Có 3.400 mã số vùng trồng được cấp
Trước thông tin nông sản Việt Nam có nguy cơ lép vế trên thị trường Trung Quốc, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật để hiểu rõ bản chất của mối quan hệ thương mại Việt Nam với các nước trên thế giới hiện nay, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung khẳng định, việc xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường với nông sản Việt Nam đã, đang và sẽ được coi là nhiệm vụ trọng tâm và các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp vẫn đang làm rất tốt công việc này.
Theo ông Hoàng Trung, thị trường Trung Quốc từ trước tới nay là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. Dù hiện nay chúng ta đang cố gắng từng bước để đa dạng hóa thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… song công việc này đòi hỏi cần thời gian nên trong tương lai, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc giờ không còn dễ tính như cách đây hàng chục năm, với xu thế phát triển tất yếu, Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu từ bất cứ quốc gia nào, không chỉ Việt Nam. Đó là các yêu cầu về mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là mã số vùng trồng.
Nắm bắt được sự thay đổi đó, ngay từ năm 2018, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT đã chủ động đàm phán và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, HTX trong cả nước xây dựng các mã số vùng trồng nhằm đáp ứng được đòi hỏi của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc khi nước bạn yêu cầu.
Chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam đã cấp được 3.400 mã số vùng trồng cho nhiều sản phẩm và thị trường khác nhau. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chúng ta đã cấp được 1703 mã số vùng trồng và 1776 cơ sở đóng gói (gấp 500 - 600 lần Campuchia).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang duy trì xuất khẩu chính ngạch rất tốt 8 loại trái cây chủ lực, truyền thống sang thị trường Trung Quốc, bao gồm: xoài, chuối, thanh long, nhãn, vải, mít, dưa hấu, chôm chôm và măng cụt (năm 2020 thêm thạch đen).
Các mặt hàng hai bên đã trao đổi thống nhất với nhau về giải pháp kỹ thuật kiểm dịch thực vật để hoàn thiện nốt công đoạn cuối là khoai lang, sầu riêng. Một số mặt hàng Cục Bảo vệ thực vật đã gửi hồ sơ từ năm 2018, hiện đang chờ để đàm phán tiếp có bưởi, chanh leo, dừa…
Số liệu Cục Bảo vệ thực vật cung cấp cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù diễn biến dịch Covid-19 trong và ngoài nước vẫn rất phức tạp, nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn có mức tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên 468.000 tấn xoài, bằng 112% so với cả năm 2020; 348.000 tấn chuối, bằng 87% so với cả năm 2020; 301.000 tấn mít, bằng 92% cả năm 2020 và 1,1 triệu tấn thanh long, bằng 63% cả năm 2020.
Cạnh tranh là quy luật tất yếu của thị trường
Trước thông tin nông sản Việt Nam bị nông sản Thái Lan, Campuchia, thậm chí chính nông sản nội địa của Trung Quốc cạnh tranh tại thị trường trên 1,3 tỷ dân, ông Hoàng Trung cho rằng, trong nền kinh tế mở cửa tối đa như hiện nay, việc nông sản Việt Nam phải đối đấu, cạnh tranh với nông sản các nước khác là chuyện hết sức bình thường của quy luật thị trường.
Thay vì lo lắng, ông Trung lại cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng giúp các doanh nghiệp, người dân trong nước liên kết với nhau chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
"Như tinh thần của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh trong thư gửi cán bộ chủ chốt ngành Nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Với kinh tế nông nghiệp, thị trường đóng vai trò quyết định, mọi công đoạn trong chuỗi nông sản đều phải dựa theo tín hiệu thị trường.
Quả thực, số liệu thống kê cho thấy, có những mặt hàng trái cây Việt Nam đã đàm phán chính ngạch thành công với Trung Quốc từ nhiều năm qua nhưng không có dư địa để xuất khẩu bởi không hấp dẫn, không có tính cạnh tranh cao, đơn cử như chôm chôm, măng cụt.
Ngược lại, nhiều mặt hàng truyền thống khác những năm trở lại đây duy trì phong độ xuất khẩu tốt là xoài, thanh long, riêng mặt hàng mít tăng trưởng 50%. Hay mặt hàng chuối của Việt Nam đã vượt qua Philippines trở thành nhà cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc.
Ngay cả với mặt hàng sầu riêng, khoai lang, tới đây khi dịch Covid-19 được khống chế, các chuyên gia Trung Quốc có thể sang Việt Nam thẩm định lại lần cuối các quy trình kỹ thuật kiểm dịch thực vật, sầu riêng Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành đối thủ nặng ký với sầu riêng Thái Lan, Malyasia tại thị trường Trung Quốc dù mặt hàng này đã được hai quốc gia Asean xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ hàng chục năm qua.
“Để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT đã và đang triển khai đồng bộ quyết liệt 7 nhiệm vụ trong tâm, đó là Chương trình IPM, thuốc sinh học, phân bón hữu cơ, chương trình phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chiếu xạ, xử lý nước nóng… Nhờ đó, nông sản Việt Nam hiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, dư lượng, giá thành từ những thị trường nhập khẩu khó tính nhất mà không phải quốc gia Đông Nam Á nào cũng có được", Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung.