| Hotline: 0983.970.780

Phận người sau vách đá

Chủ Nhật 28/05/2023 , 09:06 (GMT+7)

Ẩn sau những vách đá xám trải mênh mông khắp vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, có những số phận vượt lên gian khổ để tồn tại, mưu sinh.

Mặt trời lựng đỏ sau lưng thảm ngô còi cọc phủ trùm trên triền núi đá, Lầu Mí Mua mới thấp thểnh trở về nhà nằm sát đường thôn Làng Chải, xã Cán Chu Phìn. Mua đi sửa chiếc xe máy bị hỏng từ sáng, được người bạn xóm trên rủ về nhà uống rượu. Thế là, mùi rượu ngô nồng đặc theo chân Mua tỏa suốt cả quãng đường.

Những tường rào đá ở Há Ía, xã Cán Chu Phìn. Ảnh: Kiên Trung.

Những tường rào đá ở Há Ía, xã Cán Chu Phìn. Ảnh: Kiên Trung.

Ngôi nhà thấp tè của Mua rộng khoảng 60m2, được ngăn thành bốn phòng ở bốn góc. Giữa nhà, một chiếc bếp củi hai ngăn khá bề thế, chắc chắn, trên đặt hai chiếc chảo lớn. Dù bên ngoài trời đã nhá nhem tối, bên trong nhà Mua vẫn chưa sáng điện. Chỉ có ánh lửa trong chiếc bếp củi thỉnh thoảng lại bùng lên một ngọn to, soi rõ cả ngôi nhà đầy đồ đạc ngổn ngang, bừa bộn: đám rau cho bò, lợn vứt sát thành bếp... Đống củi ngô vừa mới được tiếp thêm một bó to, còn nguyên chiếc dây thừng buộc. Quần áo vắt ngang chiếc dây thép ùn thành một đống khiến dây đỡ oằn xuống, trĩu một đầu…

Trong nhà Mua, tài sản có giá trị thứ hai, sau chiếc xe máy đang mang đi sửa, có lẽ là chiếc bếp củi đang đỏ lửa. Thế mà trong ngôi nhà toen hoẻn được ngăn thành 4 ô nhỏ ấy, có 3 hộ gia đình cùng sinh sống: bố mẹ của Mua, vợ chồng Mua, và vợ chồng đứa em trai. Sống lâu trong chật hẹp dần cũng thành quen. Ở bản Mông này, nhiều nhà giống như Mua, không có tiền, không có đất để làm nhà, mấy chục năm liền, mấy thế hệ cùng sống chung.

Trong căn bếp nhà Lầu Mí Mua. Ảnh: Kiên Trung.

Trong căn bếp nhà Lầu Mí Mua. Ảnh: Kiên Trung.

22 tuổi, Lầu Mí Mua lấy vợ - Vừ Thị Mánh, người xã Tả Lùng. Tiền thách cưới là 50 triệu đồng, Mánh trở thành vợ của Mua. Ở các bản người Mông, thường khi con gái đi lấy chồng, bố ngoại, mẹ ngoại sẽ cho bò, cho xe máy mang theo về nhà chồng làm của hồi môn. Nhưng khi lấy Mánh, Mua không có bò, có xe mang theo về. Mua bảo, bố ngoại, mẹ ngoại không cho vợ mình con bò mang theo bụng cũng hơi buồn, nhưng không sao mình đã có một đứa vợ, đảm đang là ưng bụng.

Bài liên quan

Để có 50 triệu tiền sính lễ, cả nhà Mua phải chắt chiu, không đủ thì đi vay mượn thêm. Mánh về làm dâu, lại cùng nhà chồng làm ngô, chăn nuôi, và trả nợ dần cùng nhà chồng. Hỏi, còn trẻ, sao không học tiếp mà lại lấy vợ? Lầu Mí Mua thủng thẳng: Mình đã học hết lớp 9, nói tiếng Kinh khá thành thạo và là người học được nhiều chữ nhất dòng họ. Học như thế đủ chữ rồi thì bỏ học thôi.

Bố mẹ không có điều kiện thì cái chữ cũng phải bỏ giữa chừng, phải đi làm cày nương, làm thuê…, rồi lấy vợ về để có người đỡ đần bố mẹ. Ở bản Làng Chải, thanh niên Mông lấy vợ rất sớm. Cho nên, 40 tuổi, bố Mua đã lên ông nội. Em trai Mua mới 18 tuổi đã có vợ. Còn em con nhà chú của Mua, 19 tuổi đã có 3 con.

Tuổi xuân bị đánh cắp ở chợ phiên

Lầu Thị Lúa gùi khuẩy tấu đầy cỏ, tay dắt đứa con nhỏ, theo sau là người anh chồng bị thiểu năng đang chậm rãi từ con dốc đầu làng Há Ía, xã Cán Chu Phìn đi lên. Lúa vừa từ nương về.

Lầu Thị Lúa, cô gái Mông đánh rơi tuổi xuân ở phiên chợ xã Lũng Pù. Ảnh: Đào Thanh.

Lầu Thị Lúa, cô gái Mông đánh rơi tuổi xuân ở phiên chợ xã Lũng Pù. Ảnh: Đào Thanh.

Lúa về làm dâu ở Cán Chu Phìn được 8 năm. Phiên chợ ngày xuân 8 năm trước ở Lũng Pù, khi ấy Lúa còn trẻ, còn đang ham đi chơi. Nhưng Vừ Mí Sính cùng đám bạn bắt Lúa về làm vợ. Kể từ đó, tuổi xuân của Lầu Thị Lúa giống như đã bị phiên chợ ngày xuân năm ấy đánh cắp.

Trước khi bị bắt làm vợ, Lúa không biết nhiều về Vừ Mí Sính. Về nhà Sính rồi, Lúa buồn cũng chẳng dám khóc vì đông người quá, xấu hổ. Hơn nữa Sính cũng đưa cho bố mẹ Lúa hơn 30 triệu tiền sính lễ. Thương con gái nhỏ tuổi, mẹ Lúa bảo nếu mình không đồng ý thì con không phải về ở nhà Sính. Nhưng bố Lúa lại khuyên nên về ở với Sính để làm vợ làm chồng. Rồi bố mẹ cho vợ chồng Lúa con lợn và 2 triệu đồng để lấy vốn làm ăn.

Cuộc sống ở Cán Chu Phìn. Ảnh: Kiên Trung.

Cuộc sống ở Cán Chu Phìn. Ảnh: Kiên Trung.

8 năm trôi qua. Những đứa con của Lúa lớn lên, vô tư như hạt ngô đã tách vỏ rồi nảy mầm trên vùng cao nguyên đá. Khi đã có với Sính 2 mặt con, đứa lên 6 đứa lên 4 thì Lúa chẳng khác nào con gà mẹ bị buộc chân ở cột nhà để đàn con quanh quẩn xung quanh mà chẳng thể đi đâu được. 

Giờ thì Lúa đã thực sự gắn bó với nhà của Sính dù có phải vất vả một mình ngày ngày thay chồng chăm sóc 2 đứa con nhỏ cùng bố mẹ chồng và người anh trai chồng bị thiểu năng trí tuệ. Mấy năm trước khi bố mẹ chồng còn khỏe, đi nương cái chân chưa biết mỏi cái lưng chưa biết đau, nhưng mấy năm nay họ đã già, chủ yếu ở nhà chăm lo lợn gà và trông mấy đứa cháu, một mình lúa Lúa cáng đáng hết nương ngô tương đương gieo 10kg ngô giống mới kín được mấy nương núi đá.

Mẹ con chị Lầu Thị Lúa. Ảnh: Kiên Trung.

Mẹ con chị Lầu Thị Lúa. Ảnh: Kiên Trung.

Nhà Lúa có 6 chị em, Lúa là chị cả. Những đứa em của Lúa, chúng được đi học, chúng sẽ không phải lấy chồng sớm như chị, sẽ nghĩ được xa như cô giáo miền xuôi vẫn dạy.

Tục bắt vợ của người Mông mấy năm nay không còn như trước. Nếu có bắt vợ thì con trai, con gái đã biết và yêu nhau, có đồng ý đến với nhau mới cho bắt. Đi nhiều hội nghị của thôn, nghe cán bộ Công an tuyên truyền, nếu người con gái không đồng ý thì người con trai không được bắt về làm vợ, như thế là vi phạm pháp luật và bị Nhà nước phạt tội nặng, có muốn đổi nhiều trâu, nhiều bò cũng không được đổi, được tha. Lúa buồn…

“Phải đuổi cái nghèo”

Cán Chu Phìn là 1 trong 6 xã của huyện Mèo Vạc không có nguồn nước, là một trong số xã nghèo nhất của huyện Mèo Vạc. Thiếu nước, dù có nghĩ ra nhiều mô hình kinh tế xoá nghèo cũng không thể làm nổi.

Anh Hờ Pà Lúa, trưởng thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Hờ Pà Lúa, trưởng thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn Lầu Mí Và thông tin: xã có 12 thôn, 1.257 hộ dân, với khoảng 7.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 70%. Muốn giúp bà con bớt nghèo, nhiều cán bộ, kỹ sư trên tỉnh, Trung ương đã mang giống cây trồng cho bà con Cán Chu Phìn trồng, từ cây ngô lai đến cải dầu, ngô nếp… qua mấy vụ rồi đều không thành công. Ngô lai trồng được nhưng hay bị sâu mọt, không thể bảo quản được lâu.

Đến khi các hộ nghĩ ra được bí quyết của người miền xuôi là không treo cả bắp ở trên xà nhà hay góc bếp mà phải lấy hạt ra, phơi khô rồi buộc kín trong bao tải ni lông thì cũng là lúc nhiều thôn nhận ra rằng, cây ngô lai không hợp với khí hậu khắc nghiệt, ít mưa và đói đất ăn, cho bắp nhỏ và ít hạt. Vậy là, cây ngô truyền thống của người Mông ở lại với bà con.

Vợ của Lầu Mí Mua cột chân con gà mẹ bằng một sợi dây, rồi buộc nó lại ở chân cột nhà, để giữ lũ gà con không bị lạc mẹ. Ảnh: Kiên Trung.

Vợ của Lầu Mí Mua cột chân con gà mẹ bằng một sợi dây, rồi buộc nó lại ở chân cột nhà, để giữ lũ gà con không bị lạc mẹ. Ảnh: Kiên Trung.

Mấy năm nay, Cán Chu Phìn chủ trương làm du lịch dựa trên văn hóa truyền thống của người Mông, đặc biệt là khai thác nét độc đáo của những bức tường rào đá… Kết hợp với các chính sách, chuyển đổi kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt…, cái đói, cái nghèo đã dần đẩy xa.

Hờ Pà Lúa, trưởng thôn Há Ía cho biết: Nhà nước hỗ trợ bà con làm bể chứa nước để phòng những ngày hạn hán; hỗ trợ mua trâu bò, lợn gà tăng gia sản xuất; hỗ trợ làm nhà ở, đời sống của bà con cũng dần khá hơn. Bởi thế, dù thôn có 131 hộ dân và có tới 84 hộ nghèo nhưng bà con vẫn chủ động bỏ công, hiến đất để làm đường vào thôn.

“Nhà nước đã lo nghĩ cho dân có con đường lớn rồi, đã hỗ trợ hộ nghèo có bảo hiểm y tế, cây con giống… thì dân cũng phải chủ động nghĩ ra giúp Nhà nước và giúp chính mình. Thu hút khách du lịch, thôn đã làm bờ rào đá, xây dựng hệ thống hầm rượu, xây dựng các bể chứa nước và chỉnh trang khuôn viên và hình thành các homestay tại thôn để đón khách du lịch.

Hang nước trong lòng núi, nguồn cung cấp nước chủ yếu cho người dân thôn Há Ía. Ảnh: Đào Thanh.

Hang nước trong lòng núi, nguồn cung cấp nước chủ yếu cho người dân thôn Há Ía. Ảnh: Đào Thanh.

Mấy năm tới, cán bộ bảo rằng sẽ xây dựng tuyến đường phục vụ giải chạy marathon vùng cao nguyên đá trong đó có đoạn qua làng. Vậy thì người làng sẽ cùng với cán bộ xây dựng, chỉnh trang nhà cửa để phát triển du lịch. Khi kinh tế phát triển hơn, khách du lịch miền xuôi về nhiều sẽ giúp cái đầu của bà con ở bản Mông dần sáng ra, từ đó những hủ tục, lạc hậu ở Cán Chu Phìn cũng dần là câu chuyện của quá khứ”.

Trưởng thôn Hờ Pà Lúa say mê, rồi nhìn về phía ngọn núi cao nhất Cán Chu Phìn, tưởng như, con đường để chạy giải marathon mấy năm nữa vừa được xây dựng, đang ngoằn ngoèo chạy xa tít tầm mắt…

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cấp cứu 2 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

Sáng 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 trẻ mầm non, trong đó 2 cháu bé có biểu hiện ngộ độc.