| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/07/2014 , 09:29 (GMT+7)

09:29 - 14/07/2014

6, 9 và… còn bao nhiêu nữa?

6 là con số năm đưa vào sử dụng, còn 9 là số lần đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về cấp cho Hà Nội bị vỡ.

Mỗi năm, bình quân 1,5 lần đường ống dẫn nước bị vỡ và con số lần đường ống bị vỡ càng ngày càng tăng. Lần vỡ ống thứ 7, nơi diễn ra kỳ họp thứ 10, khi các đại biểu HĐND TP Hà Nội còn đang chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng về việc này thì đường ống lại vỡ lần thứ 8.

Và vừa vá víu đoạn ống vỡ xong được đúng 1 ngày thì chiều 12/7, đoạn ống khác lại bục ra. Mỗi lần nó bục thì trên 70.000 hộ dân của một số quận nội thành lại khốn khổ vì mất nước.

Điện, nước và xăng dầu là 3 “mạch máu” chính nuôi dưỡng những thành phố. Chỉ cần một trong 3 “mạch máu” đó tắc nghẽn là cuộc sống đảo lộn ngay. Nhìn những gương mặt thất thần, phờ phạc của người dân, khi mọi phương tiện chứa đựng trong nhà phải huy động hết ra, phải thức trắng đêm để tranh nhau vét từng chút nước sót trong cái bể tạm trong khu tập thể để mang về nhà, nhiều khi ở tận tầng chót trong những tòa cao ốc mấy chục tầng.

Và tận mắt thấy cảnh chắt chiu từng giọt nước, tận dụng đến mức nước rửa mặt xong phải dùng để vo gạo, rửa rau. Rửa rau xong không dám đổ đi mà còn phải trữ lại để dội nhà vệ sinh, giữa cái nắng xấp xỉ 40 độ C đang dội lửa xuống đầu và ngập ngụa trong bụi, khói, cả tuần không một lần được tắm rửa, thì mới thấm nỗi khổ của người dân khi mất nước là thế nào. Và cũng mới hiểu nỗi bức xúc của họ là thế nào.

Lần nào cũng như lần nào. Sau mỗi lần vỡ ống, chủ đầu tư là Vinaconex cũng như UBND TP Hà Nội lại lặp lại “bài ca muôn thuở” về nguyên nhân vỡ ống do “chất lượng của ống không đồng đều” và "trong quá trình chủ đầu tư thiết kế, thi công đường truyền dẫn, TP Hà Nội cũng chưa có sự phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án, nhất là tuyến đường ống”, mà không một lần cất lời xin lỗi những người dân, không một lời chỉ đích danh cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Lại càng không có bất cứ một cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm.

Nói như vậy là vừa khinh dân, vừa phủi tay trước trách nhiệm. Ai cũng biết rằng chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát là 3 cơ quan làm nên chất lượng mỗi công trình. Vậy trong việc thực hiện dự án cấp nước sạch từ sông Đà về cho Hà Nội này, chủ đầu tư, tư vấn giám sát có mắt không, để nhà thầu dùng loại ống “chất lượng không đồng đều”?

Ống không đồng đều là loại ống nào? Xuất xứ từ đâu? Chất lượng ra sao? Đoạn ống nào không đồng đều với đoạn ống nào để dẫn đến đường ống vỡ? Kinh phí khắc phục mỗi lần ống vỡ đổ lên đầu ai? Dự án cấp nước là của TP. UBND TP là cơ quan có thẩm quyền. Giao việc cho ai (cũng là giao tiền cho ai) mà người đó làm không nên hồn, thì phải thẳng tay xử lý, chứ sao lại phải “phối hợp với chủ đầu tư” trong việc kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án” (việc kiểm tra, giám sát đã có tư vấn giám sát theo cùng với nhà thầu không rời một ngày).

Chỉ qua 6 năm sử dụng đã 9 lần vỡ ống và con số lần vỡ chắc chắn không dừng lại ở đó. Nhưng xin bà con cứ yên tâm, vì “UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Vinaconex lập dự án đầu tư giai đoạn 2 dự án cấp nước từ Hòa Bình về Hà Nội. Trong đó ưu tiên đầu tư tuyến ống truyền dẫn cấp nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai 3 để triển khai từ tháng 9/2014”.

Nghĩa là tuyến ống hiện thời, do làm không nên thì bỏ. Tiền ta thiếu gì, dù nước ta vẫn bị xếp hạng là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm