Kiến nghị không tăng thuế xuất khẩu với phân bón DAP. Bạc Liêu chấn chỉnh nguồn cung xăng dầu cho sản xuất thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Đồng Tháp: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 9.000ha đất trồng lúa. Giá gạo Việt Nam sẽ sớm khởi sắc.
KIẾN NGHỊ KHÔNG TĂNG THUẾ XUẤT KHẨU VỚI PHÂN BÓN DAP
Bộ Tài chính mới đây tiếp tục có công văn xin ý kiến một số nội dung về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu (lần 2). Trong đó, với mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính đề xuất: Các mặt hàng như ure, phân lân, supe lân, DAP, MAP… quy định mức thuế xuất khẩu 5% là phù hợp.Tuy nhiên, đối với nhóm phân bón DAP, các doanh nghiệp cho rằng, mức thuế xuất khẩu 5% sẽ khiến đơn vị đang sản xuất phân bón DAP trong nước phải đối mặt với khó khăn rất lớn, khiến Công ty có thể bị thua lỗ. Hạn chế xuất khẩu sẽ khiến giá thành sản xuất tăng, rất khó để giảm giá phân bón trong nước. Ngoài ra, sắp vào mùa đông, các nhà máy ở châu Âu đã dừng sản xuất NH3 nên giá nguyên liệu cho sản xuất DAP sẽ tiếp tục tăng và có thể gây đứt gãy nguồn cung. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Hiệp hội phân bón Việt Nam đóng góp ý kiến với Bộ Tài chính giữ nguyên, không tăng thuế suất, thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón thuộc nhóm DAP.
Những ngày gần đây, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, một số cửa hàng xăng dầu đã treo bảng hết xăng hoặc hết dầu vì chưa nhập hàng.Trước thực trạng trên, Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu đã nhanh chóng làm việc với các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu trên địa bàn, rà soát sản lượng dự trữ hiện tại, tìm nguyên nhân để giải quyết, bởi hiện nay thời tiết đang mùa mưa, lúa ngập, nếu thiếu nhiên liệu sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa, gây thiệt hại cho bà con nông dân. Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu đề nghị các đơn vị xăng dầu trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo đủ nguồn cung, nếu ngưng kinh doanh phải cho biết nguyên nhân. Đồng thời, yêu cầu 5 đầu mối cung cấp xăng dầu tại Bạc Liêu báo cáo nguồn cung, đặc biệt đối với các vùng đang vào vụ gặt.
ĐỒNG THÁP: CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG HƠN 9.000HA ĐẤT TRỒNG LÚA
UBND tỉnh Ðồng Tháp vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 với tổng diện tích hơn 9.368ha nhằm chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất.Theo đó, việc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi, không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng; không làm hư hỏng công trình giao thông, thủy lợi phục vụ trồng lúa.Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120cm so với mặt ruộng.
GIÁ GẠO VIỆT NAM SẼ SỚM KHỞI SẮC
Hiện nay Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Việt Nam là những nguồn cung gạo chính trên thị trường thế giới. Kể từ đầu năm, nhờ lợi thế giá rẻ, gạo Pakistan đã một lần tăng giá mạnh nhờ thị trường Trung Quốc tăng mua. Gạo Thái Lan có đến 2 lần tăng giá. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam lại giảm kéo dài và hiện chỉ ở mức 393 USD/tấn. Nguyên nhân được cho là nguồn dự trữ dồi dào ở nhiều nước. Ngoài ra, theo các thương nhân xuất khẩu gạo, giá gạo Việt Nam khá cao làm giảm sức cạnh tranh so với các nguồn cung khác.Dù vậy, các doanh nghiệp cho rằng giá gạo Việt Nam và thế giới sẽ sớm khởi sắc nhờ tình trạng thiên tai, đặc biệt là khô hạn kỷ lục diễn ra trên diện rộng ở nhiều nơi trên thế giới, làm mùa vụ thu hẹp và sản lượng giảm. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy các nhà nhập khẩu sớm quay lại thị trường, có thể là trong nửa đầu tháng 9.