Về phường Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) hỏi lương y Nguyễn Văn Mạnh, người dân nơi đây ai cũng biết rõ bởi anh Mạnh không chỉ là thầy thuốc có tâm, có tài bắt mạch chữa bệnh mà còn là người tiên phong làm ra dây chuyền công nghệ hiện đại để bào chế dược liệu, lan tỏa giá trị những bài thuốc Nam cổ truyền.
Ý tưởng chế tạo dây chuyền công nghệ bào chế dược liệu được anh Mạnh ấp ủ trong thời gian dài nhưng mãi đến năm 2014 khi chương trình OCOP được triển khai anh mới mạnh dạn tham gia và nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố để đầu tư máy móc.
“Gia đình tôi có một số bài thuốc gia truyền như cao Thiên Đông chữa ho, cao Lạc Tiên an thần, bài thuốc về gan… trước đây các cụ đã nấu thành cao, đóng vào chai nhưng chưa có nhãn mác hay công bố tiêu chuẩn quy chuẩn chất lượng. Đến đời tôi, tôi quyết định phải phát huy thế mạnh của gia đình, đưa các sản phẩm tốt cho sức khỏe đến tay người tiêu dùng. Và để làm được điều đó thì cần phải có máy móc, công nghệ để hỗ trợ”, anh Mạnh chia sẻ.
Với ý tưởng đó, anh Mạnh tự mình mày mò, nghiên cứu để chế tạo hệ thống máy móc phục vụ việc bào chế, chiết xuất và chiết rót cho sản phẩm. Ban đầu do không có nhiều kinh nghiệm, máy móc phải sửa đi sửa lại, nhiều khi đưa vào vận hành bị trục trặc liên tục khiến chi phí đội lên.
Không ngại khó khăn, anh Mạnh dần cải tiến hệ thống và quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng để tạo nên dây chuyền đồng bộ, hiện đại và phù hợp với nhu cầu của mình. Đến nay, khâu chiết xuất, nấu cao và chiết rót đã được hoàn thiện.
Sản phẩm đầu tiên mà anh Mạnh sản xuất chính là cao Thiên Đông được chiết xuất từ mạch môn và 38 dược liệu khác nhau do chính cụ cao tổ nghiên cứu và truyền lại. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Mạnh đã nghiên cứu và sản xuất thành công 7 sản phẩm, trong đó sản phẩm cao Thiên Đông, cao Lạc Tiên an thần, trà giải độc gan, mật ong rừng Yên Tử đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Nhờ có dây chuyền chiết xuất hiện đại, các dược chất của các loại dược liệu được lưu giữ một cách tối đa, từ đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và phát huy dược tính trong điều trị bệnh.
Vị lương y chia sẻ: “Với hệ thống máy móc, tôi có thể điều chỉnh được nhiệt độ, đảm bảo được hàm lượng dược chất trong từng loại dược liệu. Cùng với đó đã tiết giảm được nhân công lao động, tăng năng suất chiết xuất dược liệu. Ví dụ trước đây phải mất 9 ngày để làm ra 1 mẻ cao với số lượng khoảng 300 chai thì giờ đây chỉ còn mất 5 ngày mà số lượng có thể lên tới 2.100 chai”.
Đến nay, các sản phẩm dược liệu của anh Mạnh đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước và tại nhiều cửa hàng OCOP. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng như cao Thiên Đông chữa ho hay cao Lạc Tiên an thần điều trị mất ngủ, lượng tiêu thụ lên đến hàng vạn chai mỗi tháng.
Bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm dược liệu, anh Mạnh còn liên kết với các cá nhân, hợp tác xã để trồng, thu mua cây dược liệu cho bà con như cà gai leo, thiên môn đông, xạ đen, bách bộ, diệp hạ châu, dây lạc tiên… Từ đó tạo thêm việc làm cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương.
Với sự nỗ lực và những đóng góp của mình, anh Nguyễn Văn Mạnh đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2024.
Bà Hoàng Kim Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Uông Bí cho biết, anh Nguyễn Văn Mạnh là hội viên nông dân rất nhiệt tình, tích cực. Thời gian qua, anh đã phát triển thành công rất nhiều sản phẩm dược liệu chất lượng, được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Quảng Ninh, thường xuyên được quảng bá, giới thiệu để các địa phương khác học hỏi.