| Hotline: 0983.970.780

Sống trong di sản

Xứ đá vươn mình

Thứ Năm 01/06/2023 , 06:53 (GMT+7)

Những con người quyết tâm xoá nghèo, tự lực vượt qua khó khăn, nghèo đói với nghị lực phi thường. Họ chính là những điển hình cho xứ đá vươn mình.

Lương Văn Hùng, cán bộ xã Khâu Vai khi bắt tay nuôi cá lồng trên song Nho Quế, anh bị người ta doạ sẽ thả thuốc diệt cỏ cho cá chết, anh vẫn quyết tâm làm. Vàng Mí Hồng, cậu trai bản Lao Xa quyết phá chuồng bò bằng bê tông kiên cố xây dựng hết hơn 200 triệu để làm du lịch, hay như Sùng Mí Chứ mua bò mẹ cho cả bản mượn, giúp nhau có chú bê con…

Những con người quyết tâm xoá nghèo, tự mình vượt qua khó khăn, nghèo đói với nghị lực phi thường. Họ chính là những điển hình cho xứ đá vươn mình.

1.

Trên con đường từ nhà Sùng Mí Chứ, thôn Sán Séo Tỷ ngược về trung tâm xã, chị Hoàng Thị Đao, cán bộ mặt trận Tổ quốc xã Khâu Vai bảo tôi dừng lại trên đỉnh dốc. Đây là vị trí tuyệt đẹp để quan sát trọn vẹn Khâu Vai từ trên cao.

Bản Khâu Vai nằm trên mỏm núi hình yên ngựa, trải xài và hẹp ngang - nơi có phiên chợ tình hơn 100 năm tuổi. Ảnh: Kiên Trung.

Bản Khâu Vai nằm trên mỏm núi hình yên ngựa, trải xài và hẹp ngang - nơi có phiên chợ tình hơn 100 năm tuổi. Ảnh: Kiên Trung.

“Anh thấy không, cả Khâu Vai nằm trên một khu đất hình yên ngựa. Nó chính là đỉnh của một quả núi đất chạy dài, hẹp ngang. Chỗ tán cây xanh rì kia là trụ sở uỷ ban xã”.

Đúng như lời chị Đao nói, bản Nùng Khâu Vai với 50 nóc nhà hệt như những kỵ sỹ sống trên yên ngựa, thuần phục con ngựa bất kham của vùng núi đá. Kế bên là đất của Bảo Lạc (Cao Bằng), những triền núi bề thế, dốc ngược, trơn tuột… Thế mà, lác đác vẫn có những vạt nương đất vừa được xới, phơi màu vàng gan gà dưới nắng. Những quả núi như chơi trò trốn tìm, giấu con sông Nho Quế vào bên trong, thi thoảng mới để lộ một khúc sông xanh rì như canh hến.

Trên khúc sông xanh rì hiếm hoi ấy, Lương Văn Hùng (sinh năm 1981, người Nùng, cán bộ văn hoá xã) quyết định đặt bè nuôi cá lồng. Anh thành lập hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông lâm thủy sản, lấy tên Châu Kiệt - cậu con trai bé bỏng của mình làm tên hợp tác xã.

Hợp tác xã nuôi cá lồng trên sông Nho Quế của anh Lương Văn Hùng, cán bộ văn hoá xã Khâu Vai. Ảnh: Đào Thanh.

Hợp tác xã nuôi cá lồng trên sông Nho Quế của anh Lương Văn Hùng, cán bộ văn hoá xã Khâu Vai. Ảnh: Đào Thanh.

Ở Khâu Vai, ai cũng biết câu chuyện tình đẹp bi tráng giữa chàng Ba người Nùng và nàng Út người Giáy. Họ yêu nhau nhưng không đến được với nhau vì lời nguyền trai gái khác bản không được nên đôi lứa. Họ hẹn thề mỗi năm sẽ gặp nhau một lần trong phiên chợ Khâu Vai… Rồi từ đó, xứ đá Mèo Vạc có một phiên chợ tình diễm lệ tồn tại hơn 100 năm qua…Nhưng, ở Khâu Vai, rất ít người biết chặng đường khởi nghiệp của một thanh niên người Nùng, quyết tâm tự mình xoá nghèo, tự mình làm kinh tế.

Cuối thôn Trung Tâm của xã Khâu Vai có một khúc hiếm hoi của dòng Nho Quế dừng lại, dềnh dàng. Khúc sông này, bà con từ Bảo Lâm (Cao Bằng) sang đất Mèo Vạc (Hà Giang) gần nhất, chỉ cần một chiếc bè. Hùng thành lập hợp tác xã dịch vụ vận tải, chở đò đón khách. Nhưng, như thế vẫn chưa khai thác hết giá trị của khúc sông. Anh nảy ra ý định làm bè nuôi cá lồng.

“Nghĩ thì dễ, làm không dễ đâu. Người trong bản nói bóng gió, là sẽ thả thuốc cho cá chết hết, để không được nuôi cá lồng. Mình bảo, cứ thả đi, chết lứa này thì nuôi lứa khác, họ thả chán, sẽ không thả nữa”.

Lương Văn Hùng, người Nùng ở Khâu Vai. Ảnh: Đào Thanh.

Lương Văn Hùng, người Nùng ở Khâu Vai. Ảnh: Đào Thanh.

Nhưng mà có người thả thật. Lần ấy, cá chết. Lọ thuốc diệt cỏ nổi lềnh bềnh bên cạnh bè nuôi cá. Công an xã đã tìm được người thả lọ thuốc diệt cỏ đầu độc cá nuôi, người này khai, được một người cho tiền để ném lọ thuốc hoá chất ấy xuống. Hùng không ngã lòng. Anh tiếp tục thả lứa cá mới, với một quyết tâm kiên định: “Mình nuôi được cá, mình làm được cá bè, sau đó sẽ bảo bà con cùng làm, cùng nhau làm giàu, xoá nghèo”.

Đến bây giờ, Hợp tác xã dịch vụ du lịch – thuỷ sản Châu Kiệt đã thành hình, đi vào nền nếp, dẫu vẫn còn đang ngô nghê, vừa làm vừa học cách thức tổ chức, điều hành. HTX có 10 lồng cá gồm cá lăng, bống, trắm, chép. Ngoài ra, anh hỗ trợ thêm 5 hộ nuôi, bao tiêu đầu ra khi cá được thu hoạch vì các hộ không biết kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đêm muộn. Cả bản Khâu Vai chìm trong giấc ngủ. Khoảng sẫm đen, lừng lững trên rẻo đất hình yên ngựa mà chị Đao nói, chính là bóng của ba cây cổ thụ, gồm cây muỗm trùm bóng xuống trụ sở uỷ ban xã; cây vải và một cây muỗm cổ thụ khác đứng án ngữ ngay di tích đồn Tây – chiếc đồn kiên cố xây dựng năm 1926 thời thực dân Pháp cai trị.

Những người vùng đá sống trong lòng di sản. Ảnh: Kiên Trung.

Những người vùng đá sống trong lòng di sản. Ảnh: Kiên Trung.

Câu chuyện của chúng tôi trong căn nhà sàn 5 gian có chị Linh Thị Vị (phó chủ tịch xã), Lương Văn Hùng và Lý Hồng Páo (phó chủ tịch hội đồng nhân dân xã).

11 tuổi, Hùng rời bản Khâu Vai xuống huyện đi học… lớp 1. Dưới xuôi, tuổi đó đi học là quá muộn, nhưng ở làng Nùng quê anh đó lại là chuyện mà ít đứa trẻ nghĩ được. Quyết tâm đi học, biết chữ để xoá mù, có chữ rồi mới làm được kinh tế mạnh mẽ hơn con đường dài 20km đầy đá sỏi, phải đi bộ, leo dốc mà đi. Cùng với Hùng, có chị Bị, có Páo. 3 đứa trẻ đầu tiên của bản Khâu Vai đi học.

Ba đứa trẻ mấy chục năm trước, giờ đang là những cán bộ của xã Khâu Vai. Học hết lớp 9, Vị và Páo được uỷ ban xin về làm cán bộ vì địa phương thiếu người bản địa biết chữ. Hùng tiếp tục đi học, hết cấp 3, học tiếp đại học, rồi mới về xã làm cán bộ văn hóa.

Nhìn xung quanh bản làng chỉ có cây ngô nhọc nhằn mùa này qua mùa khác, đời này sang đời khác…, Hùng nhận ra rằng, chưa hẳn cứ cần cù lầm lũi trên nương đã là kết quả. Muốn có năng suất, phải biết cách trồng cây đúng khung thời vụ, chọn đúng giống, chăm sóc đúng kỹ thuật…, Hùng vận động bà con trồng thêm cây ăn quả, cây khoai lang, phát triển chăn nuôi gia súc, phát triển nghề thủy sản…

2.

Ngày ấy, nhà ba anh em đều nghèo. Đi học trường dân tộc nội trú được nhà nước nuôi, nhưng bố mẹ lại mất đi một lao động trong nhà. Ăn bao nhiêu ngô, thóc của nhà nước, bố mẹ hy sinh cho đi học, thế thì nợ bố mẹ và quê hương nhiều. Học xong, cả Hùng, Vị, Páo đều chọn về làng.

Miếu Ông - miếu Bà, di tích gắn với câu chuyện tình diễm lệ của chàng Ba và nàng Út ở Khâu Vai. Ảnh: Đào Thanh.

Miếu Ông - miếu Bà, di tích gắn với câu chuyện tình diễm lệ của chàng Ba và nàng Út ở Khâu Vai. Ảnh: Đào Thanh.

Được đi học, đi xa, mở rộng tầm nhìn hơn, hiểu biết nhiều hơn. Hùng nghĩ về câu chuyện tình diễm lệ của chàng Ba và nàng Út, nghĩ về miếu Ông và miếu Bà – di tích gắn với câu chuyện tình, gắn với chợ tình Khâu Vai quê mình. Ý tưởng lấy huyền thoại để làm du lịch ra đời.

Nhưng, làm du lịch chỉ có thế hệ trẻ như Hùng, Vị, Páo hào hứng, còn người già thì không thích khách lạ đến làng, không muốn người lạ ngủ ở nhà mình. Nếu đến bản Nùng Khâu Vai, nhà nào có bàn thờ tổ tiên đặt trong nhà, sẽ có một quy ước bất di bất dịch là người lạ không được phép ngủ lại. Thậm chí, con dâu con rể khi về nhà bố mẹ cũng không được phép ngủ cùng nhau, phải ngủ riêng…Ngay cả mẹ Hùng cũng phản đối.

Đường đến trường của trẻ em xã Khâu Vai. Ảnh: Kiên Trung.

Đường đến trường của trẻ em xã Khâu Vai. Ảnh: Kiên Trung.

Bà nói: con làm cán bộ, vợ là giáo viên, lại chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, có bè cá lồng, có đò chở khách…, thu nhập vậy cũng đủ rồi, sao lại đưa người lạ đến làng ở lại, rồi đi khắp làng ngó nghiêng, chụp ảnh…, người làng không thích. Bà không muốn nghe lời ì xèo. Lại còn tín ngưỡng của tổ tiên, đừng có làm điều mà tổ tiên cấm kị...

Hùng không đồng tình với ý của mẹ nhưng cũng chẳng dám cãi lời. Mẹ Hùng cả đời quanh quẩn bên căn nhà, góc bếp, cặm cụi với mảnh nương, cây ngô, chỉ cần lo đủ miếng ăn nuôi đàn con 9 đứa. Nhưng Hùng không thể vì sự phản đối của mẹ mà từ bỏ ước mơ. Nhà nước hàng năm còn khuyến khích người dân làm du lịch, mỗi năm tổ chức lễ hội chợ tình Khâu Vai một lần để tuyên truyền, quảng bá. Chẳng nhẽ, cứ để du lịch ở Khâu Vai mỗi năm mới sống lại được một lần, còn những ngày khác thì ngủ quên?

Suy đi tính lại, Hùng lên xã xin thuê căn nhà sàn trước kia là trụ sở uỷ ban cũ, nay xã đã dời sang vị trí mới nên bỏ không để làm homestay. Vị và Páo là những người đầu tiên ủng hộ. Bỏ tiền đầu tư, sửa chữa lại ngôi nhà sàn, anh mày mò học cách làm du lịch qua mạng internet, bỏ thời gian, tiền túi đi học hỏi các mô hình homestay ở những nơi khác, thậm chí sang cả Sơn La…

Homestay của Hùng là mô hình đầu tiên ở Khâu Vai. Bây giờ, dọc con đường của thôn Trung Tâm, Khâu Vai đã có 14 ngôi nhà gắn biển làm du lịch. Tập tục không cho người lạ ở lại qua đêm, không cho trai gái ngủ chung trong ngôi nhà có đặt bàn thờ tổ tiên, Hùng có phương án, đó là làm những ngôi nhà mới, không đặt bàn thờ tổ tiên; bàn thờ tổ tiên, ông cha thì đặt ở nhà cũ. Chuyện phản đối làm du lịch của người già trong làng chẳng thấy ai nhắc lại...

Hùng là người đầu tiên ở Khâu Vai làm du lịch, cũng là người đầu tiên ở Khâu Vai nuôi cá lồng trên sông Nho Quế. Ảnh: Đào Thanh.

Hùng là người đầu tiên ở Khâu Vai làm du lịch, cũng là người đầu tiên ở Khâu Vai nuôi cá lồng trên sông Nho Quế. Ảnh: Đào Thanh.

Bây giờ mỗi năm, Khâu Vai đã đón trên 1 vạn du khách, đông nhất là dịp diễn ra lễ hội chợ tình. Mỗi tuần, cũng có 1, 2 đoàn du khách đến tham quan. Phát triển du lịch nông thôn được chính quyền xã đưa hẳn vào nghị quyết. Thế là, đường hướng phát triển kinh tế xoá nghèo của Khâu Vai đã thành hình, làm nông nghiệp gắn với du lịch, nông thôn. Nó cũng giống việc, khi mở một con đường mới nối từ bản nọ sang bản kia, từ xã này sang xã khác, tạo nên chuỗi liên kết: Lợn đen Lũng Pù được đưa sang Khâu Vai để phục vụ du khách; bắp cải từ Sủng Máng, hay cá lồng trên sông Nho Quế là hợp tác xã Châu Kiệt của Hùng nuôi… bắt đầu có tên trong những thực đơn để các homestay mang ra giữ chân du khách…

Câu chuyện của ba người con ưu tú ở Khâu Vai được tóm lược trong một buổi tối, dưới chân ngôi nhà sàn nhưng, tôi biết, đó là cả một hành trình dài và rất dài. Hùng dừng lại nghe điện thoại. Một đoàn khách liên hệ vào thăm làng vào ngày mai và lưu trú qua đêm ở nhà Hùng.

Một tiếng gà đột ngột xé toang đêm tĩnh lặng vọng về từ đầu núi. Không biết, đó có phải tiếng gáy báo sang canh hay một chú trống choai mơ ngủ, bởi đêm Khâu Vai bây giờ mới thực sự bắt đầu, lạnh ngọt trong lành, khác hẳn với cái nắng gắt ban ngày rang đá.

3.

Vàng Dỉ Xoáng là người Lô Lô, trước khi được điều động sang làm chủ tịch xã Sủng La, anh là phó chủ tịch xã Lũng Cú. Dù không phải người địa phương nhưng từ bản xa đến bản gần, mỗi nơi Xoáng đến, dân bản đều thân mật chào đón.

Vàng Dỉ Xoáng (ảnh trái), chủ tịch xã Sủng Là đang hướng dẫn ông Mùa Mí Phình, nghệ nhân làm khèn mông ở bản Lao Xa về việc làm nghề gắn với du lịch. Ảnh: Kiên Trung.

Vàng Dỉ Xoáng (ảnh trái), chủ tịch xã Sủng Là đang hướng dẫn ông Mùa Mí Phình, nghệ nhân làm khèn mông ở bản Lao Xa về việc làm nghề gắn với du lịch. Ảnh: Kiên Trung.

Nhà Xoáng có 4 anh em. Hai người anh học xa nhà, không đành lòng nhìn bố mẹ vất vả, đã có lúc Xoáng muốn nghỉ học. Nhưng mẹ bảo Xoáng, nghỉ học chỉ giúp bố mẹ đỡ khổ vài năm nhưng lại làm khổ mình cả đời. Xoáng đi học tiếp.

Năm 2004, khi đang học lớp 11, xã Lũng Cú xin anh về làm cán bộ. Thấy anh còn lưỡng lự, họ giải thích, sau này muốn vẫn có thể học tiếp. Xoáng gắn bó với công việc ở xã từ đó đến nay.

Người Sủng Là yêu mến Xoáng bởi dù mới về xã được hai năm nhưng hầu như nhà nào trong xã Xoáng cũng biết mặt, nhớ tên. Quý hơn nữa, đấy là anh cùng bà con nghĩ cách để cây tam giác mạch, cây rau cải mèo, cây ngô… đạt năng suất cao, mang về nhiều tiền hơn, cái nghèo dần được đẩy lùi.

Sủng Là hiện có hơn 271ha đất canh tác, trong đó ngô là 262ha; 126ha rau, đậu các loại tất cả đều trồng xen ngô; 2,2ha cây tam giác mạch trồng tại cổng làng Lũng Cẩm Trên, Lao Xa... Tổng đàn gia súc hiện có là hơn 3.600, gồm 1.370 con bò, hơn 1.700 con lợn và khoảng 600 con dê... Khi du lịch chưa về các thôn ở Sủng Là, những mảnh ruộng trồng ngô có năng suất đến mấy mỗi năm cũng chỉ thu được khoảng 3 đến 4 triệu đồng.

Vàng Mí Hồng tự tay đập dỡ khu chuồng nuôi bò xây bê-tông kiên hết 200 triệu đồng để không còn mùi hôi của phân gia súc để làm du lịch...

Vàng Mí Hồng tự tay đập dỡ khu chuồng nuôi bò xây bê-tông kiên hết 200 triệu đồng để không còn mùi hôi của phân gia súc để làm du lịch...

Nhà cổ Lao Xa - bố con ông Vàng Chứ Chơ mở cửa đón khách. Ảnh: Kiên Trung.

Nhà cổ Lao Xa - bố con ông Vàng Chứ Chơ mở cửa đón khách. Ảnh: Kiên Trung.

Nhưng, trồng tam giác mạch phục vụ du lịch cho thu về mỗi vụ hàng chục triệu đồng, bởi nó không chỉ cho hạt tam giác mạch làm bánh, nấu rượu mà còn thu được tiền khi khách chụp ảnh mùa hoa, tiền cho thuê trang phục, hay những nhóm nhạc thổi khèn Mông hay thu vé tiền khách vào chụp ảnh… Những bản làng Lũng Cẩm, Lao Xa…  trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Đồng Văn.

Bản Lao Xa có những ngôi nhà trình tường cổ của người Mông tuyệt đẹp. Ngôi nhà của Vàng Mí Hồng, con trai ông Vàng Chứ Chơ là ngôi nhà cổ đẹp nhất nhì bản Lao Xa, khách tây nườm nượp tìm đến dịp cuối tuần. Vừa rồi, xã vận động ông Chơ phá bỏ chuồng bò trước nhà vì như thế sẽ có mùi hôi, khách du lịch không đến, không muốn ở, lại chềnh ềnh án ngữ ngôi nhà cổ.

Cán bộ Xoáng bên mô hình trồng dâu tây ở xã Sủng Là. Ảnh: Đào Thanh.

Cán bộ Xoáng bên mô hình trồng dâu tây ở xã Sủng Là. Ảnh: Đào Thanh.

Đắn đo nhiều đêm. 200 triệu để xây dựng cái chuồng bò kiên cố nhất bản Lao Xa, mới nuôi được mấy lứa bò, phá bỏ tiếc lắm. Nhưng, sau gần một năm hoạt động, homestay nhà ông Chơ nhiều người biết tới, trung bình đón 5 khách/ngày, mỗi tháng ông thu được cả tiền triệu. Số tiền lớn hơn nhiều so với trồng ngô, hay nuôi bò... Vậy là Vàng Mí Hồng thuyết phục bố mình, phá bỏ chuồng bò không luyến tiếc. Chỗ này, cậu trai Mông nói sẽ làm một không gian ngoài trời uống trà, uống café… để khách thư giãn.

Chúng tôi rời bản Lao Xa khi bóng chiều sa xuống đỉnh núi. Nắng hè cao nguyên nóng là thế, nhưng chiều xuống tiết trời bỗng dịu mát như mùa thu. Cơn gió từ thung lùa qua các khe núi tạo ra những thanh âm kỳ lạ, như thể núi đang hát. Xoáng bảo, đó là thứ thanh âm đặc biệt của quê hương, dù có đi xa ngàn dặm vẫn nhớ, vẫn muốn trở về...

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.