Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cho biết, nước này đã vượt mục tiêu thu mua lúa trong nửa đầu năm 2024 sau khi mua được 3,37 triệu bao loại 50 kg (tương đương 168.262 tấn). Khối lượng này đủ để đáp ứng 4 ngày tiêu thụ gạo của Philippines trong trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù lượng mua lớn với giá tăng cao, NFA vẫn còn khoảng 12 tỷ Peso (tương đương 204 triệu USD) được phân bổ cho việc thu mua gạo trong năm nay, bao gồm cả số tiền được chuyển từ năm trước.
Thông tin từ Cục Trồng trọt Philippines, tính đến ngày 6/6/2024, nhập khẩu gạo của quốc gia này đạt hơn 2,17 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines với 1,59 triệu tấn. Tiếp theo là Thái Lan với 339.670 tấn, Pakistan 148.618 tấn và Ấn Độ 21.345 tấn.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, sản lượng gạo thế giới niên vụ 2024 - 2025 được dự báo sẽ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước lên mức kỷ lục 534,9 triệu tấn.
Theo Báo cáo Triển vọng Lương thực Thế giới, châu Á dự kiến sẽ chiếm phần lớn mức tăng, với tổng sản lượng thu hoạch của khu vực tăng 0,6% lên 478,9 triệu tấn.
Trong khu vực, Bangladesh, Ấn Độ và Philippines đều đạt mức sản lượng kỷ lục nhờ điều kiện trồng trọt được cải thiện và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích trồng lúa trước tình hình giá gạo thế giới ở mức cao cũng được dự đoán sẽ thúc đẩy sản xuất ở Campuchia, Nepal và Pakistan.
Theo Bộ Tài chính Pakistan, sản lượng gạo của nước này ở mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 9,9 triệu tấn trong 11 tháng niên vụ 2023 - 2024. Sản lượng gạo kỷ lục còn giúp Pakistan thu về 3,6 tỷ USD thông qua xuất khẩu 5,59 triệu tấn gạo trong 11 tháng niên vụ 2023 - 2024, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích trồng lúa của Trung Quốc được dự báo sẽ mở rộng sau ba năm cắt giảm. Sản xuất lúa gạo cũng được dự báo sẽ phục hồi ở Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.