Còn hậu quả môi trường thì cực kỳ nặng nề.
Những vạt rừng được ở Ogoniland giờ đã chết. Những bộ rễ chùm đen thui, mục ruỗng trơ ra trên mặt nước, trông như những bộ xương. Đó là cái giá phải trả cho việc tìm thấy dầu mỏ ở vùng đất ngập nước ven biển này.
Erabanabari Kobah, một nhà đấu tranh vì môi trường, thường câu cá ở khu vực này từ khi anh còn là một cậu bé. Nhưng anh nói trẻ con giờ không thể làm như thế nữa bởi ô nhiễm dầu đã giết chết mọi loại cá.
"Đây từng là vùng rừng ngập mặn trù phú, đa dạng sinh học, nhưng mọi thứ đã chết sau khi vụ tràn dầu xảy ra”, Kobah nói với hãng tin BBC.
Dầu được tìm thấy ở đây trong những năm 1950, nhưng phải đến những năm 1990, cộng đồng vùng Ogoniland mới buộc được công ty dầu mỏ Shell rời đi. Nhiều năm sau đó, các giếng dầu bị bỏ hoang vẫn rò rỉ cho đến khi chúng được bịt lại. Nhưng môi trường đã kịp bị tàn phá nghiêm trọng.
Ô nhiễm gây ung thư
Năm 2011, Chính phủ Nigeria đã kêu gọi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc thực hiện một báo cáo độc lập về những thiệt hại của vùng Ogoniland.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng dầu đã thẩm thấu rất sâu vào đất và nói việc khắc phục có thể mất tới 30 năm. Người dân ở Ogoniland phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật cực kỳ nguy hại từ không khí và nước ô nhiễm. Trong một số trường hợp, các hợp chất gây ung thư trong dầu thô như benzene được tìm thấy trong nước uống có nồng độ gấp 900 lần mức an toàn.
Mặc dù vậy, nhiều cộng đồng đang phản đối việc dọn dẹp môi trường vì sợ rằng tiền cuối cùng lại bị tiêu sai chỗ, rơi vào tay những kẻ vụ lợi.
Điển hình là những gì diễn ra ở Bodo. Nơi đây từng là một làng chài yên bình nhưng năm 2015 trở nên nổi tiếng khắp nơi khi hãng Shell đền bù 80 triệu USD vì sự cố tràn dầu.
Số tiền này được chia cho 15.600 dân địa phương, mỗi người được lĩnh khoảng 3.000 USD, phần còn lại là sở hữu chung của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, khoản tiền còn lại sau cũng được tiếp tục chia cho dân.
Số tiền bồi thường là rất lớn so với mức sống của người dân địa phương, xưa nay chỉ biết “vắt mũi đổ vào miệng”, biến một vùng quê nghèo toàn nhà tranh vách đất thành một thị trấn với những ngôi nhà bê tông kiên cố.
Cộng đồng dân cư cũng vì vậy mà bị chia rẽ sâu sắc. Một phần thỏa thuận với hãng Shell là họ phải dọn dẹp môi trường, nhưng ngạc nhiên thay đó không phải là việc nhiều người muốn.
Ngư dân Siitu Emmanuel là một trong những người được đền bù. Ông lấy tiền xây nhà cho con cái ở. Ông bảo ông không ủng hộ Shell dọn rửa môi trường mà muốn tiền tiếp tục được chia cho từng gia đình.
“Tôi tin rằng tiền bồi thường là để dọn dẹp môi trường. Điều đó cũng là vì cộng đồng vì thế cứ nên trả thẳng cho người dân”, ông nói. Và hầu hết người dân Boro đồng ý với ông. Họ muốn được thấy tiền vào ví, hơn là được chi vào mấy dự án dọn dẹp. Nhiều con lạch, sông nhỏ trong vùng đã bị hủy hoại nghiêm trọng đến mức khó có thể hồi sinh như xưa.
Trang trại của nhà Gbode nằm cạnh một đường ống dầu. Nó bục ra năm 2012, phá hủy hầu hết diện tích trồng trọt của trang trại.
Bà Gbode và chồng vẫn canh tác trên đất của mình nhưng thu hái chẳng được bao nhiêu. Việc dọn rửa đất đã được thực hiện nhưng hiệu quả rất thấp.
“Họ nói họ đã làm sạch đất. Tôi thấy người ta đưa máy làm đất đến trải đất mới lên trên bề mặt. Nhưng đất vẫn không sạch, chúng tôi vẫn không trồng cấy trên đó được”.
Chia rẽ
Tuy nhiên, vẫn có những người muốn công việc cải thiện môi trường được tiếp tục. Một trong số đó là Sylvester Kogbara. Anh cùng một số người khác đấu tranh cho việc cải thiện môi trường ở Ogoniland. Rồi người ta tấn công nhà anh. Những kẻ tấn công toàn thanh niên và lý do chúng làm vậy là để anh ngừng lại việc đòi cải thiện môi trường.
Nghề cá ở Ogoniland gần như bị xóa sổ sau vụ tràn dầu (Ảnh: mg.co.za)
Tính đến tháng 2/2016, ít nhất đã có 4 người chết trong các cuộc đụng độ tương tự.
Đức cha Abel Agbulu của vùng Công giáo Bodo được kêu gọi đứng ra ngăn chặn bạo lực. Ông hiểu rõ vì sao có xung đột trong cộng đồng. “Họ không thực sự tin bất cứ cuộc thương lượng nào trong cộng đồng”.
Đây là vùng đất khiến nhiều người Nigeria trở nên siêu giàu trong khi nhiều giáo dân của ông sống lay lắt với chỉ một bữa ăn mỗi ngày. Người dân từ lâu đã chứng kiến tiền từ dầu mỏ chỉ đổ vào túi của một số ít người. Nhiều người dân lo lắng tiền đền bù của hãng Shell rồi cũng chỉ đổ vào túi các quan chức tham nhũng địa phương và các nhà thầu mà thôi.
Về phần mình, hãng Shell cam kết làm sạch môi trường nhưng nói sẽ rất nguy hiểm để bắt đầu công việc khi người dân Bodo chưa sẵn sàng chào đón việc này.
Shell đã có các cuộc tiếp xúc với nhiều nhóm trong vòng ba năm để khởi động công việc. Nhưng các cuộc đàm phán liên tục dậm chân tại chỗ.
Đại sứ Hà Lan tại Nigeria Groffen có vai trò như một điều phối viên trong vụ việc này. Ông giải thích vì sao tiến trình lại khó khăn như thế. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi việc sẽ không như ngày xưa, khi các hợp đồng được giao cho các nhà thầu thông qua các giao dịch ngầm dưới gầm bàn”, ông nói. “Nguyên nhân gây xung đột là một số phe phái, một số nhà thầu và vài nhóm thanh niên cảm thấy họ bị bỏ rơi trong tiến trình này và vì thế đã tìm cách chống phá”.
Cho tới khi các phần việc của kế hoạch cải thiện môi trường được giao tới các nhà thầu, các con lạch tiếp tục thối rữa. Boro chỉ là một cộng đồng như bao cộng đồng khác ở khu vực bị ô nhiễm ở đồng bằng Niger. Tái thiết là một nhiệm vụ rất nặng nề. Nhưng Chính phủ Nigeria nói họ đã quyết tâm thực hiện công việc. Bộ trưởng Môi trường Amina Mohamed nhận thức được sự phức tạp của môi trường chính trị-xã hội địa phương.
“Rất nhiều vấn đề cần phải được minh bạch”, bà nói. “Vấn đề không phải là chia tiền mà là thuyết phục mọi người thực hiện những việc cần phải thực hiện”.
Nhưng kể cả làm được như vậy, cũng phải mất ít nhất là 30 năm, các con lạch ở Ogoniland mới có thể hồi sinh.