Xuất khẩu phân bón Việt Nam từng đạt kỷ lục hơn 1 tỷ USD vào năm 2022 nhờ giá phân bón tăng cao trên toàn cầu. Trong năm đó, nếu như lượng phân bón xuất khẩu tăng 29,4% so với năm 2021 và đạt 1,75 triệu tấn, thì kim ngạch lại tăng tới 96%, (đạt 1,096 tỷ USD), tức là tăng gần gấp đôi. Theo Ngân hàng Thế giới, vào thời điểm giá phân bón đạt đỉnh cao trong năm 2022, chỉ số giá phân bón hợp lý (tỷ lệ giữa giá phân bón và giá lương thực) khi đó đã tăng gần gấp đôi so với mức trung bình nhiều năm.
Sang năm 2023, giá phân bón thế giới giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu phân bón của Việt Nam cũng giảm rất nhiều. Cụ thể, trong khi lượng phân bón xuất khẩu giảm 12% (đạt 1,5 triệu tấn) thì kim ngạch giảm tới 41% (đạt 649 triệu USD).
Sau một năm giảm sâu, từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu phân bón đã có sự phục hồi nhất định. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu trên 1,29 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 531 triệu USD, tăng 8,5% về khối lượng, tăng 8% về kim ngạch so với năm 2023.
Cũng như những năm trước, phân bón Việt Nam vẫn đang chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia. Tuy nhiên, trong năm nay, xuất khẩu phân bón sang thị trường này có xu hướng giảm. Trong 9 tháng đầu năm, đã có 419 nghìn tấn phân bón Việt Nam đi sang Campuchia, mang về 174 triệu USD, giảm 4,5% về lượng và giảm 5,8% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Tuy giảm, nhưng thị trường Campuchia đang chiếm tới 32% cả về lượng và kim ngạch trong xuất khẩu phân bón 9 tháng đầu năm.
Trong khi thị trường lớn nhất là Campuchia suy giảm, thì xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng trưởng rất mạnh. 9 tháng đầu năm, đã có 146 nghìn tấn phân bón được xuất khẩu sang Hàn Quốc, trị giá 60 triệu USD, tăng tới 189% về lượng và 218% kim ngạch so với cùng kỳ 2023. Hàn Quốc đang là thị trường lớn thứ 2 của phân bón Việt Nam, chiếm 11% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Một thị trường khác cũng tăng trưởng mạnh là Malaysia. 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 92 nghìn tấn phân bón, trị giá 35 triệu USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 41,9% kim ngạch so với cùng kỳ. Malaysia là thị trường lớn thứ 3 của phân bón Việt Nam, chiếm 7,1% trong tổng khối lượng và chiếm 6,6% trong tổng kim ngạch..
Theo nhận định của một số thương nhân ngành phân bón, xuất khẩu phân bón đang phục hồi nhưng kim ngạch xuất khẩu cả năm vẫn sẽ cách khá xa mức kỷ lục 1 tỷ USD của năm 2022. Bởi trong năm nay, giá phân bón trên thị trường toàn cầu vẫn đang trong xu hướng giảm.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), giá nguyên liệu đầu vào giảm đang dẫn tới sự cải thiện về sản xuất phân bón trên thế giới. Chẳng hạn, tại châu Âu giá khí thiên nhiên (nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho sản xuất phân đạm) trong quý 2 thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023, giá lưu huỳnh thấp hơn 26% …Trong quý 2 năm nay, chỉ số giá phân bón hợp lý đã đạt tương đương mức trung bình của thời kỳ 2015-2019.
WB dự báo, giá phân bón trung bình trong các năm 2024 và 2025 sẽ thấp hơn so với năm 2023, nhưng vẫn cao hơn mức giá trung bình thời kỳ 2015-2019. Nguyên nhân là nhu cầu sử dụng phân bón đang ở mức cao, trong khi Trung Quốc đang tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân lân, các biện pháp trừng phạt quốc tế đang được áp đặt với Belarus và Nga (2 quốc gia chiếm gần 50% tổng sản lượng phân kali toàn cầu) ...
Do giá thế giới giảm, giá phân bón xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay cũng giảm xuống. Trong 9 tháng đầu năm giá phân bón xuất khẩu bình quân 410,3 USD/tấn, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá phân bón xuất khẩu sang Campuchia giảm 1,4% xuống còn 415,9 USD/tấn.
Trong khi giá phân bón xuất khẩu chung bị giảm, thì giá phân bón xuất khẩu sang Hàn Quốc và Malaysia lại tăng. Cụ thể, giá phân bón xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm đạt bình quân 410,5 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Với phân bón xuất khẩu sang Malaysia, giá xuất khẩu bình quân đạt 380,9 USD/tấn, tăng 14,3% so với cùng kỳ.