| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

Ngô trên xứ đá

Ngô trên xứ đá

Có một 'di sản’ khác nằm trong lòng cao nguyên đá và ruộng bậc thang Hà Giang, đó là những con người không chịu khuất phục khó khăn, mạnh mẽ, bền bỉ hơn đá...

Nhà của Sùng Mí Chứ, cán bộ y tế thôn Sán Séo Tỷ (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc) nằm giữa bạt ngàn ngô và đá. Cánh cửa nhà Chứ không bao giờ khép, như thể muốn đón cả thung lũng đá xám vào trong. Bên ngoài, những nương ngô mải miết chạy dài, đuổi trên những mênh mông đá xám, bời bời xanh trên những hốc đất tằn tiện góp nhặt từ đá. Ở vùng này, cây ngô quý giá như mạng sống con người.

 

Như tên gọi, các bản làng của bốn huyện cao nguyên đá gồm Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, thứ nhiều nhất, sẵn có nhất, gây nên khó khăn nhất nhưng cũng làm nên sự kiêu hùng nhất của xứ này, đó là đá. Đá trùng điệp tạo thành lũy ở vùng cực Bắc. Đá tua tủa trồi lên như măng mọc. Đá tạo thành những cổng trời gọi tên Cán Tỷ, Pí Lèng... Đá đẩy dòng Nho Quế xuống tận khe sâu, tạo thành vực Tu Sản hun hút. Đá bủa vây khiến những con đường dẫn tới các thôn bản trở nên mảnh mai như những sợi chỉ, dài miên man, bất tận, len lỏi, luồn lách, và bí hiểm…

Nhưng, có một thứ ở xứ đá còn bền bỉ hơn cả đá, bền bỉ hơn cả những con đường, đó là những nương ngô mọc trên những bản làng người Mông, Dao, Nùng, Giáy, Tày, Xuồng…, từ bao đời nay bám trụ.

Chúng tôi lên Khâu Vai, xã chót cùng của Mèo Vạc khi chợ tình đã tan. Thế nhưng, dư âm của nó vẫn vương vấn suốt dọc con đường từ trung tâm huyện dẫn vào Khâu Vai, neo đậu trên những tấm pano, ap-phích, bảng lảng trên những tán cây cổ thụ im lìm ven đường, và vương vãi bên những nách núi kín đáo, khi những đôi trẻ chỉ đợi trời nhá nhem là vội tìm đến nơi hò hẹn...

Mùa chợ tình năm nay, mưa tìm đến Khâu Vai, tìm đến cả xứ cao nguyên đá muộn hơn thường lệ. Đã cuối tháng Ba âm, mới chỉ có một vài cơn mưa trễ nải buông nhẹ nhưng vẫn không đủ làm ẩm lớp đất mặt. Cữ này mọi năm, ngô đã ấm gốc bởi ăn Tết xong, quá rằm tháng Giêng là xuống hạt. Đến tầm này, ngô đã râm ran phất cờ, vào bắp, có những cây mau hạt, bắp đã nhu nhú ở nách lá, như những búp măng giang mọc xiên… Nhưng năm nay, thì khác!

Ở Niêm Sơn, Niêm Tòng - hai xã cách Khâu Vai chừng 10km, từ tháng 2, người dân sốt ruột, đã vội làm đất, tra ngô... Cây ngô nhú được chừng gang tay thì trời dừng mưa. Sự khô hạn khiến nó héo rũ, cháy lá rồi cứ thế chết đứng. 9/12 thôn của Khâu Vai, lứa ngô giống chung số phận: thiếu nước, hạn hán. Thế là, những mảnh nương nào đã trót tra ngô đành dừng cả lại, đợi mưa, rồi sau mới tính tiếp, phó chủ tịch xã Khâu Vai, Linh Thị Vị thông tin.

Không riêng Mèo Vạc. Nhiều xã vùng cao của Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, vòng sang ba huyện núi đất Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần…, cơn hạn đang loang rộng vì nắng nóng kéo dài bất thường những ngày qua. Ở vùng núi, nhất là vùng cao nguyên đá khắc nghiệt, mọi kế hoạch đều rất dễ bị thay đổi, nhất là với cây ngô - thứ mà phải thuận thiên, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, ông Hoàng Hải Lý phiền muộn: Mấy năm trở lại đây mới có một năm nay khô hạn bất thường như thế này. Những dòng sông ở thượng nguồn khô cạn, trơ lòng. Ác cái, đúng lúc ngô đương hoa, thụ phấn. Nắng nóng như này, ngô chưa kịp thụ phấn đã bị hơi nóng thiêu rụi. Mà nếu có thụ phấn được, thì bắp ngô cũng còi cọc, không ra hạt, không đủ chất lượng, năng suất…

Làm cách nào để khắc phục bây giờ? Ông Lý bảo, phải chờ mưa xuống thôi, chấp nhận trồng lại toàn bộ. Mà cũng phải đợi đến qua tháng 6, may ra… Nhưng, ba thôn núi đá của Khâu Vai, gồm Sán Séo Tỷ, Sín Thầu, Chù Lủ Trên, lứa ngô chính vụ tra được hơn một tháng vẫn đang xanh, và đã lên cao được chừng 2 gang tay. Con chó chạy qua nương ngô, chỉ còn thấy nhúm lông đuôi bay lất phất.

Vì sao ba thôn núi đá trồng ngô lại sống, không như các thôn khác? Chị Hoàng Thị Đao, cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã giải thích trên đường dẫn tôi trèo qua bạt ngàn núi đá lên Sán Séo Tỷ tìm nhà Sùng Mí Chứ, cán bộ y tế thôn: “Vùng đá, ẩm và mát hơn, đất vì thế cũng bớt nóng”.

Lý giải của Đao khiến tôi vững tin hơn khi đi qua những xã núi đá Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Giàng Chu Phìn... nằm dọc tuyến đường dài 20km để vào Khâu Phai, ngô mướt xanh mênh mang trên những triền đá. Dù trước đấy, khi bắt đầu chạm đất Yên Minh, những nương ngô cháy lá ở vạt nương phía xa kéo thành vệt xơ xác, từ trên cao nhìn xuống, cứ ngỡ như mảnh nương sớm, cây đã cho thu hoạch.

Giữa bạt ngàn đá tai mèo của Sán Séo Tỷ, lá ngô xanh như át đi màu đá xám khổ hạnh, như con ngựa được nài ghìm bớt sự bất kham...

 

Nhà Sùng Mí Chứ - cán bộ y tế thôn Sán Séo Tỷ nằm giữa bạt ngàn ngô và đá. Con đường mòn dẫn vào nhà Chứ men theo những mỏm đá, đạp lên đá mà đi. Chiếc xe máy phải để bên ngoài bờ rào vì đường hẹp không đi được, Đao ngắt một túm cây chó đẻ phủ lên yên xe che nắng. Nếu thuận, có mưa, chỉ chừng một tháng nữa, ngô lên cao ngang ngực người, sẽ phải rẽ lá mà đi.

Dưới mỗi gốc ngô, vợ Chứ, chị Sùng Thị Lía tra thêm một hạt bí đỏ, một vài hạt đậu Hà Lan, một hạt lanh – loài cây quen thuộc của người Mông trồng lấy vỏ để làm sợi, dệt vải. Khi cây ngô lên được hai gang tay, bí đỏ, đậu, lanh cũng nứt hạt, đội đất nhô lên, rồi vịn gốc ngô đứng dậy, tạo thành quần thể như một tán rừng nhỏ.

Bí, đậu cung cấp rau ăn hằng ngày trong lúc giáp hạt, chờ ngô ra bắp. Còn cây lanh cô độc kia sẽ là giữ giống cho mùa sau. Cây ngô như chiếc dù che mát làm dịu bớt sự khắc nghiệt của nắng xứ đá, giúp cây tầng thấp sinh trưởng, vươn lên. Từ rất lâu, qua nhiều đời, người Mông Mèo Vạc dựa theo tự nhiên để sắp xếp, bố cục cách thức trong canh tác, trồng trọt của mình: Dựa vào đá, nương theo đá mà sống. Trên vùng đá, ngô là cây chủ lực, quen thuộc tới mức không thể thay thế.

Lầu Mí Và, Phó bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn bảo, đã mấy lần, địa phương, cán bộ, rồi huyện có chủ trương thay thế cây ngô bằng cây khác, nhưng đều không thành, chỉ có cây ngô trụ lại được ở đất này. Nó mang lại miếng ăn, sinh kế, là thứ để làm ra mèn mén, là nguyên liệu chưng cất ra rượu. Thân cây ngô là đồ đun cho những chiếc bếp người Mông đỏ lửa cả năm, làm thức ăn cho trâu bò… Ngô là gam màu chủ lực của bức tranh xứ đá, vì nếu không có màu xanh của ngô, cả vùng đá bạt ngàn đến tận cùng này, sẽ mãi chỉ toàn xám xịt…

Diện tích ngô vụ xuân – hè của toàn huyện Mèo Vạc năm 2023 là trên 7.000ha, trong đó chủ yếu là ngô nương. Các xã Giàng Chu Phìn, Sủng Trà, Cán Chu Phìn… là những vùng ngô lớn nhất của huyện. Theo kế hoạch của Phòng Nông nghiệp, vụ ngô năm nay Mèo Vạc đặt mục tiêu gieo trồng trên 7.000 ha, bao gồm các giống ngô năng suất cao như NK4300, NK7328, CP311, CP511 và giống ngô địa phương… Kế hoạch là vậy, khi đưa vào thực tế, nó lại khác rất nhiều vì phụ thuộc vào tự nhiên. Như vụ ngô năm nay…

Hỏi nhà Chứ có bao nhiêu diện tích trồng ngô, anh bảo, người Mông không bao giờ đo diện tích, chỉ biết, để phủ kín hết cả đám nương, cần tới 25kg ngô giống. Thêm vài bao phân đạm để bón thúc, và sức người không đong đếm được, một năm thu về được khoảng hơn 1 tấn hạt.

Nhiều đời nay, bà con đồng bào Mông ở Mèo Vạc giữ thói quen tự nhân giống ngô bản địa bằng cách lựa những bắp đẹp nhất, hạt đều, khỏe nhất làm giống cho mùa sau. Rất ít người trồng ngô lai vì hạt dễ bị mọt và không dùng làm mèn mén được. Nhà Chứ cũng vậy.

Ngô bản địa cây ngắn, thấp, thời gian sinh trưởng dài, từ lúc tra hạt đến khi thu hoạch mất 4 - 5 tháng, phải qua nhiều lần chăm sóc: làm đất, tra hạt, hai tháng sau khi cây ngô đã lên, lại đi vun đất cho ấm gốc, rồi thêm một lượt tra phân bón thúc. Sau đó là chờ đợi. “Cây ngô đã quen đất, quen nước ở vùng núi đá, chịu được hạn. Quan trọng nhất, nếu trồng giống ngô khác mà không ra bắp, đồng nghĩa với việc năm đó sẽ đói. Thế là giống ngô cũ, bền bỉ ở lại với người Mông”, Chứ giải thích.

Sùng Mí Chứ sinh năm 1983, năm nay 41 tuổi, nhưng đã có con dâu năm ngoái, và chuẩn bị lên chức ông nội. Cậu trai lớn, Sùng Mí Dua sinh năm 2003, lấy vợ là cô gái Mông cùng bản có tên Lầu Thị Dí. Đầu Giêng, ăn Tết xong, vợ chồng Dua đi làm công nhân da giày dưới Hải Phòng. Hai cậu con trai kế tiếp đang học trường dân tộc nội trú dưới huyện. Ngôi nhà truyền thống của người Mông mà Chứ đang làm chủ bỗng trở nên rộng rãi, chỉ có vợ chồng Chứ cùng bà mẹ 84 tuổi ở lại.

Ba người lớn sống giữa mênh mông đá, mênh mông ngô, và mênh mông núi. Vợ chồng Chứ như vợ chồng son. Ở Khâu Vai, ở Đồng Văn, Mèo Vạc…, những người Mông thế hệ 8x như Chứ đều đã lên ông lên bà, có người còn có hai ba đứa cháu nội, ngoại, trong khi đứa con út vẫn đang học mẫu giáo. Thực tế ấy khiến chúng tôi bất ngờ, rồi giật mình nghĩ tới bản thân, cũng ở độ tuổi như Chứ, mà vẫn còn xanh và non như trái bí đỏ nằm lăn lóc dưới những gốc ngô trên nương nhà Chứ.

Hầu hết đàn ông, con trai Mông đều nói được tiếng Kinh. Nhưng, phụ nữ Mông nói tiếng Kinh thì hiếm, chỉ những người đi học, tham gia công tác chính quyền và lớp trẻ bây giờ. Mẹ Chứ, vợ Chứ không nói được tiếng Kinh. Khi tôi hỏi chuyện, bà cụ người Mông 84 tuổi chỉ lắc đầu “chư pâu” (không biết đâu- PV), rồi ngồi lặng im bên bậu cửa, dựa vào chiếc cột gỗ, cười hiền lành, nụ cười như một gợn sóng nhỏ bắt đầu từ khoé mắt già nua đục đục, sau đó tạo thành những nếp nhăn loang trên đuôi mắt, loang ra hai gò má, và chạy xuống bên hai khóe miệng nhăn nheo…

Ở vùng đá, đất hiếm hoi và rất quý giá. Đất được giữ trong những hốc đá tằn tiện, chỉ đủ để cây ngô bám rễ mà vươn lên. Nhưng, không phải vì hiếm đất mà phải cố gắng trồng cho bằng hết ngô.

 

Trong đám nương nhà mình, chị Sùng Thị Lía, vợ Chứ vẫn chừa ra một khoảnh bằng hai chiếc chiếu trồng một vạt lanh. Đây sẽ là thứ để những người phụ nữ Mông mang sau những chiếc gùi, để khi đi nương, đi chợ, đi chơi hội…, tay vẫn mệt mài tước những vỏ cây lanh thành từng sợi nhỏ, sau đó sẽ xe lại thành cuộn, và dệt thành những tấm vải lanh, làm nên những món đồ chăn, gối, nệm từ sợi lanh. Khi đủ những món đồ ấy, cũng là lúc cô gái Mông vụt trở thành thiếu nữ, đủ lễ vật theo phong tục mang về nhà chồng. Đứng từ trên cao hay nhìn từ xa, dễ dàng phát hiện những vạt lanh giữa vùng ngô bạt ngàn: chúng mảnh mai, lá xòe như bàn tay, và đặc biệt xanh mỡ màng gần như óng ả.

 

Câu chuyện tôi và Chứ bên bếp lửa cạnh bờ rào đá. Mẻ rượu ngô đang chưng cất trên chiếc thạp nhôm, rượu nhỏ từng giọt tí tách qua chiếc ống nhựa rồi rơi xuống chiếc can nhựa đang hứng. Đàn ông người Mông ai cũng biết nấu rượu ngô, giống như phụ nữ Mông ai cũng biết se lanh, làm vải.

Mùi rượu ngô thơm lựng, nồng nàn, ngai ngái và hơi khen khét, tưởng như cả bờ rào đá cũng say, say từ nhiều năm về trước, vì biết bao mẻ rượu đã được nấu trên chiếc bếp này, mùi rượu ngô tưởng như đã ám sang cả bờ rào đá, khiến đá cũng trở nên say! Chứ lấy một chiếc cốc nhựa, nghiêng can hắt vào một cốc đầy, mang hai chiếc chén hoa hồng chan rượu sang mời khách. Rượu ngô vừa cất nóng hổi. Mùi rượu mới cùng hơi nóng khiến men rượu bốc lên càng lựng. Trên chiếc bàn gỗ đặt giữa nhà, cửa chính nhìn ra nương ngô bạt ngàn, nhìn ra thung được kẹp bốn xung quanh là những mỏm núi đá nhọn hoắt.

 

Gió từ thung tràn vào nhà qua cánh cửa như chiếc phễu hút gió. Tưởng như, ngôi nhà cũng đang bồng bềnh. “Cây ngô đối với người Mông quý lắm, như cây lúa dưới xuôi. Đã nhiều lần thử nghiệm trồng cây khác thay cây ngô, nhưng cây thay thế không lên được. Chỉ có cây ngô hợp với đất cao nguyên đá, chịu được cơn khát của cao nguyên đá”, Chứ nhẩn nha bảo, rồi ra chiếc chạn múc mời tôi một bát mèn mén…

Mấy năm gần đây, thanh niên của Sán Séo Tỷ rủ nhau đi công ty, đi rất xa, xuống tận Hải Phòng làm công nhân giày da, công nhân may mặc. Họ rời xa mảnh nương, rời xa núi đá. Như vợ chồng đứa con trai lớn của Chứ, Sùng Mí Dua, ăn Tết xong đã khăn gói lên đường. Mỗi tháng, hai đứa gửi về cho Chứ 7 triệu đồng, chỉ giữ lại một phần nhỏ để thuê nhà, chi tiêu cuộc sống. Tiền ấy, Chứ giữ cho con, tích lại thành khoản để làm những việc lớn.

Những cuộc ly nông, ly hương ở vùng cao, bắt đầu manh nha như dưới xuôi khoảng hai thập kỷ về trước, bắt đầu bằng lứa thanh niên, trai trẻ. “Thương nó lắm, nhưng phải đi thôi. Trên này, trồng xong ngô, thêm ba lần vun đất, bón phân, năm tháng nữa mới thu hoạch. Trong thời gian ấy, không có việc làm, chỉ đi lấy rau lợn, nuôi con bò, con gà, không có thu nhập”, Chứ kể.

 

Trong góc nhà, gần chiếc cửa đi ra khu chuồng nuôi hai con bò, 6 con lợn nái đen trong đó có một con lợn mẹ đang nuôi đàn con hai tháng tuổi, chị Lía cùng người phụ nữ hàng xóm đang thoăn thoắt thái cỏ bò bằng chiếc bàn thái như thầy lang thái thuốc bắc. Cỏ voi được xắt thành từng đoạn ngắn cỡ đốt ngón tay, rơi xuống chẳng mấy chốc thành một đống đầy.

Gia đình Sùng Mí Chứ thuộc diện năng động nhất ở Sán Séo Tỷ, mạnh dạn làm kinh tế nhất ở Sán Séo Tỷ. Chứ vừa mua hai xe đá dăm, mua thêm xi măng để xây thêm chuồng nuôi trâu, nuôi lợn ở mé chái nhà. Có việc gì cần tiêu đến món tiền lớn, Chứ bán con bò đực trưởng thành, bán đàn lợn con, thế là có khoảng 30 - 50 triệu đồng. Như đầu năm nay, Chứ vừa bán đàn lợn 10 con giống được hơn 10 triệu đồng, một con bò thịt được 20 triệu. Tiền ấy, để mua thóc gạo, mua phân bón về bón ngô. Ngoài ra, Chứ còn có hai con bò giống cho hàng xóm nhận nuôi theo hình thức luân chuyển khi con bò mẹ đẻ được hai con, nhà Chứ sẽ được nhận về một con. Con bò mẹ vẫn là của Chứ. Nhà nào muốn mượn bò giống để có bò con, Chứ sẽ lại cho mượn. Đấy là cách giúp nhau có tư liệu sản xuất, giúp nhau xóa nghèo mà không ỷ lại, trông chờ vào nhà nước…

Bên ngoài, bầu trời xanh không một gợn mây. Nắng nhễ nhại trùm lên cả vùng cao nguyên Sán Séo Tỷ. Trời càng cao, càng xanh, không cần nghe đài thì cũng biết, những ngày nắng sẽ còn kéo dài. Trong khi ấy, cả vùng cao nguyên đang chờ những cơn mưa, cho những vạt nương đỡ khát.

Nguyễn Thái Bình - Đào Thanh
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Thái Bình - Đào Thanh
.
  • Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet

    Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet

    Phóng sự 25/03/2024 - 13:15

    Năm 2023 ghi nhận gia tăng các vụ liên quan đến mua, bán rùa qua mạng xã hội. Do vậy các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

  • [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển

    [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển

    Phóng sự 25/03/2024 - 07:30

    'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

  • Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập

    Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập

    Phóng sự 24/03/2024 - 16:40

    Nhắc đến thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng) thì không chỉ ở Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc mà mãi tận bên Lào cũng có người biết.

  • Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công

    Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công

    Phóng sự 22/03/2024 - 11:09

    Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay làng nghề đậu bạc Định Công đang chuyển mình nhằm níu giữ lại cái hồn cốt của nghề tinh hoa truyền thống.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng

    Rủ nhau đi hái lộc rừng

    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên

    Mùa hoa mộc miên1

    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín

    Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín

    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển

    Chuyện giữ rừng giữa biển

    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'

    Bà Xuân 'hủi'

    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

Xem thêm

Bình luận mới nhất