| Hotline: 0983.970.780

Để người dân tự hào hơn với nông sản Việt

Thứ Ba 08/06/2021 , 07:20 (GMT+7)

Mục tiêu của chương trình không để ùn ứ nông sản vì tác động của đại dịch và cũng là để người nông dân cảm thấy tự hào về nông sản do mình làm ra.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm địa điểm kết nối tiêu thụ nông sản số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm địa điểm kết nối tiêu thụ nông sản số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chiều 7/6, điểm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP. Hà Nội tại số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy chính thức ra mắt.

Những nông sản được cung cấp, kết nối tiêu thụ theo mô hình cam kết thực hiện theo đúng quy trình, quy định, từ khâu thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản để đảm bảo chất lượng tươi, ngon, có thông tin rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, thời gian thu hái, đóng gói... đồng thời có giấy xác nhận an toàn dịch Covid-19. Các sản phẩm này cũng được kết nối, tiêu thụ đến bếp ăn của các cơ quan, đơn vị và các gia đình Việt.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN-PTNT phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội cùng thực hiện để kết nối tiêu thụ nông sản nhưng cũng là dịp để tạo dựng lại hình ảnh của nông sản Việt Nam. Đó không chỉ là hình ảnh nông sản xuất khẩu mà còn là sản phẩm nông nghiệp dành cho 100 triệu dân Việt Nam.

“Nếu dùng từ 'giải cứu' thì mục tiêu của chúng ta chỉ là tiêu thụ nông sản một cách nhiều nhất cho bà con. Nhưng với mô hình như này, chúng ta sẽ xây dựng được hình ảnh nông sản Việt Nam không chỉ trong ngắn hạn mà sắp tới sẽ trở thành sự chuyển động trong mục tiêu của ngành nông nghiệp là vừa gia tăng giá trị xuất khẩu, vừa chú trọng thị trường 100 triệu dân, một thị trường đòi hỏi chất lượng nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và có trách nhiệm với xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định: “Mục đích của mô hình kết hợp giữa Bộ NN-PTNT và các tổ chức chính trị, xã hội không phải là bán hàng giúp người nông dân. Qua đây chúng tôi muốn giới thiệu để dần dần sẽ có những mô hình giúp xã hội cùng đồng hành với nông sản Việt nói chung và nông sản trong mùa dịch nói riêng. Mục tiêu chính là không để ùn ứ nông sản vì tác động của đại dịch và cũng là để người nông dân cảm thấy tự hào về nông sản do mình làm ra, có trách nhiệm với người tiêu dùng".

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Trung tâm đã tổ chức những chương trình kết nối trực tuyến cho các sản phẩm vải Bắc Giang từ ngày 1/6. Đến ngày 11/6 tới đây, Trung tâm sẽ thực hiện chương trình kết nối cho sản phẩm mận Bắc Hà và những nông sản khác của Lào Cai.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ thực hiện chương trình kết nối cho các sản phẩm theo mùa vụ như nhãn, na Lạng Sơn, bí Bắc Kạn… bằng phương thức thành lập những fanpage, kinh doanh trực truyến trước tình hình phức tạp của dịch bệnh. Các sản phẩm được bày bán sẽ được địa phương cam kết đảm bảo vệ sinh phòng dịch cũng như được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm nông sản khi được vận chuyển về Hà Nội sẽ được xử lý theo quy định an toàn dịch bệnh và được kinh doanh với giá cả ổn định.

Ông Đào Văn Hồ cho hay: “Về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức kết nối để tiêu thụ những sản phẩm nông sản cho các địa phương chứ không chỉ mang tính chất mùa vụ. Qua đó kết nối rất nhiều những sản phẩm của các địa phương, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, đảm bảo việc cung cấp thực phẩm cho người dân trong đại dịch Covid-19".

Cũng theo ông Đào Văn Hồ, các địa phương sẽ phải hoàn toàn chủ động phương án tiêu thụ cho sản phẩm của mình còn Bộ NN-PTNT sẽ chỉ là cầu nối giữa các địa phương khi số lượng nông sản quá lớn hay việc tiêu thụ gặp phải những bất trắc như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ…

“Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản chỉ là khởi đầu cho việc ngành nông nghiệp chuyển từ sản xuất, lưu thông thụ động sang hướng chủ động dự báo thị trường, tìm kiếm điểm tiêu thụ hợp lý, qua đó phát triển những nền tảng tiêu thụ khác. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chủ động tổ chức những chương trình kết nối tiêu thụ nông sản khi mà dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nguồn cung, ảnh hưởng đến việc vận chuyển”, ông Đào Văn Hồ nhấn mạnh.

Chia sẻ tại điểm tiêu thụ nông sản số 489 đường Hoàng Quốc Việt, chị Lê Thị Thu Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Đối với người tiêu dùng chúng tôi khi thấy những điểm tiêu thụ sản phẩm như thế này rất yên tâm. Bởi Bộ NN-PTNT đã đứng ra tổ chức những điểm này thì xuất xứ, nguồn gốc, an toàn rất đảm bảo. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng được tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình bán hàng".

Chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 7/6/2021 sẽ tổ chức ra mắt 5 điểm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản tại TP Hà Nội, bao gồm: Điểm số 1: số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy; Điểm số 2: số 68B đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa; Điểm số 3: Điểm bán Xanh, 34 Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy; Điểm số 4: Cửa hàng thực phẩm sạch Chợ Quê, B23, X3, Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm; Điểm số 5: Cửa hàng liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam, 186 phố Hồng Tiến, Đình Cổ Linh, Bồ Đề, quận Long Biên.

Ngoài ra, để người dân dễ dàng mua và thưởng thức nông sản, đặc sản nông sản các vùng, miềm, có thể đặt hàng và mua qua hệ thống bán hàng thương mại điện tử và hotline 1900 866 630 (thời gian làm việc 7h30 - 19h30 hàng ngày). Sản phẩm sẽ được vận chuyển tận nhà người tiêu dung trong vòng 24h.

3 khó khăn

Cũng trong chiều 7/6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì họp bàn tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu, luân chuyển nông sản giữa các tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19.

"Chúng ta cần một hệ thống giải pháp để giải quyết vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Tôi biết một số nước, họ tạo luồng xanh cho nông sản, được quyền ưu tiên trên nhiều tỉnh, thành phố nhờ sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay.

Tiếp lời Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Điều này trực tiếp gây ra ba khó khăn cho các tỉnh, thành phố là: hệ thống logistic, kho lạnh để phục vụ bảo quản nông sản; tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới.

Trong nỗ lực gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch tiêu thụ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam coi việc tiêm vacxin cho đội ngũ lái xe là giải pháp hữu hiệu nhất lúc này để vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Từ ngày 7/6, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cân nhắc giải pháp này. Trong lúc chờ văn bản chính thức, Bộ đề nghị cho phép đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới được tiêm vacxin đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, những lái xe và người xếp dỡ hàng hóa theo xe được ưu tiên thực hiện test nhanh, nhằm đảm bảo an toàn vận chuyển hàng hoá, nông sản qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Song song với việc tiêm vacxin, Bộ NN-PTNT đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thống nhất hình thức cấp và sử dụng sổ thông hành (hộ chiếu vacxin) cho lái xe.

"Cái chúng ta cần là một giải pháp kịp thời, có hiệu quả ngay lúc này. Từ quá trình thị sát thực tế ở các địa phương, tôi nhận thấy vẫn có thể có những cơ chế ưu tiên nếu các bộ, ban, ngành cùng vào cuộc. Thủy sản, lâm sản hay các sản phẩm chăn nuôi để lâu một chút không sao, nhưng trái cây thì không thể", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh. 

Vào tuần trước, hai Thứ trưởng Bộ NN-PTNT là Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam đã đến Lào Cai, Lạng Sơn để kiểm tra tình hình lưu thông hàng hóa. Qua kiểm tra, hàng hóa không có hiện tượng bị ùn ứ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi nhiều trái cây vào chính vụ, số lượng xe qua cửa khẩu có thể tăng đột biến.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Điều này trực tiếp gây ra ba khó khăn cho các tỉnh, thành phố là: hệ thống logistic, kho lạnh để phục vụ bảo quản nông sản; tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Điều này trực tiếp gây ra ba khó khăn cho các tỉnh, thành phố là: hệ thống logistic, kho lạnh để phục vụ bảo quản nông sản; tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới. Ảnh: Bảo Thắng.

Tham dự cuộc họp, đại diện Bộ Y tế hứa sẽ có những biện pháp ưu tiên tiêm vacxin cho lái xe, dựa trên danh sách gửi từ địa phương và các hiệp hội kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu và đưa vào sử dụng một số bộ test nhanh kháng nguyên, phát hiện virus SARS-CoV-2, nhằm đẩy nhanh tốc độ thông thương.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã tập trung triển khai, chỉ đạo các cấp ngành thuộc Bộ cũng như Sở Công thương các tỉnh, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao trong thời gian vừa qua ví dụ như vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, xoài Sơn La và những sản phẩm có sản lượng lớn nhưng thời gia thu hoạch ngắn.

Với sản lượng tiêu thụ vải sớm của Bắc Giang và Hải Dương, Bộ Công thương đã thúc đẩy hơn 60% sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Liên quan đến lưu thông vận chuyển hàng hóa, ngay từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT hướng dẫn các địa phương chỉ đạo các hoạt động vận tải, qua lại, đi đến vùng, địa điểm có dịch, nhất là tại khu vực kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Khi cần thiết các tỉnh có thể chỉ định các cơ quan đầu mối tại địa phương, đặc biệt là các địa phương đang có dịch cấp các giấy tờ liên quan về phòng chống dịch đối với các sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua tiêu thụ đồng thời giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi được thực hiện kinh doanh trên địa bàn.

Trước diễn biến đợt dịch thứ 4, Bộ Công thương cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo xây dựng phương án vận tải hàng hóa thiết yếu trong đó có mặt hàng nông sản theo từng cấp độ để chủ động ứng phó diễn biến của dịch bệnh Covid-19 nhằm hỗ trợ vận chuyển lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải đề xuất việc giữ thông tin thông suốt giữa các đơn vị vận và những địa phương đi qua. Ông Thủy cho rằng, nếu cả địa phương lẫn đơn vị vận chuyển cùng nằm bắt được nguồn hàng, hành trình di chuyển, việc lưu thông sẽ dễ dàng hơn.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho rằng việc cấp hộ chiếu vacxin là một sáng kiến hay, nhưng cần dựa trên những quy tắc như các nghị định thư, hiệp định về cửa khẩu, hiệp định quản lý biên giới. Theo bà Hường, giấy thông hành hiện mới dừng ở mức cấp cho các cư dân sống quanh khu vực biên giới và cần hai quốc gia đồng thuận. 

"Bất cứ hợp tác nào qua biên giới đều phải dựa trên nguyên tắc đối đẳng. Chẳng hạn, phía ta muốn đưa hàng vào kho hàng, cách biên giới 500 mét, nước bạn cũng sẽ hưởng quyền lợi tương đương", bà Nguyễn Thị Hường cho biết.

Căn cứ tình hình thực tế, việc duy trì nguyên tắc đối đẳng sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi vị trí kho hàng, bãi xe của hai nước thường không giống nhau. Ngoài ra, hàng nông sản của Việt Nam qua Trung Quốc hiện chủ yếu đi qua tỉnh Lạng Sơn, bởi ở phía bên kia là thành phố Bằng Tường - nơi có trung tâm kiểm nghiệm hàng hóa trước khi đi vào lãnh thổ Trung Quốc.

Để cấp hộ chiếu vacxin sang Trung Quốc, thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam, sẽ cần thời gian. Trong quá trình chờ đợi, bà Hường khuyên các tỉnh biên giới kéo dài thời gian thông quan qua cửa khẩu, làm việc đến tối muộn, thậm chí là không nghỉ cuối tuần.

Một giải pháp khác được bà Hường đưa ra, là những tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh cần giữ liên lạc và quan hệ chặt chẽ với các tỉnh đối ứng phía Trung Quốc. Mục đích, là để giải quyết sớm nhất bất cứ khó khăn nào phát sinh.

Liên bộ vào cuộc không để người dân loay hoay

Ghi nhận những ý kiến từ Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ NN-PTNT sẵn sàng làm đầu mối cho các bộ, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn. Ông cũng đề nghị, ba bộ gồm Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Bộ Y tế cần liên kết chặt chẽ, tạo tiền đề cho việc phát hành hộ chiếc vacxin trong thời gian sớm nhất.

"Trên tinh thần tìm giải pháp tốt nhất cho bà con, 3 bộ cần có cơ chế kiểm tra, kiểm dịch, và cắt cử người trực 24/24 giờ. Tôi nói thế, vì ở địa phương, doanh nghiệp, người nông dân giờ cũng đang loay hoay không biết đường nào mà lần. Họ không được ai hướng dẫn. Vì thế, với vai trò quản lý và định hướng, tôi rất mong liên bộ cùng vào cuộc. Nếu cần gì, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản trình Chính phủ", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Lấy ví dụ từ việc Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu tạm thời một số nông sản như khoai lang, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần rốt ráo các bộ, ban, ngành trong nước, trước khi tìm cơ chế phù hợp với nước bạn. 

Bên cạnh việc khẳng định không có bất cứ vướng mắc nào từ phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở ý tưởng về tấm giấy thông hành cho lái xe: Bộ Công thương đề xuất. Bộ NN-PTNT xác nhận nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm, và dịch bệnh Covid-19. Bộ Y tế cấp giấy xác nhận. Cơ chế này vốn đã được tỉnh Bắc Giang thực hiện tại huyện Lục Ngạn, bước đầu cho hiệu quả và phản hồi tốt. 

Cùng với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giảm phí cầu đường cho các đơn vị vận tải hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Bộ Công an có cơ chế thông báo đến các chốt kiểm dịch, thông luồng ưu tiên lưu chuyển cho các xe chở nông sản.

  • Tags:
Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.