| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 30/11/2016 , 07:34 (GMT+7)

07:34 - 30/11/2016

10 nghìn đồng mua giấc mơ… tỷ phú

Trong vòng một tháng rưỡi đến nay, dư luận, báo chí “sốt xình xịch” chuyện 5 người trúng giải Jackpot của Vietlott, giải thấp nhất cũng đã lên tới 55 tỷ đồng.

  (Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)


Chơi xổ số xưa nay vẫn là thú cầu may. Ai cũng hiểu rằng, trúng số là rất khó, bản thân Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) tuyên bố xác suất trúng giải Jackpot của sản phẩm xổ số tự chọn Mega 6/45 lên tới 1/8.145.060 (khó hơn cả bị sét đánh). Thế nên, nếu có ai trúng số quả thực là điều kỳ diệu, mà kỳ diệu hơn nữa là cứ trung bình 1 tuần lại có một trúng!

Thông tin người trúng số liên tiếp được “bung” ra, có ảnh, có xác nhận của công ty xổ số, lại có thêm sự chứng kiến, giám sát của Hội đồng Giám sát xổ số với các đại diện đến từ Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch. Thế là người người nói về xổ số, nhà nhà nói về xổ số.

Có người đặt ra nghi vấn, “trúng số nhiều thế, liệu rằng có cơ cấu, có giả tạo nhằm mục đích PR hay không?”. Trong một cuộc họp báo của cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, lãnh đạo Vietlott lập tức khẳng định “100% là thật”.

Còn dân ta, dẫu có nghi ngờ thì vẫn đổ xô đi mua xổ số với tâm lý biết đâu trong hơn 8 triệu cơ hội đó, người trúng số lại chẳng là mình! Bằng chứng là doanh thu của Vietlott đã tăng rất mạnh nhờ “hiệu ứng xổ số”, đặc biệt là sau khi có giải Jackpot đầu tiên 92 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 20/11, doanh thu bán vé (bao gồm cả thuế) của Vietlott đạt 734,4 tỷ đồng. Trong đó, sản phẩm Mega 6/45 sau 4 tháng vận hành, đạt 730,45 tỷ đồng. Ấy là sản phẩm xổ số kiểu Mỹ này mới chỉ được triển khai tại một số địa phương, tập trung ở khu vực miền Nam.

Cũng phải nói rằng, xưa nay thú chơi xổ số rất thịnh hành ở khu vực phía Nam. Từ bác xe ôm, chị lao công, anh phụ hồ… đến người dân văn phòng đều có thói quen “chăm” mua xổ số. Chín tháng đầu năm 2016, doanh thu của 21 công ty xổ số kiến thiết phía Nam lên đến 50.635 tỷ đồng. Mỗi ngày, 3 công ty phát hành 21-24 triệu vé, tương đương 240 tỷ đồng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là “máu đỏ-đen” ở khu vực miền Bắc ít hơn. Chơi xổ số ít hơn nhưng người dân ở nhiều địa phương miền Bắc lại đổ tiền vào lô, đề, cá độ bóng đá nhiều hơn. Xổ số ở đây ít thu hút được dòng tiền là bởi ít thông tin người trúng số quá!

Về bình diện chung mà nói, có hay không có xổ số, có hay không Mega 6/45 hay bất cứ sản phẩm nào khác… thì bằng cách này hay cách khác, dòng tiền đổ vào cá cược, rủi may vẫn tồn tại.

Xổ số là ngành kinh doanh độc quyền Nhà nước. Nói “ích nước lợi nhà” là bởi vì sau khi chi trả chi phí và trả thưởng thì toàn bộ lợi nhuận còn lại đều nộp về ngân sách Nhà nước. Theo thống kê, năm 2015, ngành xổ số Việt Nam đạt doanh thu 3 tỷ USD (70.000 tỷ đồng). Sau khi sử dụng hơn 50% doanh số để trả thưởng đã nộp ngân sách 1 tỷ USD.

Xổ số Vietlott hay xổ số truyền thống, về cơ bản vẫn chỉ là một kênh huy động cho ngân sách Nhà nước. Vấn đề là các cơ quan chức năng Nhà nước sẽ quản lý các công ty xổ số như thế nào để mang lại luật chơi minh bạch, không gian lận, không lừa dối người chơi.

Ngay như chuyện lương thưởng tại các công ty xổ số cũng vậy. Hồi năm ngoái, báo chí đưa tin, nhân viên nhiều công ty xổ số hưởng lương rất cao so với mặt bằng, đạt tới 18-20 triệu đồng/tháng. Tháng cao điểm, nhân viên bảo vệ thu nhập đến gần 40 triệu đồng/tháng. Tất nhiên, anh làm ăn có lãi thì nhân viên hưởng thu nhập cao, nhưng phải rõ ràng cơ chế thì người dân mới không mang tâm lý ấm ức, hoài nghi. Minh bạch cũng là điều cần thiết khi mà tới đây, ta sẽ có casino, cá độ bóng đá, đua ngựa, đua chó… công khai.

Sau bài viết này, có lẽ người viết cũng sẽ… thử vận may mua một vài tấm vé giá 10 nghìn đồng đổi lấy giấc mơ làm tỷ phú? “Một vài” là thú vui, còn “vài trăm nghìn” thì hẳn đã không còn là thú vui nữa rồi, phải không các bạn?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm