| Hotline: 0983.970.780

Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày...

Thứ Ba 25/06/2024 , 16:36 (GMT+7)

'Để gỡ 'thẻ vàng' IUU vào tháng 9 này theo Chỉ thị 32, chúng ta phải cùng quyết tâm hơn nữa. Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày...', Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: 'Để gỡ thẻ vàng IUU vào tháng 9 này, chúng ta phải cùng quyết tâm hơn nữa'. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: "Để gỡ thẻ vàng IUU vào tháng 9 này, chúng ta phải cùng quyết tâm hơn nữa". Ảnh: Hồng Thắm.

Xử lý vi phạm khai thác IUU chưa thực sự hiệu quả

Tại cuộc họp bàn giải pháp kiểm soát hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm khai thác IUU do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 25/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, sau gần 7 năm thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), đến nay tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả khả quan.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, vẫn còn một số nhiệm vụ chuyển biến còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC, trong đó có việc kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU chưa thực sự hiệu quả, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong tỉnh và giữa các tỉnh chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả.

Ông Hùng nêu ra một số tồn tại, hạn chế như: Chưa hoàn thành được việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”.

Việc lắp đặt VMS đã đạt gần 100%, tuy nhiên, tình trạng tàu cá ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển xảy ra phổ biến. Đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng.

“Việc điều tra, xử phạt hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn rất hạn chế. Từ năm 2020 đến nay mới xử phạt được 81/381 tàu”, ông Hùng nhấn mạnh. “Hầu như chưa xác minh, xử phạt các trường hợp vượt ranh giới trên biển, xử phạt vi phạm khai thác sai vùng, nhật ký thu mua, chuyển tải, nhật ký khai thác rất ít so với các vụ việc vi phạm”.

Tàu cá khi xuất, nhập bến đầy đủ giấy tờ, hoạt động trên biển lại thiếu

Đại tá Dương Thế Võ, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu, Bộ đội Biên phòng cho hay, thời gian vừa qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tại các trạm kiểm soát đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, bảo đảm 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định.

Tất cả tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đều được lập danh sách quản lý, theo dõi, đặc biệt là nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cuộc họp bàn giải pháp kiểm soát hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm khai thác IUU do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 25/6 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Thắm.

Cuộc họp bàn giải pháp kiểm soát hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng và thực thi pháp luật xử lý vi phạm khai thác IUU do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 25/6 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Thắm.

“Trên thực tế, tình hình hoạt động của tàu cá ngư dân ta khi xuất, nhập bến qua các trạm kiểm soát biên phòng đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật, thiết bị VMS hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi hoạt động trên biển bị các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, phát hiện lại xảy ra tình trạng thiếu giấy tờ, trang bị theo quy định, vô hiệu hóa hoặc tháo, gỡ gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác để đưa tàu cá đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, khai thác sai vùng…”, Đại tá Dương Thế Võ thông tin thêm.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẳng định, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thời gian qua đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng tuyến biển quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các văn bản của cấp trên về nhiệm vụ chống khai thác IUU; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh chống khai thác IUU…, tuy nhiên vẫn còn nhiều vi phạm trong công tác này như mất kết nối VMS, tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài…

Thiếu tướng Lê Văn Phúc cho rằng, trong thời gian tới, để tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; các đồn, trạm biên phòng tuyến biển tăng cường tần suất tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; nâng cao sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa phương…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Trưởng Ban Chỉ đạo IUU của Bộ NN-PTNT chia sẻ, gần 7 năm quyết liệt tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, nhưng đến lần thanh tra thứ 4, EC vẫn khẳng định việc tổ chức thực hiện ở các địa phương còn nhiều yếu kém, vẫn còn tàu cá, ngư dân bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài; tàu cập nhật vào hệ thống giám sát quốc gia mới được trên 76%; mất VMS ở vùng biển, vùng giáp ranh còn nhiều; vẫn còn việc gửi các thiết bị giám sát vào một tàu và vấn nạn đưa người đi khai thác bất hợp pháp…

Thứ trưởng khẳng định: “Còn nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết từ nay đến tháng 9 khi Đoàn Thanh tra của EC sang. Nếu chúng ta có sự chuyển biến tích cực thì có thể tháo gỡ được thẻ vàng”.

Để giải quyết được những tồn tại, tháo gỡ 'thẻ vàng' IUU, rất cần sự phối hợp giữa các lực lượng. Ảnh: Thanh Cường.

Để giải quyết được những tồn tại, tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, rất cần sự phối hợp giữa các lực lượng. Ảnh: Thanh Cường.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 32, Chính phủ đã ra Nghị quyết 52, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chỉ đạo, hàng loạt công điện… Mới đây đã có Nghị quyết 04 hướng dẫn xử lý hình sự hành vi khai thác, mua bán trái phép thủy sản, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, tất cả những hành động được đối chiếu với luật hình sự, tố tụng hình sự, "chắc chắn nếu tổ chức thực hiện nghiêm, riêng phần quản lý tàu và giám sát đội tàu thì chúng ta sẽ có những chuyển đến tích cực".

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện đã đầy đủ, nhiệm vụ gỡ "thẻ vàng" cũng đã được đặt ra trong Chỉ thị 32. Để giải quyết được những tồn tại, rất cần sự phối hợp giữa các lực lượng như kiểm ngư, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, công an… rất quan trọng. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm hành chính cần phải thực hiện thật nghiêm và đồng loạt…

“Để gỡ 'thẻ vàng' IUU vào tháng 9 này theo Chỉ thị 32, chúng ta phải cùng quyết tâm hơn nữa. Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày, chúng ta chỉ có một con đường, bởi đây là thời điểm rất quan trọng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

“Quản lý đội tàu để giảm vi phạm, giảm chồng lấn, giảm mất kết nối VMS là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Quản lý được tàu thì quản lý được người. Nhất định tháng 9 khi EC sang thanh tra lần thứ 5, chúng ta phải chứng minh cho họ thấy đã có sự chuyển biến, nhất là quản lý đội tàu và giám sát đội tàu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Xem thêm
Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) nâng cao chất lượng bò thịt Việt Nam.

Muôn kiểu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

BÌNH ĐỊNH Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngành chức năng Bình Định có nhiều cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này để bảo toàn đàn lợn.

Thách thức của nông dân trong quản lý cỏ dại trên ruộng lúa

Cỏ dại được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất lúa, tạo ra thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ

Dừa xiêm xanh Tam Quan được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bình tuyển là giống dừa uống nước ngon nhất Nam Trung bộ…

Trước tuyên bố áp thuế đối ứng 46% của Mỹ: Doanh nghiệp gỗ 'không bi lụy, than khóc'

Dù không dễ thực hiện, ý tưởng sẽ được chính quyền Trump ủng hộ, còn Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam coi như biện pháp ứng phó lâu dài với thuế đối ứng.

Bình luận mới nhất