông nghiệp thành Phòng Kinh tế gần 10 năm về trước cũng tương tự như chuyện “Sở cứng" và “Sở mềm" hiện nay.

 Trên một cơ thể gày gò còn nhiều thiệt thòi, thua kém là nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì Phòng Kinh tế trở thành một tấm áo quá rộng để có thể “mặc vào” và quản lý nó. Ông Tịnh phân tích: Trong quy chế của Bộ, thành phố rồi huyện hướng dẫn cho Phòng Kinh tế, không phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng. Trước đây Phòng Nông nghiệp chuyên về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, quản lý về vật tư, BVTV…Phòng chỉ có khoảng 5-6 người nhưng phân công 1 phụ trách trồng trọt, 1 chăn nuôi thủy sản, 1 quản lý HTX, 1 kế hoạch, thống kê, theo kế hoạch, thời vụ mà chỉ đạo, rất sát sao.

Nhưng giờ Phòng Kinh tế Đan Phượng có 10 biên chế chính thức cộng thêm với mấy hợp đồng để phụ trách ba mảng nông nghiệp, công thương và khoa học- công nghệ. Tuy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỷ trọng đóng góp cho kinh tế địa phương cao, nhưng thực ra quản lý nhà nước về các lĩnh vực đó không có nhiều việc vì chỉ quy hoạch, kế hoạch, kiểm tra phòng cháy nổ…Hơn thế, doanh nghiệp làm là chính, lại có thêm mấy ngành khác nữa quản lý không như nông nghiệp, tuy chiếm tỷ trọng kinh tế chỉ khoảng dưới 10-12% nhưng tham gia vào đó là vài vạn nông dân trên số dân hơn 160.000 người của huyện.

20-16-05_dsc_9112
Trong niềm vui được mùa của nông dân có vai trò của kỹ sư nông nghiệp

“Nếu tính tỷ trọng đóng góp kinh tế của các thành phần thì kiểu gì vẫn là Phòng Kinh tế nhưng nếu xác định vai trò, ý nghĩa xã hội, bao nhiêu người ở địa phương đó chịu ảnh hưởng thì phải là Phòng Nông nghiệp. Thế nên, theo tôi chỉ trừ những nơi quận, thị xã nên lập Phòng Kinh tế còn huyện thì phải là Phòng Nông nghiệp”, ông Tịnh góp ý.

Mảng yếu nhất của Phòng Kinh tế quản lý là khoa học- công nghệ. Sở Khoa học - Công nghệ của TP Hà Nội mỗi năm triển khai được lèo tèo vài đề tài bởi các Phòng Kinh tế bên dưới không có đủ cán bộ kỹ thuật để thực hiện. Tiền ngân sách dành cho khoa học- công nghệ bởi thế hầu như không tiêu được. Chồng chéo về chức năng nhiệm vụ đã đành, còn chồng chéo cả trong đào tạo, tập huấn. Mới đây nhất Sở Công thương Hà Nội có công văn yêu cầu các Phòng Kinh tế đào tạo và tập huấn cho nông dân trồng rau, trồng hoa để xây dựng thương hiệu. Trong khi đó nhiệm vụ này Sở Nông nghiệp và PTNT, rồi Chi cục Phát triển Nông thôn hàng năm đều có chỉ đạo, tổ chức những lớp học dạng này.

Ông Tịnh thở than: “Văn bản đóng dấu đỏ, không làm thì không hoàn thành kế hoạch mà làm thì thừa nhưng vẫn đành phải nghe. Khó mà tổ chức được lớp học hoặc nếu tổ chức được chất lượng cũng không cao”.
 

Một vài ý kiến khác

Bà Đặng Thị Tươi, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa (Hà Nội) thì có ý kiến khác hẳn với ông Tịnh: “Ban đầu, theo quan điểm chủ quan của tôi, một người được đào tạo về nông nghiệp nên vẫn thích mô hình Phòng Nông nghiệp. Tuy nhiên khách quan mà xét, về tổng thể nếu chỉ phát triển về nông nghiệp mà không có thương mại hay các ngành công nghiệp đi kèm thì sản phẩm nông nghiệp cũng không thành hàng hóa được, không mang lại giá trị cao.

Mặt khác, việc dồn các mảng quản lý nhà nước về công thương vào mảng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện sẽ phù hợp hơn là hợp nhất vào Phòng Quản lý đô thị thành Phòng Kinh tế - Hạ tầng như trước.Vậy nên để nguyên Phòng Kinh tế trong đó có các mảng về nông nghiệp-công nghiệp-thương mại là phù hợp hơn cả”.

Ưu điểm của mô hình này, là nắm bắt tổng thể phát triển kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, cân đối các mảng việc. Có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đề xuất các vấn đề thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp. Các huyện có tỷ lệ nông nghiệp nhiều thì sẽ quan tâm phát triển nông nghiệp để cân đối với các ngành khác, tùy điều kiện về tự nhiên và kinh tế để lãnh đạo huyện quyết định. Nhược điểm là mảng việc rộng lớn, những huyện nông nghiệp sẽ tập trung lực cho phát triển nông nghiệp mà ít dành kinh phí để hỗ trợ các ngành khác, dẫn đến mất cân đối. Nông nghiệp lại là ngành có tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp, khó là động lực thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế. Mảng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ ít được quan tâm hơn, hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ít thực hiện.

Phòng Kinh tế có mảng việc của Sở Khoa học- Công nghệ, tuy nhiên vai trò quản lý rất mờ nhạt và không liên quan đến các mảng việc còn lại. Nếu hợp nhất Sở Khoa học - công nghệ và Sở Giáo dục – Đào tạo thì nên chuyển mảng việc quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ cho Phòng Giáo dục - Đào tạo.

Về mô hình quản lý nhà nước cấp xã, nên hình thành Ban Kinh tế hoặc Ban Nông nghiệp xã ở những nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn. Ban gồm 3-5 người do một lãnh đạo xã làm trưởng ban với thành phần có thể gồm 1 cán bộ thú y, 1 cán bộ BVTV do xã tự hợp đồng, tự chi trả lương, còn chuyên môn do huyện hướng dẫn. Ban có trách nhiệm tổ chức các dịch vụ công về nông nghiệp, NTM và an toàn thực phẩm. Lý do thành lập Ban này là bởi cấp xã hiện không có cán bộ quản lý nhà nước về mảng công thương trong khi hiện nay lại có thêm mảng quản lý về an toàn thực phẩm (tất cả giao cho thống kê xã nên năng lực quản lý về công thương rất thấp).

“Bởi có chữ Phòng Kinh tế nên bố trí cán bộ nhiều lúc không đúng chuyên môn như công thương phụ trách trồng trọt, chăn nuôi phụ trách thủy lợi. Có lãnh đạo phòng của huyện bạn than rằng khó tìm được kỹ sư nông nghiệp nhưng tôi bảo luôn còn nhiều nhưng vì các anh là Phòng Kinh tế nên chỉ cần trên tấm bằng đại học có chữ kinh tế liền đưa về. Họ có học nông nghiệp ngày nào đâu, làm sao mà chỉ đạo trồng trọt, chăn nuôi được? Trình độ không bằng nông dân ấy chứ”, ông Nguyễn Hữu Tịnh- Phó trưởng phòng Kinh tế Đan Phượng (Hà Nội).

 

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.