| Hotline: 0983.970.780

Chương trình 5 triệu ha rừng: Tăng thu nhập, xóa đói nghèo hơn 1,2 triệu hộ

Thứ Ba 01/11/2011 , 09:56 (GMT+7)

Ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã trình bày Báo cáo tổng kết chương trình 5 triệu ha rừng trước Quốc hội.

Ảnh minh họa
Ngày 31/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã trình bày Báo cáo tổng kết chương trình 5 triệu ha rừng trước Quốc hội. Báo cáo cho thấy, dự án không chỉ có ý nghĩa lớn về môi trường mà còn tham gia giải quyết việc làm cho hơn 1,2 triệu hộ gia đình với 4.657.000 lao động tham gia dự án, trong đó có gần nửa triệu hộ nghèo. 

Dự án trồng mới 5 triệu ha  không chỉ có ý nghĩa lớn về môi trường mà còn tham gia giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong 13 năm triển khai đã có 1.249.600 hộ gia đình với 4.657.000 lao động tham gia dự án, trong đó có 484.890 hộ nghèo (chiếm 38,6%), chủ yếu là đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao.

Dự án đã tạo ra được nhiều mô hình vườn rừng, nông lâm kết hợp có hiệu quả cao đồng thời tạo ra những vùng nguyên liệu cho chế biến gỗ và trụ mỏ, như: Vùng gỗ trụ mỏ Quảng Ninh; Vùng nguyên liệu giấy cho các nhà máy giấy Bãi Bằng - Phú Thọ, An Hòa –Tuyên Quang, Tân Mai – Đồng Nai – Lâm Đồng, Kon Tum,...Vùng nguyên liệu ván nhân tạo cho các nhà máy ván dăm, MDF ở Gia Lai, Thái Nguyên, Ba Tơ, Quảng Trị, Bình Phước, Hòa Bình, Hà Giang,.. Các khu rừng trồng sản xuất lớn hình thành tại hầu hết các địa phương trong cả nước đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản và việc đầu tư các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản cũng kích thích người dân trồng rừng nhiều hơn. Đến nay, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã có bước phát triển khá mạnh với nhiều thành phần kinh tế tham gia, bao gồm 2.536 doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), kim ngạch xuất khẩu năm 1998 đạt 236,1 triệu USD, đến năm 2010 đạt 3,55 tỷ USD. Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, các nhà máy đã từng bước đầu tư vùng nguyên liệu cho mình.

Đánh giá kết quả dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng dự án đã tạo được sự chuyển biến lớn trong nhận thức về hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường góp phần làm nâng cao y thức trách nhiệm về bảo vệ phát triển rừng tại các địa phương. Nhờ đó công tác quản lí bảo vệ rừng đã đạt được kết quả đáng kể, diện tích rừng bị cháy giảm từ 60.732 ha giai đoạn 1998-2005 xuống còn 13.525 ha. Số vụ vi phạm pháp luật bảo vệ phát triển rừng năm 2010 cũng giảm 46% so với 1998. Ngoài việc nâng cao độ che phủ rừng và tạo vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ, dự án còn huy động được nhiều nguồn vốn xã hội cho công tác bảo vệ rừng, tổng số vốn huy động lên tới 31.858 tỉ đồng nhưng trong đó ngân sách TW và địa phương chỉ chiếm 26,5%. Như vậy có thể thấy, mặc dù ngân sách trung ương đầu tư không lớn nhưng đạt được hiệu quả đa mục tiêu về an sinh xã hội và môi trường.

+ Năm 2010,  tổng trữ lượng gỗ cả nước là 935,3 triệu m3, trong đó gỗ rừng tự nhiên chiếm 92,8%, gỗ rừng trồng là 74,8 triệu m3(chiếm 7,9 % tổng trữ lượng gỗ) và 8,5 tỷ cây tre nứa. So với năm 1998 trữ lượng gỗ của cả nước tăng được 183,8 triệu m3 (24,4%). 

+ Đến nay cả nước đã giao 9.999.892 ha đất lâm nghiệp, trong đó giao cho các doanh nghiệp nhà nước 2.291.904 ha; các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ 3.981.858 ha; hộ gia đình, cá nhân 2.806.357 ha; cộng đồng dân cư 70.730 ha; các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang 228.512 ha, tổ chức khác 620.531ha

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại trong quá trình triển khai chương trình cần được khắc phục: Công tác lập quy hoạch và quản lí thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 3 loại rừng còn chậm. Việc quy hoạch đất lâm nghiệp không ổn định, có sự chênh lệch lớn về diện tích khi chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; Tỉ lệ diện tích rừng đã giao cho chủ quản lí còn thấp, chỉ chiểm 61% so với tổng diện tích đất lâm nghiệp, đặc biệt sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chỉ chiếm 21% là chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác mức giao đất bình quân từ 5-6 ha/hộ dân thì chưa đủ để người dân có thể có thu nhập chủ yếu từ rừng.

Tại một số địa phương như Hậu Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh Đông Nam Bộ độ che phủ của rừng còn thấp, khả năng sinh trưởng và chất lượng rừng phòng hộ chưa đạt yêu cầu. Để công tác bảo vệ phát triển rừng trong những năm tới đạt hiệu quả tốt hơn, Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành những chính sách phát triển thị trường lâm sản, chế biến gỗ, chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng trồng rừng sản xuất, ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, Chính phủ cũng cần đổi mới phương thức quản lí rừng theo chức năng từng loại rừng. Bảo đảm chính sách cho cộng đồng dân cư, địa phương nơi có rừng được hưởng lợi trực tiếp từ rừng mang lại. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lí rừng, chọn tạo giống, khai thác, chế biến lâm sản nhằm làm gia tăng giá trị của sản phẩm lâm nghiệp.

ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai): Trồng rừng để cho con cháu hưởng

Dự án với mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng là rất tốt, tuy nhiên qua thời gian thực hiện, tôi cho rằng cần phải cân nhắc cách thực hiện và cân nhắc đưa cây nào vào trồng cho phù hợp. Mỗi vùng, mỗi địa phương có những loại cây khác nhau, phù hợp với điều kiện của vùng đó. Tuy lúc này sản lượng chưa nhiều nhưng nếu ta có cách bảo vệ thì sẽ thành rừng trung bình, rừng giàu sau này.  Chúng ta vẫn còn nhiều diện tích để trồng rừng, vì vậy nên mạnh dạn khảo sát và áp dụng cây bản địa. Ví như Gia Lai có cây gỗ hương, cẩm sa, họ dầu…chứ đưa cây bạch đàn, keo vào Gia Lai thì rất khó sống. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng, chúng ta làm để hưởng thụ ngay. Làm để cho con cháu sau này hưởng thụ. 

Mặt khác, cũng phải tùy điều kiện dân trí, khả năng canh tác mà tiến hành giao đất, giao rừng. Cụ thể như tại Gia Lai, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ có hạn, do điều kiện kinh tế, tập quán canh tác chỉ phù hợp với việc bảo vệ, quản lý rừng. Vậy nên nếu  ta giao cho họ trồng rừng lại không hiệu quả lắm.

Tại kỳ họp này, tôi kiến nghị Chính phủ cần xác định: rừng phải có chủ. Muốn vậy, cần phải có điều tra cụ thể về hiện trạng rừng thực tế. Đồng thời xác định, rừng nào cần khoanh nuôi bảo vệ, rừng nào chuyển mục đích sử dụng cho hiệu quả. Trong quá trình làm thì cũng có kế hoạch bảo vệ nó. Phải có chế độ đảm bảo lợi ích của nhóm bảo vệ. Ngày trước được 50.000 - 100.000 đồng/ha/năm. Nhưng bây giờ, giá đó đâu còn thích hợp nữa, thậm chí 200.000 đồng/ha (khoảng 6 triệu đồng/năm/người) cũng khó sống.  

ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai): Cần đầu tư mạnh hơn cho chương trình trồng rừng

Ngay khi bắt đầu thực hiện dự án 5 triệu ha rừng, tỉnh Lào Cai chúng tôi đã cho rà soát và triển khai tại 3 nhóm rừng: đặc dụng, phòng hộ và kinh tế. Năm 2006- 2010, chúng tôi đã hoàn thành quy hoạch, giao đất, giao rừng. Kiểm điểm lại ở cả 3 loại rừng này, Lào Cai đều đạt kết quả tốt, đưa diện tích rừng bao phủ lên đến 48% năm 2010. Ngoài ra, chương trình đã giải quyết được nhiều công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc trồng rừng.

Tuy nhiên, cũng còn một số thách thức như chế độ chính sách cho rừng phòng hộ còn quá thấp. Bởi đây là khu rừng ở khá sâu, đường đi lại khó khăn nhưng chế độ dành cho người dân bảo vệ, trồng rừng chỉ bằng rừng kinh tế (khoảng 100.000 đồng/ha) là không hợp lý. Vì vậy, đề nghị Chính phủ thống nhất chế độ hỗ trợ, chứ nơi 100.000 đồng/ha, nơi 300.000 đồng/ha thì sẽ không khuyến khích dân trồng rừng.

Hiện nay, Lào Cai đã phải kết hợp cây kinh tế với cây phòng hộ để có thể vừa che phủ rừng vừa làm kinh tế. Ai cũng thấy hiệu qủa của trồng rừng nhưng rừng phải gắn bó với dân, rừng phải gắn bó với làng bản. Muốn vậy thì phải có cơ chế chính sách phù hợp để họ yên tâm trồng rừng hơn. Liên quan đến nguồn vốn cho trồng rừng, tôi cho rằng cần phải hiểu rõ, đầu tư trồng rừng là gắn với an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy tôi mong Chính phủ sẽ đầu tư mạnh hơn cho chương trình trồng rừng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm