| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 14/04/2024 , 10:56 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 10:56 - 14/04/2024

Hạn hán gặp... hạn

Mùa khô hạn đang đe dọa Nam bộ, thay vì hiến kế khoa học, một tiến sĩ lại giới thiệu đến Chi cục Thủy lợi TP.HCM một thầy phù thủy để cầu mưa.

Mùa khô hạn năm nay đến sớm với mức độ nghiêm trọng hơn mọi năm. Một số khu vực ở miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Chính phủ và các bộ ngành liên quan đều tích cực tìm kiếm giải pháp ứng phó mùa khô hạn, để bảo đảm đời sống cho bộ phận dân cư đang bị ảnh hưởng.

Giữa bối cảnh ấy, thật khó tin, lại xuất hiện một công văn gửi đến Chi cục Thủy lợi TP.HCM mang đầy màu sắc mê tín dị đoan. Đó là công văn từ Trung tâm Dịch thuật văn hóa và Khoa học công nghệ, trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Với tư cách giám đốc trung tâm này, ông Nguyễn Hoàng Điệp lấy học vị tiến sĩ để giới thiệu ông Lê Minh Hoàng “có khả năng cầu mưa hiệu quả”.

Trong công văn, ông Nguyễn Hoàng Điệp tự nhận “là giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học và nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người” và bày tỏ “rất xót xa, dằn vặt” trước diễn biến mùa khô hạn ở các tỉnh phía Nam. Qua tô vẽ hào hứng của ông Nguyễn Hoàng Điệp thì ông Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967, ngụ Hà Nội) đích thị một thầy phù thủy có biệt tài cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng.

Buồn cười hơn, dù sử dụng con dấu một tổ chức và sử dụng vai trò một tiến sĩ, nhưng ông Nguyễn Hoàng Điệp lại phơi bày sự ngây ngô: “Nếu quả thực anh Lê Minh Hoàng có khả năng kỳ diệu ấy thì đất nước ta gặp phúc và các tỉnh phía Nam đang gặp hạn được cứu hạn. Song một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh anh Lê Minh Hoàng có khả năng cầu mưa được hay không là chúng tôi chưa khẳng định và phủ định”.

Không biết học vị tiến sĩ của ông Nguyễn Hoàng Điệp do nơi nào cấp, mà tư duy đồng bộ tối thiểu trong khoa học đã trở nên thảm hại trong ngôn ngữ diễn đạt công văn. Không có cơ sở giả thuyết nào được phép tồn tại trên tinh thần khoa học mà “chưa khẳng định” lẫn “chưa phủ định”. 

Xin được nhắc lại, mùa khô hạn đang đe đọa Nam bộ, không phải câu chuyện cợt đùa. Ngoài địa chỉ Chi cục Thủy lợi TP.HCM, thầy phù thủy Lê Minh Hoàng còn được ông Nguyễn Hoàng Điệp “trân trọng giới thiệu” đến bao nhiêu đơn vị nữa? Đây là một hành vi thiếu cân nhắc và phản khoa học, không thể chấp nhận với bất cứ sự giải thích nào.

Cầu mưa chỉ là nghi lễ tâm linh trong truyền thuyết hoặc trong tiểu thuyết. Người dân đang chật vật vì khô hạn, cần hỗ trợ nước ngọt trước mắt và phương án thủy lợi lâu dài, chứ không cần những phường múa may mê tín dị đoan. Đã đến lúc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam phải xem xét lại chất lượng của Trung tâm Dịch thuật văn hóa và Khoa học công nghệ, lẫn trình độ và động cơ của ông Nguyễn Hoàng Điệp, để có hồi đáp thỏa đáng cho cộng đồng.

Đừng để người dân vùng hạn mặn hứng chịu thêm "hạn" do những trò hề mê tín dị đoan!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm