“Thửa ruộng bậc thang hình trái tim” ở xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần đã trở thành từ khóa tìm kiếm trên mạng xã hội. Người làm nên tác phẩm đó là Sín Văn Tinh, người Nùng, sống ở Thèn Phàng. Những người như ông Sín Văn Tinh, một cách tình cờ, không chủ ý, đã góp phần tạo nên những danh thắng cho quê hương.
Ông Sín Văn Tinh năm nay ở độ tuổi ngoài 60. Gia đình ông vừa xây cất xong ngôi nhà kiên cố ở ngay đỉnh dốc, cách trung tâm xã Thèn Phàng chừng non cây số.
Ngôi nhà chưa hoàn thiện, đang chờ tường xi-măng khô để quét ve, sơn màu, nhưng ở vùng cao đầy khó khăn này, nó là một trong những công trình to lớn hiếm hoi. Làm đủ nghề mưu sinh, từ xay xát thóc gạo, buôn bán lương thực, tham gia Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thèn Phàng, sản xuất gạch bán cho bà con trong bản xây nhà…, Sín Văn Tinh là điển hình của một người đàn ông Nùng nghị lực.
Trong ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới, ông đón chúng tôi như đón người thân sau nhiều năm mới gặp lại. Hơn chục năm trước, trong một chuyến công tác tại Xín Mần, thửa ruộng bậc thang hình trái tim của Sín Văn Tinh khiến chúng tôi tò mò, phải hỏi thăm bằng được chủ sở hữu. Và, mối lương duyên với người đàn ông người Nùng duy trì từ bấy tới giờ.
Thửa ruộng mang hình dáng một trái tim khổng lồ bằng đất, đẹp đến độ hoàn hảo, ngự trên đỉnh núi, xung quanh là những ruộng bậc thang trùng điệp. Nó là kết quả của bao mùa đắp đất be bờ, vạc bờ, rồi lại vạc bờ, cuốc góc…, cứ thế mà thành hình.
Sín Văn Tinh là con út trong gia đình gồm sáu anh chị em. Bố mất năm anh được gần 3 tuổi, mẹ tần tảo nuôi đàn con khôn lớn. Năm 1993, anh lấy vợ - chị Sùng Thị Vẻ, ở bản Pồ Cố. Như bao thanh niên người Nùng khác, đôi vợ chồng trẻ tự bươn chải gây dựng cuộc sống. Đất đai, dù nhọc nhằn, khô cằn, nhưng nó là thứ quý giá thiên nhiên ban tặng, nó sẽ nở hoa, cho thóc gạo, cho ngô khoai… nếu như đổ mồ hôi, công sức cải tạo.
Thửa ruộng hình trái tim là một trong số những mảnh nương của vợ chồng Sín Văn Tinh. Qua bao mùa lúa, mỗi lần, vợ chồng anh sửa sang một tí, đẽo gọt một chút…, mà thành hình trái tim đẹp đẽ, mộng mơ tự bao giờ. Điều đó không biết là may mắn cho Sín Văn Tinh hay may mắn cho Thèn Phàng, bởi nó đã tạo nên một tuyệt tác tạo sức hút mê đắm khiến những du khách khi lên Xín Mần, đều tìm đường đến tận nơi chiêm ngưỡng.
Giống như vùng xuôi canh tác lúa nước, qua nhiều thế hệ, kỹ năng trồng cấy đã trở thành kiến thức, sau đó được nâng tầm thành văn hóa, phong tục…, thì vùng cao, ruộng bậc thang cũng vậy. Nó là phương thức canh tác hình thành do địa bàn đồi núi dốc, không giữ được nước. Các thửa ruộng giật cấp, từ cao xuống thấp, mỗi cấp lại được đắp đất tạo bờ, vừa giữ nước, ngăn không bị xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng đất… Cả một quần thể ruộng bậc thang liền kề, nối tiếp nhau, tạo thành bức tranh như tạc, như vẽ giữa núi rừng.
Bức tranh ấy thay đổi màu sắc theo các thời điểm trong năm, theo thời vụ sinh trưởng của cây lúa. Hình thù của bức tranh được tạo nên từ hình thù của những thửa ruộng, như ruộng bậc thang mâm xôi (thôn Khòa Hạ, xã Nậm Khòa), hay thửa ruộng trái tim của Sín Văn Tinh.
Hoàng Su Phì có 3.720,6 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 24/24 xã, thị trấn. Năm 2012, 1.380ha ruộng bậc thang của Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa được công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia. Những thửa ruộng uốn lượn trùng điệp như có chân để chạy, từ ven suối lên đỉnh núi, được làm nền và đẹp đẽ thêm bởi những cánh rừng nguyên sinh, những nương chè cổ thụ, những dòng sông, khe suối, những mây trời và những bản làng…
Tôi hỏi anh Sín Văn Tinh, thửa ruộng hình trái tim đẹp đẽ, mộng mơ ấy có phải là món quà tỏ tình của chàng trai Nùng với cô thiếu nữ Sùng Thị Vẻ ở bản Pồ Cố hay không, anh cười, thật thà: “Nó chỉ là thửa ruộng thôi. Mình đắp đất, bỗng nhiên nó thành vậy…”.
Nhưng, dù có như thế nào thì hãy cứ tin, mảnh ruộng hình trái tim đẹp đẽ nằm ở nơi bốn mùa sương giăng mây phủ, nó gắn với một câu chuyện tình mà trai gái bản Díu vẫn kể cho nhau, đấy là tác phẩm từ tình yêu mà Sín Văn Tinh thao thức bao đêm để dành tặng người mình yêu, dù bây giờ, chàng trai, cô gái Nùng ấy tóc đã điểm bạc, đã lên ông lên bà, đã có đàn cháu chạy nhảy đầy nhà…
Sống ở nơi khó khăn, khắc nghiệt giữa vùng đá Đồng Văn hay mênh mông núi đất ở Xín Mần, Hoàng Su Phì…, những huyền thoại, những câu chuyện tình diễm lệ, những mộng mơ…, nó là thứ giữ chân và xua tan những mệt mỏi, buồn phiền, xua tan những âu lo nghèo khó, xua tan những xa ngái của quãng đường thác ghềnh, vì cứ qua một khúc quanh, một vực sâu, hẻm núi…, thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, đã là một món quà.
“Món quà” ấy giờ đã được công nhận là di sản. Những bản làng người Mông, Dao, Nùng, Giáy, Tày, Xuồng, Lô Lô… sống trong lõi di sản, là một phần của di sản. Những người dân bản địa như Sín Văn Tinh, đã góp phần tạo nên di sản!
Đắp đá kê cao quê hương
Cung đường từ tỉnh lị Hà Giang xuôi quốc lộ 4C lên cao nguyên đá, bỏ qua những khúc cua tay áo nổi danh, xứ đá ập vào mắt du khách với những điệp trùng.
Thế nhưng, dù chỉ là một xóm nhỏ vài ba nóc chụm đầu dưới một thung sâu, hay một bản làng cả trăm mái nhà sum tụ dưới tán rừng sa mộc cổ thụ…, không khó để nhận thấy, vây xung quanh mỗi nhà là một bờ rào đá. Những viên đá mồ côi, đá hộc, đủ hình thù, kích cỡ… được gom nhặt, xếp khéo léo thành những tường rào bằng đá cao quá đầu người, viên nọ chồng viên kia không cần thứ gì neo giữ hay chất kết dính…
Bờ rào đá, nó khu biệt ngôi nhà thành một cõi riêng như cột mốc giới, là thứ ngăn cách khu chuồng trại, vật nuôi với khu dành cho người, dù cả hai khu này ở các bản làng vùng cao, đều nằm trên một rẻo đất, cách nhau vài bước chân, qua một hai bậc cửa, và cả hai khu đều không quá nhiều khác biệt.
Chủ tịch xã Khâu Vai Mùa Mí Mua giải thích: Bờ rào đá của người Mông cũng như bờ tường rào của người dưới xuôi có tác dụng bảo vệ ngôi nhà, ngăn cách chuồng trại, bảo vệ vật nuôi. Tuy nhiên, điều đặc biệt, những viên đá xếp thành rào là những viên đá mồ côi nằm sót trong nương. Mỗi lần cày đất, lưỡi cày vấp phải một cục đá trồi lên, người Mông gom lại để lần sau không vấp phải nữa, rồi xếp khéo léo thành tường rào.
Trên đường đi lên nương, đường đi đến chợ, sang nhà nhau uống rượu, đi chơi xuân hay đi công việc…, gặp một viên đá lạc trên đường, người ta nhặt lấy, mang về, chất lên rào đá. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, khi mảnh nương được dọn dẹp sạch hơn, không còn đá mồ côi sót lại, cũng là lúc bờ rào đá đã lừng lững, kiên cố như thành trì.
Dọc những con đường nối bản nọ sang bản kia, từ Thài Phìn Tủng cắt Sà Phìn để đi tắt sang Nhà Vương, từ Sủng Là sang Lao Xa, sang Tà Tủng Chứ, Chính Chúa Lủng, Dính Nhủng…, dừng chân bên Lũng Cẩm xem nhà Pao, hay chạy một mạch từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, những bản làng Sán Si Lủng, Há Dán Cô, Cán Chu Phìn…, những ngôi nhà người Mông, Nùng… cũng vẫn dè dặt sau những bờ rào đá, không phân biệt giàu nghèo. Mà, dù có muốn cũng không thể phân biệt được giàu nghèo, bởi bờ rào đá nào cũng giống nhau, sắc đá vùng cao nguyên, viên nào cũng một gam màu xám.
Như ở Cán Chu Phìn, xã giáp ranh với Khâu Vai (huyện Mèo Vạc), hàng trăm bức tường rào đá hộc đẹp đẽ, nguyên sơ… đang có chủ trương làm du lịch. Khách tới thăm những bản làng, ngắm những tường rào đá thô ráp, già nua, cũ kỹ, sẽ thấy được cả sự kỳ công, nhẫn nại của bao thế hệ.
Ngày 3/10/2010, cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Năm 2014 và năm 2019, UNESCO tái công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022. Trong hồ sơ của mình, chắc hẳn, Hà Giang sẽ không thể “bỏ quên” một danh thắng nhân tạo, do những người dân bản địa làm nên, đó là những bờ rào đá hộc.
Người Mông có câu “Tsi muaj lub roob siab dua koj lub hauv caug - không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối”. Điều này thật sự thấm thía khi đứng ở giữa vùng đất mà “cúi mặt sát núi, ngẩng mặt đụng trời”…
Tôi cứ như được hối thúc từ trong tâm trí những câu thơ “Nói với con” của nhà thơ người Tày đất Trùng Khánh - nhà thơ Y Phương. Ở Trùng Khánh, Cao Bằng, người Tày cũng nhặt những viên đá mồ côi, kiên trì, nhẫn nại xếp thành những bờ rào đá quanh nhà, ven đường, những bờ rào đá quanh các thửa ruộng… Nó là thành trì để bảo vệ cuộc sống con người, là thứ để khẳng định chủ quyền…
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục…”.
(Nói với con – Y Phương)