| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Thứ Sáu 22/11/2024 , 07:39 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Đàn lợn nái bản địa của anh Phan Văn Tuân phát triển tốt. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đàn lợn nái bản địa của anh Phan Văn Tuân phát triển tốt. Ảnh: Ngọc Tú

Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát dữ dội càn quét gây thiệt hại lớn tại tỉnh Bắc Kạn. Dịch xuất hiện tại 4.000 hộ chăn nuôi thuộc 102 xã của tất cả các huyện, thành phố, khối lượng lợn bị tiêu hủy hơn 749.000 tấn. Thời điểm tháng 6/2024, khi dịch bùng phát dữ dội, tốc độ lây lan nhanh, có nhiều thôn, bản không còn lợn, nhiều hộ chăn nuôi mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Đến giữa tháng 11, dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Bắc Kạn đã dần tạm lắng, toàn tỉnh đã có 69 xã công bố hết dịch, 16 xã đã qua 21 ngày không phát hiện ca mắc mới. Dịch tạm lắng, người chăn nuôi tại Bắc Kạn đang bắt đầu tái đàn.

Trang trại nuôi lợn đen bản địa của anh Phan Văn Tuân, xã Trần Phú (huyện Na Rì) từng là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, mỗi năm trang trại nuôi lợn này mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng khi dịch tả lợn Châu Phi ập đến, cả đàn lợn chết hết.

Đã gắn bó với nghề nuôi lợn bản địa nhiều năm, cuối tháng 10 vừa qua, khi dịch dần tạm lắng, anh Tuân đã vệ sinh chuồng trại, nhập lứa lợn mới về nuôi.

Nhiều hộ chăn nuôi chọn giống lợn đen bản địa để tái đàn vì giống lợn này có sức chống chịu tốt với dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nhiều hộ chăn nuôi chọn giống lợn đen bản địa để tái đàn vì giống lợn này có sức chống chịu tốt với dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Tú. 

Anh Tuân cho biết, hiện gia đình đang nuôi và liên kết với các hộ nuôi 100 con lợn nái bản địa và lợn nái móng cái. Nguồn con giống sẽ cung cấp cho các hộ tham gia chuỗi liên kết để nuôi lợn thành phẩm, dự kiến vài tháng nữa sẽ có lợn xuất bán ra thị trường.

“Qua đợt dịch vừa rồi bản thân mình cũng như các thành viên của hợp tác xã rút được nhiều kinh nghiệm trong việc phòng dịch. Công tác vệ sinh chuồng trại được thực hiện cẩn thận hơn, khi tái đàn lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh có nguồn gốc rõ ràng”, anh Tuân chia sẻ thêm.

Để vực dậy ngành chăn nuôi lợn, UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành quyết định cấp bổ sung hơn 26 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh cho UBND các huyện, thành phố để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục năm 2024.

Theo đó, tổng số hộ được hỗ trợ là gần 3.800 hộ thuộc 8 huyện, thành phố, mức hỗ trợ đối với dịch tả lợn Châu Phi là 38.000 đồng/kg, mức hỗ trợ được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ. Đây là hỗ trợ đợt 1 (thời gian từ ngày 01/01/2024 đến 31/08/2024), hiện nguồn kinh phí đã được phân bổ đến các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị, địa phương sau khi tiếp nhận kinh phí khẩn trương thanh toán cho người dân để các hộ sớm có kinh phí tái đàn.

Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân khi tái đàn, lợn cần phải được tiêm phòng đầy đủ. Ảnh: Ngọc Tú.

Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân khi tái đàn, lợn cần phải được tiêm phòng đầy đủ. Ảnh: Ngọc Tú.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đang khẩn trương thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Ở những nơi đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền địa phương nhanh chóng thống kê nhu cầu, xây dựng dự án, đảm bảo giải ngân kịp tiến độ, sớm phục hồi ngành chăn nuôi lợn.

Ông Lý Văn Tuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Na Rì cho biết, đơn vị đang tập trung hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, phun khử khuẩn định kỳ. Đối với những nơi đủ điều kiện, cán bộ chuyên môn sẽ hướng dẫn người dân địa chỉ mua con giống chất lượng, cũng như hướng dẫn quy trình nuôi đảm bảo an toàn.

“Ngay khi các xã công bố hết dịch, đơn vị đã ban hành văn bản hướng dẫn người chăn nuôi. Khi tái đàn, lợn phải được tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, vệ sinh chuồng trại, phun khủ khuẩn theo đúng quy trình. Thời điểm này cũng đã có nhiều hộ chăn nuôi tái đàn lợn, tuy nhiên người dân mới tái đàn quy mô nhỏ để thăm dò, dự kiến sang năm 2025 các gia trại, mô hình quy mô vừa mới khôi phục sản xuất”, ông Tuyên cho biết thêm.  

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.