| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 07/11/2011 , 10:17 (GMT+7)

10:17 - 07/11/2011

Câu chuyện “luật nhà văn”

Chuyện “Luật Nhà văn” dự kiến được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội khóa XIII, mấy hôm nay đang làm “nóng” dư luận xã hội.

Đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật này, tất nhiên sẽ là các nhà văn. Nhưng thế nào là nhà văn? Cứ theo như sự công nhận một cách mặc nhiên lâu nay, thì những người là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam đều là “nhà văn”, con số đó chỉ trên dưới ngàn người, bao gồm cả người sáng tác, người dịch thuật, người phê bình, nghiên cứu văn học.

 Thế còn những người chưa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam nhưng đang là Hội viên các chi hội văn học thuộc các hội VHNT địa phương (số người này nhiều hơn hẳn số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), và cả những người chẳng thèm vào một hội nào, nhưng vẫn sáng tác văn học, thì sao?

Họ có được coi là nhà văn không? Nếu không, thì cùng làm một công việc như nhau là sáng tạo nên những tác phẩm văn học, chẳng lẽ người này phải chịu sự điều chỉnh của luật, còn người kia thì không? Còn nói về chất lượng tác phẩm, thì chưa chắc ai đã hơn ai.

Trong khi cả xã hội đang rất băn khoăn vì chưa hình dung ra cái “luật nhà văn” nó sẽ thế nào, thì lời phát biểu trên một tờ báo của ĐBQH, nhà văn, bác sỹ Nguyễn Minh Hồng, người có sáng kiến đề xuất “luật nhà văn” rằng luật này sẽ quy định rất nhiều thứ “nào là các tác phẩm được xuất bản, các quy định đối với nhà văn ra sao, chế độ nhuận bút và các chế độ chính sách khác thế nào, viết lịch sử (ý hẳn ông nói đến những tác phẩm văn học lấy đề tài là lịch sử, chứ những bộ sử hay giáo trình lịch sử thì chắc chắn không phải tác phẩm văn học rồi) phải thế nào…” càng khiến người ta băn khoăn hơn, vì nó lẩn quẩn, chồng chéo.

Tác phẩm được xuất bản thì đã chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản rồi, cần gì phải đưa vào “Luật Nhà văn” nữa? Chế độ nhuận bút sẽ chịu sự điều chỉnh của cơ chế thị trường. Chẳng cần là nhà văn (tức chẳng cần phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), nhưng nếu tác phẩm của anh hay, được độc giả mến mộ, NXB in với số lượng lớn, thì đương nhiên nhuận bút sẽ cao. Còn ngược lại, dù là nhà văn nhưng tác phẩm của anh dở, chẳng NXB nào thèm in, thì lấy đâu ra mà có nhuận bút?

Câu “viết lịch sử phải thế nào”, khiến nhiều người sáng tác kinh hoàng. Thời chiến tranh chống Mỹ, có một nữ TNXP hy sinh vô cùng anh dũng trên đường Hồ Chí Minh. Hàng triệu người chưa từng gặp cô, nhưng khi qua chỗ cô hy sinh, nghe kể về cô thì “trong mỗi người đều có gương mặt của em riêng” (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ). Lịch sử là như vậy. Trước mỗi sự kiện lịch sử hay mỗi nhân vật lịch sử, mỗi người đều có sự đánh giá, sự cảm nhận của riêng mình, và đó chính là cội nguồn để tạo nên những tác phẩm văn học về đề tài lịch sử đa dạng, phong phú, sinh động.

 “Viết lịch sử phải thế nào” thuộc về lĩnh vực lý luận, về phương pháp sáng tác, nó là đối tượng nghiên cứu của giới phê bình, nghiên cứu văn học chứ không phải là đối tượng điều chỉnh của luật. Ngay cả các nhà phê bình, nghiên cứu, dù uy tín đến đâu chăng nữa, khi đưa ra một công trình nghiên cứu về “viết lịch sử phải thế nào”, thì đó cũng chỉ là quan niệm riêng của ông ta chứ chưa phải là chuẩn mực buộc tất cả những người sáng tác văn học về đề tài lịch sử phải tuân theo. Nếu “viết lịch sử phải thế nào” mà bị luật hóa, thì…"thôi rồi Lượm ơi”. Sự sáng tạo trong mỗi nhà văn khi viết về đề tài lịch sử sẽ bị giết chết.

Người ta chỉ có thể định hướng, vun đắp sự sáng tạo chứ không thể luật hóa sự sáng tạo.

Bình luận mới nhất