| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 03/04/2024 , 10:35 (GMT+7)
Văn Hùng

Văn Hùng

Nhà báo 10:35 - 03/04/2024

Ngó xuống dân

Hãy ngó xuống dân để không chỉ thấy tận mắt hàng ngàn ngôi nhà tạm bợ mà thấu cảm tận sâu thẳm bên trong lòng dân họ đã có cuộc sống an yên hay chưa?

"10.000 nhà ven kênh rạch hầu hết tạm bợ" là số liệu mà Phó Chủ tịch UBND quận 8, TP.HCM Phạm Quang Tú cho hay tại cuộc họp báo sau vụ cháy xảy ra trên địa bàn hôm 1/4.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi làm một phép tạm tính, nếu bình quân mỗi nhà có 3 nhân khẩu thì có đến ba vạn dân đang sống trong những túp lều tạm bợ, dột nát ở ven kênh rạch này. Họ đang sống trong điều kiện mùi hôi thối từ kênh rạch bốc lên và nắng oi bức bí trong những ngày nhiệt độ cao và ướt át khi có mưa xuống. Nôm na là họ đang rất cực khổ trước cuộc sống hiện tại ở một đô thị bậc nhất Việt Nam.

Số liệu trên tờ Tuổi trẻ sáng nay cho hay, báo cáo mới nhất của UBND quận 8 cho biết quận này có gần 12.500 căn nhà lụp xụp, khu đất trên và ven kênh rạch, trên diện tích 955.103m2, trải đều tất cả 16 phường với hơn 52.000 nhân khẩu đang sinh sống. Trong đó có khoảng 6.400 căn nhà trên đất, gần 4.000 căn một phần trên đất, một phần trên kênh rạch và khoảng 2.000 căn nằm hoàn toàn trên kênh rạch.

Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định di dời nhà ven, trên kênh rạch là một trong những chương trình hành động và nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố. Tuy nhiên, tốc độ di dời càng ngày càng giảm và tiến độ chậm dần. Nguyên nhân được xác định là do thiếu tiền và cơ chế.

Thành phố có đặt mục tiêu đến năm 2030 di dời 20.000 căn nhà trên kênh và nhà ven kênh với mục tiêu cụ thể từ năm 2020 - 2025 sẽ di dời 6.500 căn. Song cứ như thực tế hiện tại, dự báo kết quả di dời may chỉ di dời được tầm 3.000 căn trên tổng chỉ tiêu 6.500 căn. Còn như giai đoạn trước đó (2016 - 2020), thành phố chỉ di dời được gần 2.500 căn (trung bình mỗi năm chỉ di dời 625 căn), chỉ đạt 12,4% chỉ tiêu.

Cũng với những con số, chúng ta tham chiếu vào vụ án đang được toà án xét xử, đó là vụ án xảy ra ở Vạn Thịnh Phát. Dư luận cả nước chấn động trước thông tin liên quan đến vụ án này, đặc biệt là khi số tiền "khủng" lên tới hơn 300.000 tỷ đồng bị bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt được công bố.

Số tiền chiếm đoạt lớn tới mức nếu quy đổi ra tiền mệnh giá 500.000 đồng thì khối lượng của nó có thể nặng tới 68 tấn và khi trải ra có thể dài tới 10.366km. Tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại, khoảng 13,2 tỷ USD. Cũng có đầy đủ ban bệ phòng, ban thanh tra giám sát nhưng cả chục năm trời để một tập đoàn lũng đoạn được như thế liệu có phải chỉ một mình bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu đô la hay không? Chúng ta chờ sự nghiêm minh của pháp luật khi toàn diện vụ án này được xét xử thấu đáo.

Và nữa, ở vụ án khác liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, một công chức cấp huyện, chỉ là Chánh Văn phòng Huyện ủy, ông Đặng Trung Hoành ở Huyện ủy Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long đã nhận hối lộ từ ông chủ tập đoàn này số tiền 64 tỷ đồng. Ông Hoành đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Thêm nữa khi có hàng triệu người dân điêu đứng trong cơn bĩ cực của dịch Covid-19 khiến hơn 42 nghìn người chết, hàng nghìn trẻ mồ côi thì những người đứng đầu của cơ quan bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân lại chìa tay nhận hối lộ.

Xã hội nhìn thấy nhóm tham nhũng chính sách, đục khoét tiền của người dân nghèo thông qua những chuyến bay giải cứu, những que thử với giá cắt cổ. Ngay như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu đô la.

Trước Tết Giáp Thìn, Chính phủ đã duyệt cấp gạo cứu đói cho nhân dân 15 tỉnh với số lượng 14.200 tấn gạo để hỗ trợ kịp thời cho 181.057 hộ với 935.466 nhân khẩu. Và hiện có hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa vì khó khăn với hàng ngàn lao động chưa có việc làm trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hãy ngó xuống dân để thấu cảm.

Hãy ngó xuống dân để thấy được chúng ta đang có những thời điểm ngặt nghèo như Tết Nguyên đán, giáp hạt… vẫn có cả triệu người thiếu lương thực cần được hỗ trợ gạo. Và chỉ riêng một quận ở trung tâm TP. HCM thôi vẫn còn 10.000 nhà tạm bợ ở ven kênh rạch. Cả nước chắc chắn số người dân đang ở trong những túp lều lụp xụp ấy hẳn sẽ là con số rất lớn. Và nếu có một quyết định bỏ qua mọi quy định rằng, dành khoản tiền thu hồi được từ tham nhũng ngay lập tức bỏ ra để hỗ trợ người dân làm nhà ở chống dột nát, có lẽ sẽ đi vào lịch sử.

Hãy ngó xuống dân để không chỉ thấy tận mắt hàng ngàn ngôi nhà tạm bợ bên các dòng kênh rạch mà cần phải thấu cảm tận sâu thẳm bên trong lòng dân xem họ đã có cuộc sống an yên hay chưa khi mà tham nhũng vẫn còn lộng hành ngày đêm nên mới có chuyện một công chức cấp huyện nhận 64 tỷ tiền hối lộ nhẹ tênh như thế.

Chúng ta tốn khá nhiều giấy mực cho công tác nhân sự, nói nhiều về đạo đức và văn hoá với những từ hoa mĩ. Nhưng nếu ngó xuống dân, xuống tận các bệnh viện, trường học và về với người dân ở các vùng nông thôn sẽ thấy được còn đó bao cảnh đời éo le, cực khổ. Đói, rét, bệnh tật, nợ nần và sự đè nén, lừa đảo của không ít cán bộ đang góp phần làm đau khổ và mất niềm tin trong dân chúng.