Xuất khẩu phân bón năm nay có thể vượt 1 tỷ USD. Bà Rịa - Vũng Tàu có 4 mã vùng trồng bưởi được xuất sang Hoa Kỳ. Giá cá mú trân châu lên tới 270.000 đồng/kg. Israel phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1.
Xuất khẩu phân bón có thể vượt 1 tỷ USD
Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,5 triệu tấn phân bón, với kim ngạch đạt gần 973 triệu USD, tăng hơn 45% về lượng và gấp 2,6 lần về kim ngạch so với cùng kỳ 2021. Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, với tốc độ xuất khẩu như thời gian qua, xuất khẩu phân bón của Việt Nam năm 2022 có thể vượt con số 1 tỉ USD.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, năm nay xuất khẩu phân bón tăng trưởng mạnh nhờ thị trường thế giới chuyển biến tích cực, giá tốt.
Ở chiều ngược lại, 10 tháng của năm 2022, cả nước nhập khẩu trên 2,77 triệu tấn phân bón các loại, trị giá trên 1,3 tỉ USD. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm hơn 50% trong tổng lượng và chiếm 45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Bà Rịa - Vũng Tàu có 4 mã vùng trồng bưởi được xuất sang Hoa Kỳ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Cục Bảo vệ thực vật vừa công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ; trong đó, có trái bưởi tươi của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 4 vùng trồng bưởi da xanh đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái bưởi tươi đi thị trường Hoa Kỳ gồm trang trại bưởi hữu cơ Kim Long, huyện Châu Đức; trang trại bưởi Hoàng Long; bưởi da xanh Sông Xoài của hộ ông Trương Văn Út và ông Hồ Hoàng Kha trên địa bàn thị xã Phú Mỹ với tổng diện tích 68 ha.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 1.163 ha bưởi, sản lượng ước đạt 4.500 tấn/năm, tập trung tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức với cơ cấu giống tại các vùng sản xuất tập trung chủ yếu là bưởi da xanh.
giá cá mú trân châu lên tới 270.000 đồng/kg
Từ năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã làm chủ công nghệ sản xuất giống cá mú trân châu. Qua đó, lượng thả nuôi giống cá này tại nhiều địa phương ven biển đã tăng dần theo từng năm.Chỉ tính riêng khu vực Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung, hiện cá mú trân châu thả nuôi đã chiếm từ 60-70% so với các giống cá mú khác. Còn so với các loại cá biển khác, cá mú trân châu cũng đã chiếm khoảng 40%.Hiện nay, cá được thu mua với giá từ 220.000 – 270.000 đồng/kg, với giá này người nuôi thu nhập ổn định. Theo các hộ nuôi, chi phí đầu tư chỉ tốn từ 140-150 nghìn đồng/kg, nông dân có thể dễ dàng thu hồi vốn và có lãi trong thời gian ngắn.
Israel phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1
Thông báo từ Bộ Nông nghiệp Israel ngày 22/11 xác nhận đã phát hiện một trang trại gà tây ở Kibbutz Shluhot, miền Bắc nước này, có nhiều gia cầm bị nhiễm cúm gia cầm chủng H5N1. Những con gà tây bị phát hiện nhiễm bệnh khi được đưa tới một lò mổ tại khu vực. Ngay lập tức, cơ sở này và tất cả các trang trại gà tây nằm trong bán kính 10km đã được cách ly để phòng dịch.
Thông báo trên cũng khẳng định việc tiêu thụ trứng và gia cầm vẫn an toàn, đồng thời khuyến nghị người dân nên nấu kỹ trứng và gia cầm trước khi ăn.
Trước đó, hồi tháng 4 và tháng 5, cơ quan chức năng Israel đã phát hiện 2 loài chim hoang dã nhiễm chủng virus H5N8. Cuối năm 2021, Israel phải hứng chịu một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, khiến nhiều trang trại trên toàn quốc chịu thiệt hại lớn.