Hơn 2 tháng trước, khi mà những thông tin ở 4 tỉnh miền Trung về việc cá chết xếp lớp bắt đầu xuất hiện, thì chúng tôi cùng những kỹ sư ngành trắc địa lên tàu ra biển. Nhiệm vụ chính của đợt khảo sát là lấy mẫu nước ở cả tầng đáy và tầng mặt, đồng thời đo đạc các thông số về độ pH, độ mặn của nước biển.
Điều không thường lệ là rất nhiều các vị trí khảo sát trong số đó nằm cách bờ tới 16 hải lý (chừng 30km), một khoảng cách rất xa.
Khi đó, các chuyên gia cho rằng, vẫn có khả năng nguồn độc tố di chuyển từ ngoài khơi vào, vì phải tính hết các khả năng có thể xảy ra. Đó hẳn là một sự cẩn trọng khoa học và có trách nhiệm cần thiết từ phía Tổng cục Môi trường, nơi chủ trì thu nhận và phân tích toàn bộ số mẫu vật thu được.
Kết quả thu được cho đến nay, như chúng ta đã biết, là công ty Formosa phải tự nhận và xin lỗi trước truyền thông về những gì họ đã gây ra. Đó rõ ràng là sự thành công của vụ việc “vô tiền khoáng hậu” này.
Sự thành công ấy rõ ràng không nằm ở số tiền mà Formosa cam kết đền bù để xử lý hậu quả của thảm họa, mà nằm ở thái độ của họ trước những bằng chứng được đưa ra. Những bằng chứng hoàn toàn thuyết phục, những bằng chứng khiến thủ phạm phải tâm phục, khẩu phục. Thành công ấy có được nhờ vào tầm nhìn khoa học và cẩn trọng của những người lãnh đạo.
Cho tới hôm nay, câu chuyện về Formosa vẫn chưa chấm dứt. Liên tiếp là những vụ chôn lấp chất thải của Formosa bị phát hiện, ở cả Hà Tĩnh và Phú Thọ. Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh thì đã có kết quả phân tích ban đầu về số chất thải này. Theo đó, có 13/15 chỉ tiêu dưới ngưỡng cho phép, 2 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép. Và kết quả cuối cùng thì cần phải đợi thêm kết quả từ nhiều mẫu phân tích khác nữa.
Trong bối cảnh dư luận đang hết sức bức bối về những vụ xả thải của Formosa thì Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu: “Nếu có đủ chứng cứ về việc chôn lấp hơn 100 tấn chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại một trang trại ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là vi phạm pháp luật thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý thật nghiêm, trên tinh thần sai tới đâu xử lý tới đó để đảm bảo tính răn đe”.
Đây là một phát biểu hết sức thận trọng, trong bối cảnh mọi việc vẫn còn tranh tối tranh sáng, chưa có những chứng cứ khoa học. Khi “nghi phạm” là những công ty lớn, những tập đoàn đa quốc gia như Formosa, sự thận trọng là cần thiết. Sự sốt ruột của dư luận là có thể hiểu được nhưng sự bình tĩnh, những “trái tim nóng và những cái đầu lạnh” của những người có trách nhiệm cũng cần thiết không kém!