| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 22/06/2015 , 09:30 (GMT+7)

09:30 - 22/06/2015

Bằng một lý trí khác

Câu chuyện nông sản được mùa mất giá bây giờ không còn là chuyện mới của ngành nông nghiệp nước nhà. 

Chuyện mới nếu có thì chỉ là, ngày hôm nay đến lượt nông sản nào mà thôi.

Trong kinh tế các doanh nghiệp thường đưa ra quyết định dựa trên một nguyên tắc gọi là nguyên tắc chi phí - lợi ích. Những người quan tâm tới xe hơi, có lẽ vẫn còn nhớ một loại xe của hãng Ford, ra đời vào những năm 70 của thế kỷ trước, là Ford Pinto.

Ford Pinto khi ra đời là một loại xe bán rất chạy, nhưng nó có một lỗi nhỏ ở bình xăng. Khi tai nạn xảy ra, bình xăng rất dễ bị nổ và nó khiến người điều khiển thiệt mạng.

Để ngăn chặn tình trạng này Ford có thể thu hồi lại tất cả và lắp thêm vào đó một tấm chắn. Nhưng phân tích chi phí - lợi ích cho thấy, khi lắp thêm tấm chắn Ford sẽ phải mất tổng cộng 137,5 triệu USD trong khi để đền bù cho các nạn nhân bị thiệt mạng do sự cố này họ chỉ tốn khoảng 49,5 triệu USD.

Cuối cùng thì họ quyết định không lắp thêm gì cả. Và mọi chuyện chỉ bị phanh phui khi tòa án vào cuộc.

Chuyện nông sản Việt được mùa thì mất giá về bản chất là câu chuyện của kinh tế vì nó liên quan đến việc mua bán. Nó phải được nhìn nhận và giải quyết dưới góc độ kinh tế.

Bởi vậy, việc nông sản được tiêu thụ bằng tình thương của người dân, của cộng đồng là tốt hay xấu không thể chỉ nói bằng dăm ba câu. Nó cần phải có các số liệu thống kê như kiểu phân tích chi phí – lợi ích của Ford.

Bởi vì chúng ta không thể biết được rằng để cho thị trường quyết định vận mệnh của hàng ngàn tấn dưa, tấn hành liệu có tốt hơn là đưa chúng tới tận tay người tiêu dùng với lợi nhuận bằng 0 hay không?

Ở một đất nước có điểm xuất phát rất gần với Việt Nam, là Hàn Quốc thì nông dân có thu nhập rất cao. Theo các số liệu thống kê, thu nhập bình quân của nông dân nước này là khoảng 23.000 USD, trong khi đó, thu nhập bình quân của người dân cả nước chỉ khoảng 20.000 USD.

Nhưng sự cất cánh của nền nông nghiệp Hàn Quốc lại được bắt nguồn từ một “giọt nước tràn ly”, đúng hơn là bởi một trận lụt lớn vào năm 1969. Sau trận lụt năm ấy, người dân phải tu sửa lại nhà cửa, đường sá, ruộng vườn mà không có sự trợ giúp của chính phủ.

Khi đi thị sát tình hình, tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Park Chung Hy nhận ra một điều rằng sức mạnh của người dân thực ra rất lớn và viện trợ của chính phủ cũng là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự cứu lấy mình. Hơn thế nữa, khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau là điểm mấu chốt để phát triển nông thôn.

Sau đó, ông phát động một phong trào gọi là “Saemaulundong”. “Saemaul” theo tiếng Hàn là “Sự đổi mới của cộng đồng” được ghép với “undong” có nghĩa là “một phong trào” và cụm từ “Saemaulundong” có nghĩa là “Phong trào đổi mới cộng đồng”. Vì phong trào bắt đầu từ nông thôn nên “Saemaulundong” được hiểu là “Phong trào đổi mới nông thôn”.

Sự ra đời kịp thời của “Saemaulundong” vào đúng lúc nông thôn Hàn Quốc đang trì trệ trong đói nghèo đã làm nức lòng nông dân cả nước.

Chỉ sau 4 năm phát động “Saemaulundong”, sản lượng lúa đã tăng đến mức có thể tự túc lương thực, thu nhập một năm của hộ nông dân lúc bấy giờ là 562 USD trong khi các hộ ở thành thị chỉ có thu nhập 537 USD mỗi năm. Và sự chênh lệch này được giữ vững cho tới tận hôm nay.

Ở Việt Nam thì chúng ta cũng có một phong trào tương tự “Saemaulundong”, là “Nông thôn mới”. Với phong trào “Nông thôn mới”, chúng ta vạch ra 19 tiêu chí để các địa phương hướng tới bao gồm các vấn đề về Quy hoạch, Hạ tầng và Kinh tế xã hội.

Nhưng nếu đọc 19 tiêu chí này, thì có cảm giác xây dựng “Nông thôn mới” là việc của các cán bộ xã hay là việc của các cơ quan chức năng. Nó rất thiếu một cái gì đấy mang tinh thần dân tộc, mang tinh thần của chính những người nông dân giống như “Tinh thần Saemaul” mà bắt nguồn bởi 3 thành tố là: “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”

Tất nhiên, để thực hiện được một “Tinh thần Saemaul” thì nông dân phải cần sự chung tay của 3 nhà nữa là nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Chúng ta cần những giải pháp cụ thể và thiết thực với từng chính sách.

Ví dụ như chúng ta có thể đưa những sinh viên, kỹ sư nông nghiệp hay các nhà khoa học ra tận ruộng để hướng dẫn nông dân trồng cây gì ở những vùng đất khô hạn như Ninh Thuận, Bình Thuận.

Ví dụ như là chúng ta có thể trải thảm đỏ để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng cách hạ lãi suất của ngân hàng. Còn nhà nước sẽ đóng vai trò là nhạc trưởng để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết 3 nhà còn lại chặt chẽ và hiệu quả.

Để tìm một lối thoát cho nông sản, cho nền nông nghiệp nước nhà, có lẽ không gì khác là phải xuất phát từ những giải pháp mang tính hệ thống, lý trí và khoa học. Nó không thể là một giải pháp xuất phát từ tình thương bởi vì những giải pháp thuần cảm tính rõ ràng là hệ quả từ một đất nước có nền nông nghiệp lạc hậu.

Bình luận mới nhất