| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 13/02/2012 , 10:54 (GMT+7)

10:54 - 13/02/2012

Từ "tiếng súng" Tiên Lãng

Hầu như chưa có cuộc nào Thủ tướng Chính phủ phải huy động cả bộ máy, tham vấn trí tuệ và công sức các ngành khác như vụ này.

Ngôi nhà của ông Vươn sau vụ cưỡng chế chỉ còn là đống gạch vụn

Cuối cùng thì điều mà dư luận chờ đợi đã đến: Sau khi nghe đầy đủ ý kiến tham mưu của 6 Bộ ngành, 2 tổ chức xã hội và sự tự kiểm bước đầu của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm khắc về vụ thu hồi đất, cưỡng chế và huỷ hoại tài sản công dân ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Dù rằng còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết tiếp, nhiều lãnh đạo địa phương tiếp tục phải kiểm điểm, phải nhận án kỷ luật, thậm chí nhận hình phạt của pháp luật hình sự, song với việc gần như cả bộ máy hành pháp, tư pháp và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương phải vào cuộc cùng sự tham gia của hàng chục cơ quan báo chí với hàng trăm phóng viên, nhà báo và trên 1.000 bài báo trong suốt 35 ngày qua thì quả thật đấy là bài học đắt giá.

Thế nhưng bài học lớn hơn lại là một phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý, giám sát của bộ máy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và đoàn thể nhân dân trong những công việc cụ thể hàng ngày. Mỗi ngày trên một đất nước đang phát triển như Việt Nam có hàng trăm văn bản liên quan đến đất đai được ký, hàng chục cuộc cưỡng chế GPMB được tiến hành.

Song ở các cuộc này những tranh chấp, bất đồng, nếu có, không có vụ nào dữ dội, tàn khốc và hậu quả kéo dài, lan rộng như vụ việc do huyện Tiên Lãng tiến hành (dù một số cuộc cũng có sự chống đối) chỉ bởi cán bộ chỉ đạo, điều hành không tỉnh thì huyện đều còn có những cán bộ trách nhiệm biết vận dụng linh hoạt các biện pháp giải quyết theo đúng phương châm "vì mọi lợi ích của dân".

Hầu như chưa có cuộc nào Thủ tướng Chính phủ phải huy động cả bộ máy, tham vấn trí tuệ và công sức các ngành khác như vụ này. Và cũng chưa có vụ việc cụ thể nào mà người đứng đầu Chính phủ nhiệt liệt cảm ơn sự dấn thân của các nhà báo, sự lên tiếng mạnh mẽ của các chuyên gia và dư luận xã hội đã giúp Chính phủ có cái nhìn thấu suốt, cân bằng trước những báo cáo và phát ngôn có biểu hiện bao che, sai lệch và tùy tiện của những người có trách nhiệm ở Hải Phòng.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, nếu không có vụ nổ súng của ông Vươn thì dư luận xã hội không được đánh thức trước trào lưu "cường hào mới" đang nhen nhóm ở một vài nơi, đang ngày đêm âm mưu tước đoạt mồ hôi, công sức và các quyền dân sự cơ bản của người dân ở nông thôn. Không có tiếng súng đầy oan khuất ấy thì các bộ ngành chức năng không thức tỉnh trước hiện tượng tùy tiện đẻ ra luật, tự tiện hành xử theo lệ nhưng nhân danh "công vụ" ở một bộ phận công chức tại cơ sở.

Vì thế rất nhiều người quan tâm đến vụ Tiên Lãng mong muốn, từ bài học đang nóng bỏng này lãnh đạo Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân các tỉnh khác cần rà soát tất cả các vụ việc thu hồi, cưỡng chế tương tự để Thủ tướng và bộ máy trung ương không còn phải bận lòng vì sự việc xảy ra ở một xã, để những tiếng nổ cùng đường như của ông Vươn không còn vang xa...

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm