| Hotline: 0983.970.780

Xôn xao “Sở cứng, Sở mềm”:

Không chỉ là bệ đỡ kinh tế, mà còn là bệ đỡ tinh thần

Thứ Sáu 18/05/2018 , 13:05 (GMT+7)

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội mở đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng một nhận định rằng: Có ba thứ gây xáo trộn cuộc sống nhất: Chiến tranh, dịch bệnh lớn và suy thoái kinh tế nặng nề. 

Thực tế trải qua mấy đợt suy thoái kinh tế thế giới nhưng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Vì chúng ta chưa tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu thì đã rõ rồi nhưng còn là vì suy thoái kinh tế ảnh hưởng chủ yếu ở tiền tệ, ở công nghiệp chứ nông nghiệp chịu tác động rất ít.
 

Suy thoái kinh tế mới thấy vai trò nông nghiệp

Ông Nguyễn Xuân Đại nói tiếp: "Không phải tôi làm ở ngành nông nghiệp mà đánh giá cao nông nghiệp. Những lúc suy thoái kinh tế thế giới như năm 2006, 2008 các ngành công nghiệp, dịch vụ đều bị ảnh hưởng khủng khiếp, trong khi đó nông nghiệp lại ít bị ảnh hưởng, khu vực tưởng như dễ bị tổn thương nhất là nông thôn lại không mấy ảnh hưởng”.

11-08-45_dsc_1076
Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội

Cũng theo ông Đại, chưa có một chương trình nào mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc từ Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước cho đến trưởng thôn như chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của nó là nâng cao an sinh xã hội cho vùng nông thôn, giảm chênh lệch giàu nghèo, giữ được cái nôi văn hóa của dân tộc.

Ông Phó Giám đốc Sở dẫn chứng cho tôi những thông tin không phải ai cũng biết về nền nông nghiệp của Thủ đô. Dù không phải là vựa lúa nhưng diện tích gieo trồng lúa của Hà Nội hàng năm vào khoảng 200.000 ha/hơn 7,6 triệu ha gieo trồng lúa của cả nước, trung bình gấp đôi so với các tỉnh, thành khác. Nhờ đó sản lượng thóc không chỉ thừa cho nhu cầu của Thủ đô mà còn cấp ngược ra tỉnh ngoài.

Dù nông nghiệp Hà Nội chưa đạt đến trình độ hiện đại như những nước tiên tiến nhưng cũng đáp ứng phần lớn nhu cầu về rau củ quả, mỗi năm lên tới 1 triệu tấn (sản xuất tại chỗ được 600.000 tấn nên chỉ phải mua từ bên ngoài 400.000 tấn/năm). Nếu Thủ đô phải nhập tất cả số rau củ quả đó thì công tác kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm vô cùng phức tạp, hơn thế thành phố lại tốn thêm một khoản tiền lớn.

Không chỉ dồi dào về lương thực, thực phẩm, giá trị nông nghiệp/ha của Hà Nội còn cao tới 239 triệu/ha, so với các địa phương có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như tiêu, điều, thủy hải sản… vẫn thuộc vào hàng tốp đầu. Dù diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần, trung bình mỗi năm mất 1.000 - 2.000ha nhưng giá trị nông nghiệp của Thủ đô mỗi ngày một cao hơn, trung bình mỗi năm đóng góp cho kinh tế thành phố 40.000 - 43.000 tỉ đồng.

So với nền kinh tế nói chung của Thủ đô, giá trị sản xuất nông nghiệp không nhiều nhưng nó là những con số quan trọng. Hơn thế, với quy mô dân số lớn trên 7 triệu (chưa kể 2 - 3 triệu lao động ngoại tỉnh và khách du lịch) thì 188.000ha đất sản xuất nông nghiệp gồm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và rừng chính là màu xanh để điều hòa môi trường cho thành phố, góp phần tạo nên đa dạng sinh học.
 

Suy thoái tâm hồn mới thấy nông thôn quan trọng

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên ông Đại hơn ai hết hiểu rõ vai trò của nó: “Chỉ có ở vùng nông thôn, con người mới không bị tất tả mưu sinh bởi công nghiệp, dịch vụ, mới có thời gian để ý những việc khác như lễ hội, như văn hóa. Hiện nay một số nước có thừa điều kiện để đô thị hóa hết, công nghiệp, dịch vụ phủ kín 100%. Những cái đó mới sinh lời lớn nhưng tại sao họ vẫn không bỏ sản xuất nông nghiệp? Bởi ngoài yếu tố an ninh lương thực ra, nông nghiệp còn là bệ đỡ văn hóa...”.

Khu vực nông thôn của Hà Nội rất rộng lớn với 386 xã với 3,8 triệu người. Nông nghiệp đóng vai trò an sinh xã hội, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm gồm sản xuất, chế biến, thương mại, cả trực tiếp lẫn gián tiếp cho khu vực này, kích thích các ngành khác phát triển.

Nông nghiệp còn là không gian văn hóa. Ngay trong khu vực nông thôn, ở những nơi không làm nông nghiệp mà chỉ có công nghiệp, dịch vụ thì tính gắn kết cộng đồng bị giảm đi. Những vùng nào còn nhiều nông nghiệp thì trong quá trình lao động sản xuất, rủ nhau đi làm, mượn nhau cái nọ cái kia, nhờ nhau việc này việc khác mà thêm gắn bó.

“Ở những nước phát triển mọi người đua vào guồng máy, không còn nhu cầu giao tiếp thậm chí lấy vợ sinh con, suốt ngày tay cầm túi đồ ăn nhanh, hai tai đút tai nghe, không biết thế giới xung quanh là gì. Ngược lại ở những nước có sản xuất nông nghiệp, cuộc sống chậm hơn một nhịp, không bị bon chen, không bị áp lực.

Đời sống tinh thần của người dân nông thôn phong phú được là nhờ sản xuất nông nghiệp. Lao động không chỉ ở ngoài đồng mà khi về nhà còn phơi, còn quạt, còn sàng, còn sẩy, còn kiểm tra xem mối mọt hay không. Nếu công nghiệp tạo ra giá trị 1.000 đồng chỉ mất có 1 giây thì có khi nông nghiệp phải mất 1 tháng. Suốt cả tháng đó người nông dân phải lao vào công việc. 1 vụ lúa 3 tháng thì suốt 3 tháng ấy đầu phải nghĩ đến lúa, chân tay phải làm nên triệt tiêu tất cả những thói hư tật xấu của “Nhàn cư vi bất thiện”.

Các sản phẩm phẩm nông nghiệp, thứ xuất khẩu, thứ vào siêu thị, thứ lại ra chợ quê. Chợ quê chủ yếu là bán nông sản mà thông qua đó nó có nét văn hóa rất riêng: Có những người đến chợ chỉ để bán vài quả bí, quả mướp, mớ rau. Họ là người có tuổi, không đủ sức khỏe để đi làm thuê. Con cái công tác hết, ngồi mãi ở nhà đâm ra buồn chán.

11-08-45_dsc_4832
Nông nghiệp là gốc của văn hóa nông thôn
Trước tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết về bảo vệ đất lúa theo đó Chính phủ phân khai cho Hà Nội đến năm 2020 phải giữ được 92.000ha đất lúa. Kinh nghiệm cho thấy, một số địa phương đã nhất thời chuyển ồ ạt từ đất nông nghiệp sang công nghiệp nhưng không đạt hiệu quả, khi muốn khôi phục lại đất lúa rất khó. Phải hàng ngàn năm bồi đắp mới có được tầng canh tác lúa như hiện nay.

Lên chùa thì phải rằm mồng một, ra đình thì phải ngày lễ hội, vậy nên chỉ còn đến nhà văn hóa hoặc đi chợ để bán vài quả mướp, quả bí nhà trồng được. Dù giá trị kinh tế của những nông sản ấy không đáng là bao nhưng mua bán chỉ là cái cớ để chuyện cuộc sống hàng ngày được mang ra trao đổi... Chính vì thế mà giữ được văn hóa truyền thống”.
 

Công bằng không có nghĩa là làm ra nhiều

Ông Đại tiếp tục mạch câu chuyện dư luận đang bàn tán xôn xao về dự thảo “Sở cứng, Sở mềm”: “Trong dự thảo gọi “Sở cứng, Sở mềm” thì được, nhưng nếu gọi ngoài thực tế thì không được bởi tâm lý “Sở cứng” quan trọng hơn, được tôn trọng hơn “Sở mềm”. Suy cho cùng thì ngành nào cũng quan trọng, không quan trọng ở lĩnh vực này thì quan trọng ở lĩnh vực kia chứ. Đã sinh ra nó đương nhiên nó phải có tác dụng.

Sở NN-PTNT là “Sở mềm”, theo dự thảo có thể sáp nhập với Sở Công thương … Tuy nhiên theo tôi nghĩ địa phương nào có quy mô, diện tích nông nghiệp nhỏ nhưng vì vấn đề an sinh xã hội nên vẫn phải giữ một bộ phận nông nghiệp. Với đặc thù quy mô nền nông nghiệp nhỏ như vậy thì Sở đó chỉ cần số lượng cán bộ công chức rất nhỏ sẽ không phù hợp và địa phương đó sẽ hiểu là có nên sáp nhập hay không sáp nhập. Các Sở, ngành khác cũng vậy”.

Công bằng cho các ngành nghề không phải cứ đơn giản là làm ra nhiều kinh tế mới được công nhận. Làm ra ít kinh tế nhưng ý nghĩa của nó lớn thì vẫn quan trọng như thường.

“Cuộc sống của con người bao gồm cả vật chất và tinh thần. Nếu chỉ có tiền không thì rất khô cằn vì bây giờ chỉ ngồi nhà alo cái là có hết, từ cái kim, sợi chỉ mang đến tận nơi, không còn ý nghĩa gì nữa sẽ rất buồn tẻ.

Tại sao một số nước, người ta lại tự tử nhiều thế? Là bởi vì họ thấy chẳng còn ý nghĩa gì ngoài tập trung vào kiếm tiền. Con người ở đó tồn tại chứ không phải sống. Tồn tại là gì? Là sức khỏe đảm bảo, dinh dưỡng nạp đủ, cần cái gì là có tiền mua. Sống thì khác, ngoài những cái đó ra còn văn hóa, văn nghệ, thể dục, vui chơi, giải trí… Sống hạnh phúc mới khó chứ tồn tại thì rất dễ”, vẫn theo ông Đại.

Một đất nước phát triển đúng nghĩa là kinh tế phát triển, giữ được, bản sắc văn hóa truyền thống, giữ được những nét đẹp của những lễ hội truyền thống. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân quan trọng là vì thế.

Đến thời gian nhất định nào đấy, công nghiệp phát triển, một nhà máy trước cần 1.000 công nhân, nhưng sau chỉ cần 100 công nhân. Mà con người vẫn hàng ngày sinh ra, công việc ở đâu cho họ làm? Chính là nông nghiệp. Nếu không có nông nghiệp thì phải bảo trợ xã hội cho số người này, ngân sách nào chịu nổi?

 

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.