Cánh tay đắc lực của nông dân ĐBSCL
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và nhu cầu tăng trưởng bền vững.
Đáp ứng những thách thức này, Bộ NN-PTNT đã khởi xướng Đề án “Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Trong bối cảnh đó, Công ty TNHH MTV Tư Sang nổi lên như một trong những doanh nghiệp tiên phong với các giải pháp máy móc hỗ trợ nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, giảm phát thải.
Ông Nguyễn Hồng Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư Sang, cho biết: Tiền thân là DNTN Tư Sang, được thành lập năm 1979 tại Tiền Giang. Từ một xưởng sản xuất nhỏ, Tư Sang đã không ngừng cải tiến, mở rộng và hiện nay là một thương hiệu uy tín với nhiều dòng máy móc nông nghiệp phục vụ nông dân trên cả nước. Với định hướng “Lợi ích của người tiêu dùng luôn là kim chỉ nam” là triết lý mà công ty kiên định theo đuổi, tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân. Sản phẩm của Tư Sang đã vươn xa, nhận được sự tin tưởng từ nhiều quốc gia Đông Nam Á, khẳng định chất lượng và tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp Việt.
Hiện tại, Tư Sang đang cung cấp các dòng máy cơ giới hiện đại như: Máy đảo trộn phân hữu cơ hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân hữu cơ tại chỗ, giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học và từ đó kéo giảm chi phí trong sản xuất. Máy sạ hàng kết hợp vùi phân bón (Row Seeder Combine Fertilizer) cho phép vừa sạ lúa, vừa bón phân, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả. Kế đến là máy sạ hàng gắn máy cày IRRI – APV.TSDN – H4, được thiết kế để sạ lúa với khoảng cách đều đặn, giảm lượng giống gieo và giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa các cây lúa, đồng thời tối ưu hóa năng suất.
Các thiết bị cơ giới của Tư Sang đã chứng minh hiệu quả vượt trội khi được áp dụng trong mô hình canh tác lúa giảm phát thải. Cụ thể, tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, Tư Sang đã phối hợp cùng HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình để triển khai mô hình sử dụng máy sạ hàng kết hợp bón vùi phân bón. Trên diện tích thí điểm 14ha với sự tham gia của 7 hộ dân, phương pháp này đã giúp nông dân tiết kiệm đáng kể lượng giống gieo sạ và phân bón. Lượng giống sử dụng giảm còn 80kg/ha và lượng phân bón chỉ còn 200kg/ha, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo năng suất cao.
Ông Trần Văn Lựu, là một trong nhiều nông dân tham gia mô hình canh tác lúa giảm phát thải ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, cho biết: Việc ứng dụng máy sạ hàng kết hợp bón vùi phân bón. Từ phương pháp sạ thưa đã giúp gia đình ông giảm chi phí, đồng thời không cần bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ. Điều này không chỉ giảm tác động môi trường mà còn tạo thuận lợi cho người nông dân về cả thời gian và công sức.
Hiệu quả kinh tế trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp không chỉ hướng tới việc nâng cao năng suất mà còn giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong các mô hình thí điểm, năng suất trung bình đạt 64,52 tạ/ha, cao hơn bên ngoài 4,63 tạ/ha, lợi nhuận ròng tăng từ 1-6 triệu đồng/ha tại TP Cần Thơ và 13-18 triệu đồng/ha tại Sóc Trăng.
Về môi trường, các phương pháp canh tác mới giảm phát thải khí CO2 xuống còn 3 tấn/ha/vụ, thấp hơn so với phương pháp truyền thống. Việc sử dụng máy sạ hàng, máy cuộn rơm của Tư Sang trong mô hình canh tác không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải từ việc đốt rơm rạ.
Là một đối tác quan trọng của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Công ty TNHH MTV Tư Sang cam kết đồng hành cùng các địa phương trong ĐBSCL, không ngừng nghiên cứu và cải tiến các dòng máy móc hiện đại để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về giảm phát thải và tăng năng suất.
Tại hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo diễn ra tại Hậu Giang vừa qua, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã chia sẻ về hiệu quả tích cực của các mô hình thí điểm, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp cơ khí trong việc cung cấp các giải pháp máy móc phù hợp vào Đề án “Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Bên cạnh đó cần chú trọng để đảm bảo thành công như thâm canh nhưng phải đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng, đồng thời giảm chi phí, tăng giá trị, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị, máy móc đồng bộ về cơ giới, hiệu quả và phù hợp.
Những đóng góp của Tư Sang đã được đánh giá cao không chỉ bởi chất lượng sản phẩm mà còn bởi tầm nhìn phát triển bền vững. Tại hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo diễn ra tại Hậu Giang, Công ty cũng cam kết đồng hành cùng tỉnh Hậu Giang và các tỉnh khác trong việc thúc đẩy sự liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu gạo ĐBSCL và chuyển giao công nghệ máy móc mới cho nông dân.
Để đạt được mục tiêu của Đề án, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các HTX nhằm xây dựng vùng lúa chất lượng cao bền vững, phát thải thấp, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân.
Công ty TNHH MTV Tư Sang, với các dòng máy móc cơ giới hiện đại và giải pháp canh tác giảm phát thải, đang góp phần không nhỏ vào Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao của ĐBSCL. Những nỗ lực của Tư Sang không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho nông dân mà còn giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp Việt trong công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững.