| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông sản 6 tháng đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19%

Thứ Sáu 28/06/2024 , 17:03 (GMT+7)

6 tháng đầu năm, trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức trên thế giới và những rào cản riêng trong nước, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực đạt những kết quả ấn tượng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi Họp báo thường kỳ quý II năm 2024 ngày 28/6. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi Họp báo thường kỳ quý II năm 2024 ngày 28/6. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thặng dư thương mại toàn ngành trên 8 tỷ USD, tăng hơn 62%

Phát biểu tại Họp báo thường kỳ quý II năm 2024 ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước và quốc tế. 

6 tháng đầu năm, dù hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nhưng năng suất cây trồng vẫn đạt cao, đảm bảo sản lượng phục vụ xuất khẩu. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định; tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng gần 21 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành trên 8 tỷ USD, tăng hơn 62%.

Đóng góp vào kết quả trên, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ); trong đó gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều đạt 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%). Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).

Những kết quả trên có được là nhờ toàn ngành nông nghiệp đã và đang tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…

Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu NLST tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. 

Thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Ảnh: Trần Trung.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Ảnh: Trần Trung.

Các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.

Tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Một trong những thách thức của ngành nông nghiệp hiện nay là dịch tả lợn châu Phi. Theo ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến nay cả nước có 21 tỉnh có dịch, tuy nhiên đã sớm ngăn chặn bằng phương pháp tiêu hủy. Việt Nam có 2 loại vacxin được đăng ký lưu hành và trong nước đã sử dụng 3,9 triệu liều vacxin ASF cho đến thời điểm hiện tại. Hai loại vacxin do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cũng được quốc tế đánh giá cao.

Ông Minh lưu ý: “Tất cả các hộ có dịch xảy ra, 100% đối tượng trên các hộ chưa tiêm phòng. Khó khăn trong tiêm phòng vacxin là chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ các hộ nông dân tiêm phòng dịch cho lợn. Dự báo những tháng cuối năm, nếu chúng ta không triển khai quyết liệt các biện pháp tiêm phòng, nguy cơ sẽ xảy ra những ổ dịch nhỏ lẻ”.

Trước tình hình cấp bách, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất vacxin đã bổ sung công dụng đối tượng tiêm phòng. Cụ thể, vacxin ASF trước đây sử dụng cho đối tượng từ 8 - 10 tuần tuổi, giờ đã có thể sử dụng cho đối tượng nuôi từ 4 tuần tuổi trở lên.

Phó cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh phát biểu về vấn đề phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quỳnh Chi.

Phó cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh phát biểu về vấn đề phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quỳnh Chi.

Theo đại diện Cục Thú y, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về cơ chế hỗ trợ phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên trách của Bộ Tư pháp để bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách hỗ trợ công cụ phòng, chống dịch bệnh.

Trả lời vấn đề phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, cả nước hiện nay có 385 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi đó số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ lên đến 24.654. Hiện nay, các cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. 

Ở cấp độ quản lý, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, cần sớm ban hành các chỉ thị về  kiểm soát giết mổ, kiểm soát vệ sinh thú y và quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Điều này sẽ giải quyết các khó khăn về công tác kiểm soát giết mổ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Kiên định với mục tiêu đạt 53 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản

Ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu một số nhiệm vụ để xuất khẩu nông lâm thủy sản cán mốc 53 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu một số nhiệm vụ để xuất khẩu nông lâm thủy sản cán mốc 53 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: Quỳnh Chi.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. 

Để xuất khẩu NLTS đạt mốc 53 - 54 tỷ USD trong năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành nông nghiệp có các giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực, phù hợp với tình hình khí hậu cũng như các biến động toàn cầu.

Về trồng trọt, chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè thu, vụ thu đông và vụ mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực (như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm ở ĐBSCL) để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững ngành thủy sản, Bộ sẽ chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC); tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường phòng, chống khai thác IUU.

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2024, việc áp dụng Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hoạt động liên quan đến khai thác, mua bán và vận chuyển trái phép thủy sản sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Trong giai đoạn này cũng sẽ tập trung xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời thúc đẩy quy hoạch lâm nghiệp và cảng cá.

“Hy vọng các chiến lược trong thủy sản sẽ được triển khai một cách hiệu quả, góp phần đưa nông nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng”, Thứ trưởng nói.

Tăng cường phòng, chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN-PTNT. Ảnh: TL.

Tăng cường phòng, chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN-PTNT. Ảnh: TL.

Để thích ứng với tình trạng thời tiết thất thường, công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai được đẩy mạnh. Bộ sẽ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn để triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. 

6 tháng đầu năm 2024, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).