| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 07/04/2024 , 07:09 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 07:09 - 07/04/2024

Triệu kiểu 'chết'... trên mạng

Tôi đã phải tìm lại tác phẩm điện ảnh 'Triệu kiểu chết miền viễn Tây', bộ phim do Seth MacFarlane đạo diễn để xem lại - khi vụ án bà Nguyễn Phương Hằng khép lại.

“Triệu kiểu chết miền viễn Tây” là một bộ phim hài. Phim nói về câu chuyện một anh chăn cừu hiền lành, tốt bụng nhưng luôn may mắn khi đương đầu với những cao bồi thứ thiệt miền Tây nước Mỹ ở những năm đầu thế kỷ 19. Anh chiến thắng nhờ sự giúp sức của một cô gái - vợ của một trùm cowboy, người đem lòng yêu anh.

Vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng, bà phải nhận hậu quả trước pháp luật vì lý do: bà không nắm được pháp luật. Trong phiên xét xử phúc thẩm vừa diễn ra ngày 4/4 vừa qua, bà đã phải chua xót: “Sai lầm lớn nhất của tôi là không biết Luật An ninh mạng. Nếu thời điểm đó công an mời tôi lên làm việc nhắc nhở tôi vi phạm về Luật An ninh mạng thì tôi sẽ dừng lại. Với tư cách là 1 CEO thì không thể có việc biết luật mà phạm luật”.

Nếu đó không phải là ngụy biện, không cố tình vi phạm pháp luật, thì sự trả giá của bà Hằng, gọi nôm na, dân gian, đó là kiểu “chết” do… vạ mồm trên mạng!

Khi mọi sự đã rồi, bà mong HĐXX cho mình giảm án dưới mức 3 năm tù mà án sơ thẩm đã tuyên, bởi “dù (được giảm án) là một ngày cũng đủ hạnh phúc”, lời bà Hằng.

Giúp sức cùng bà Hằng trong các buổi livestream “nói xấu” những người nổi tiếng có Đặng Anh Quân. Luật sư bào chữa cho bị cáo này viện dẫn, bị cáo Quân chỉ là khách mời, không cổ vũ, giúp sức cho bị cáo Hằng, gia không vì động cơ vụ lợi, không nhận lợi ích vật chất, không bàn bạc trước mỗi buổi phát trực tiếp… mà chỉ là phân tích, phản biện các vấn đề pháp lý xã hội.

Đặng Anh Quân nhận mức án 30 tháng tù giam tại phiên sơ thẩm, được giảm án 4 tháng tại phiên phúc thẩm. Nhưng, nghịch lý nhất trong vụ việc lại nằm ở bị cáo này, bởi Đặng Anh Quân, 43 tuổi, là Tiến sĩ Luật, giảng viên một trường đại học lớn trước khi bị bắt.

Với học thức của mình, Đặng Anh Quân hoàn toàn hiểu được những gì pháp luật không cho phép, và giới hạn của một công dân khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ. Với Quân, theo như lời bào chữa của luật sư, thì anh ta “chết” vì… tò mò.

Ở góc độ xã hội, đã có nhiều nhà nghiên cứu bỏ công sức để nghiên cứu, tổng kết và viết thành sách, có tên: Thói hư, tật xấu người Việt.

Tác phẩm này, bị một lượng không nhỏ trong dư luận phản ứng, không tiếp nhận. Nó tiếp tục là bằng chứng minh chứng cho công trình nghiên cứu: cộng đồng, theo bản tính cố hữu, không bao giờ chấp nhận, nhìn thẳng sự thật về những thói hư, tật xấu của mình. “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” - tiền nhân cũng từng giáo huấn như vậy.

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2018. Đây là một bộ luật hoàn toàn mới mẻ, mới mẻ với chính những người soạn thảo Luật. Bởi lẽ khi ấy, “không gian mạng” nó là một thứ gì đó vẫn còn trừu tượng, mông lung. Nó được hiểu là một không gian “ảo” được hình thành từ nền tảng công nghệ (hạ tầng) tạo nên môi trường giao tiếp ảo cụ thể là các nền tảng mạng xã hội (ứng dụng). Ở đó, cộng đồng giao lưu với nhau mà không thấy nhau, không có thông tin (thật) của nhau, dữ liệu được mã hóa…

Thế nhưng, tốc độ lan truyền và hậu quả của nó thì lại vô cùng: nó có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoàng về kinh tế, tài chính chỉ bằng một dòng thông tin, một hình ảnh vu vơ không kiểm chứng; nó có thể khiến người khác đau khổ và trả giá bằng mạng sống khi họ bị “bốc phốt” một câu chuyện tế nhị mà họ muốn giữ là một bí mật riêng tư; nó có thể giúp một hoàn cảnh, số phận khó khăn vượt qua giai đoạn cam go nhất nhờ một chia sẻ trên mạng xã hội; hay nó lan tỏa những câu chuyện tử tế, những tấm lòng nhân ái…

Những khái niệm “hot trend, drama” cũng chỉ xuất hiện khi mạng xã hội hình thành, phát triển, trở thành một thế giới khác với thế giới thực, và mỗi cá nhân có hai con người tồn tại trong chính mình: con người thực ở cuộc sống thực, và con người “ảo” trên thế giới ảo.

Đã có rất nhiều bài học, nhiều trả giá có thực vì những thông tin, hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội: khoe khoang bữa tiệc bằng vài tấm hình món ăn từ một loài chim quý hiếm nằm trong danh mục được pháp luật bảo vệ; dựng lều, dừng nghỉ trên cao tốc, hay các “anh em xã hội” quen thói “giang hồ mõm” phô trương thanh thế, cũng lại... trên mạng...

"Giả" trên mạng, nhưng trả giá thực ngoài đời, là điều có thực!

Không gian mạng, nó là nơi lưu giữ các bằng chứng để các nhà thi hành luật quản lý xã hội, theo các điều khoản đã được soạn thảo, quy định tại các luật ống, luật khung.

Cổ nhân dạy, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để nhắc nhau thận trọng khi phát ngôn, dù thời ấy, chưa có mạng xã hội, chưa có Luật An ninh mạng như ngày nay.

Bà Phương Hằng đã trả giá vì sự “vô tư phạm luật” của mình. Nhưng, bà Hằng thêm một lần nữa cho người đời một bài học về sự tôn trọng: tôn trọng giữa con người với con người, và bất kỳ cá nhân, công dân nào cũng phải thượng tôn pháp luật.

Ở Mỹ, có “Triệu kiểu chết miền viễn Tây”. Còn ngày nay, khi thế giới số, thế giới phẳng, cũng có triệu kiểu “chết” vì vạ mồm… trên mạng.