| Hotline: 0983.970.780

Nhà khoa học nữ dành trọn đam mê với cây lúa

Thứ Năm 07/11/2024 , 09:10 (GMT+7)

QUẢNG NINH Với 35 năm gắn bó với ruộng đồng, nữ kỹ sư Trần Thị Hồng đã dành trọn đam mê cho từng hạt lúa, mang đến những giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Nữ kỹ sư Trần Thị Hồng kiểm tra các giống lúa đang được trồng tại Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nữ kỹ sư Trần Thị Hồng kiểm tra các giống lúa đang được trồng tại Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quanh năm gắn với ruộng đồng

Vừa qua, nữ kỹ sư Trần Thị Hồng (phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh vinh dự được nhận danh hiệu Nhà khoa học của nhà nông. Trong suốt 35 năm qua, nữ kỹ sư đã nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm được nhiều giống lúa mới cho năng suất và chất lượng vượt trội.

Tìm đến Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh nơi nữ kỹ sư Hồng đang công tác, chúng tôi được bà dẫn đi tham quan khu nơi nghiên cứu và khảo nghiệm nhiều giống lúa. Với nụ cười hiền hậu và giọng nói chất phát, bà Hồng hồ hởi giới thiệu: “Đây là khu vực ruộng để nghiên cứu, trồng thử nghiệm các giống lúa mới. Vào đúng ngày mùa, nơi đây ngạt ngào hương lúa mới và tràn ngập mọi sắc màu như tím, vàng, đỏ… của các giống lúa khác nhau. Còn khu vực bên cạnh là nơi trồng giống siêu nguyên chủng, phía xa xa là nhà gieo mạ, phơi lúa…”.

Suốt 35 năm qua, ngày nào bà Hồng cũng ra thăm ruộng, thậm chí trong nhiều thời điểm, nữ kỹ sư túc trực liên tục ở ngoài đồng để kiểm tra, chọn lựa từng bông lúa. Khi được hỏi về cơ duyên, động lực để gắn bó với công việc rất đỗi vất vả này, bà chia sẻ: “Có một sự thật là trước đây không ai trong gia đình tôi theo nghề nông nghiệp mà chủ yếu là làm mỏ than. Tuổi thơ của tôi sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cơm nấu từ gạo cũ độn với khoai, sắn. Lúc đó, tôi quyết tâm phải làm công việc mà luôn được ăn gạo mới”.

Những giống lúa mới được bà Hồng nghiên cứu, khảo nghiệm đều có năng suất, chất lượng vượt trội. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những giống lúa mới được bà Hồng nghiên cứu, khảo nghiệm đều có năng suất, chất lượng vượt trội. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 1989, bà Hồng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp (Khoa Nông học) và công tác tại Trại giống lúa cấp 1 Đông Triều (nay là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh). Cũng từ lúc đó, bà miệt mài nghiên cứu, khảo nghiệm các giống lúa mới cho năng suất cao, đồng thời lưu giữ, bảo tồn nguồn gen lúa bản địa.

Đến nay, bà Hồng đã được Bộ NN-PTNT cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng cho 17 giống lúa, trong đó có 12 giống đã được chuyển giao ra sản xuất. Đã có nhiều giống lúa giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo như giống Khang dân 18, Q5, Hương thơm số 1, Kim cương 90… hay mang lại giá trị hàng hóa cao, trở thành thương hiệu của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh như Nếp ĐT52, Đồng Hương ĐT128, ĐT100, ĐT120.

Thông thường, để nghiên cứu được 1 giống lúa mới, bà Hồng mất khoảng 4 năm. Sau khi tiến hành chọn tạo giống, nữ kỹ sư sẽ phải trực tiếp gieo cấy để đánh giá năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu thời tiết, sâu bệnh. Từ đó lựa chọn ra giống lúa tốt, cho năng suất, chất lượng cao.

“Đến nay, tôi đã nghiên cứu thành công nhiều giống lúa, trong đó có cả giống lúa có giá trị dinh dưỡng cao như các loại thảo dược hay các giống lúa màu giàu khoáng chất. Đặc biệt, giống lúa Kim Cương 90 có chất lượng, tính trạng tương tự như lúa bao thai của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng có thể cấy được 2 vụ thay vì 1 vụ/năm so với giống thông thường. Với Kim Cương 90, bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao có thêm lựa chọn để gia tăng sản lượng lương thực”, bà Hồng bày tỏ.

Khoa học xuất phát từ thực tiễn

Để cho ra một giống lúa mới, theo bà Hồng, yếu tố quan trọng chính là phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương. “Tôi không chỉ nghiên cứu về đặc tính, chất lượng của giống lúa mà còn phải nghiên cứu về nhu cầu, thói quen của nông dân mỗi khu vực. Đôi khi nghiên cứu được giống lúa cho năng suất, chất lượng cao nhưng lại không được người dân tiếp nhận bởi không phù hợp với truyền thống, thói quen bản địa”, bà Hồng nói.

Diện tích lúa Nếp cái hoa vàng tại Đông Triều đạt trên 200ha. Ảnh: Cường Vũ.

Diện tích lúa Nếp cái hoa vàng tại Đông Triều đạt trên 200ha. Ảnh: Cường Vũ.

Chính vì vậy, giống lúa tốt là giống lúa vừa phải phù hợp với từng vùng miền, đặc thù sinh thái và cả nét văn hóa, tập quán sản xuất khác nhau của người dân. Phải dựa trên cơ sở đó để cải tiến, năng cao năng suất, chất lượng của giống lúa.

Trong mỗi nghiên cứu của mình, bà Hồng luôn gửi gắm vào đó biết bao tâm tư, tình cảm và sự nhiệt huyết để tạo ra những giống lúa mới, vừa thích nghi được với biến đổi khí hậu vừa mang lại năng suất cao. Cả đời gắn bó với nông dân chân chất, cần cù, bà Hồng càng trăn trở “tốt rồi phải tốt nữa để nông dân đỡ khổ”.

Những giống lúa do nữ kỹ sư Trần Thị Hồng nghiên cứu đã được chuyển giao ra sản xuất với tổng diện tích gieo cấy trong năm 2022 – 2023 đạt gần 800.000ha. Ước tính năng suất tăng từ 10 - 15%, chất lượng thóc gạo được cải thiện giúp nâng cao giá trị hàng hóa, gia tăng thu nhập cho nông dân từ 20 - 30%.

Cùng với đó, giống lúa Nếp cái hoa vàng Đông Triều và Bao Thai lùn đã trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, tại thị xã Đông Triều, trong nhiều năm qua, giống Nếp cái hoa vàng đã và đang được đẩy mạnh sản xuất, đến năm 2024 đã đạt trên 200ha. Trong đó nhiều diện tích được chuyển đổi trồng theo hướng hữu cơ giúp nâng cao giá trị, chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Sản phẩm lúa Nếp cái hoa vàng Đông Triều được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sản phẩm lúa Nếp cái hoa vàng Đông Triều được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để đạt được những thành công trong nghiên cứu giống lúa, bà Trần Thị Hồng cho biết: “Bản thân tôi luôn suy nghĩ phải lấy tâm tư, nguyện vọng, đời sống thực tế của nông dân làm mục tiêu để giải quyết các nội dung nghiên cứu. Giống mới khi chuyển giao đến nông dân cần phải dễ chăm, ít phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất thấp, dễ tiêu thụ, bán được giá”.

Chính vì vậy, các giống lúa mới do bà chọn tạo khi đưa vào sản xuất đã góp phần không nhỏ trong việc tăng năng suất, chất lượng, gia tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho nông dân, xây dựng nông thôn mới và làm thay đổi diện mạo nông nghiệp - nông thôn Việt Nam nói chung và thị xã Đông Triều nói riêng.

Trong tương lai, nữ kỹ sư Trần Thị Hồng vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa mới để đồng hành, hỗ trợ nông dân từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Cùng với đó, bà Hồng đang đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận để tiếp bước đam mê và đóng góp cho sự phát triển chung của nền nông nghiệp nước nhà.

Trong thời gian công tác, bà Trần Thị Hồng đã nhiều lần nhận được bằng khen, giải thưởng nhờ những đóng góp quan trọng như Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào các năm 2010 và 2012; giải thưởng KOVA về "Khoa học công nghệ ứng dụng đạt hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống xã hội” năm 2012; Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh và nhiều giải thưởng tại hội thi sáng tạo kỹ thuật do các cấp tổ chức; danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2020"...

Xem thêm
Hỗ trợ 14 tỷ đồng các cơ sở chăn nuôi hàng hóa

YÊN BÁI Năm 2024, các ngành chức năng của Yên Bái đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Trâu béo khỏe đẻ giỏi nhờ phòng bệnh từ sớm từ xa

THÁI NGUYÊN Nhận hỗ trợ trâu sinh sản chưa đầy một năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hà ở huyện Đại Từ đã chào đón thêm chú nghé khỏe mạnh, lanh lợi.

Bình Thuận sản xuất lúa ‘1 phải 6 giảm’

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đang xây dựng các mô hình khuyến nông chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo hướng tới giảm phát thải carbon.