| Hotline: 0983.970.780

Yên tâm canh tác nhờ nguồn nước Kênh Đông

Thứ Năm 25/04/2024 , 13:59 (GMT+7)

TP.HCM Từ khi có nước Kênh Đông, toàn huyện Củ Chi đã khai hoang phục hóa, tháo chua, xổ phèn đồng ruộng, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng.

Nguồn nước khu vực Kênh Đông cung cấp đủ nguồn nước phục vụ cho người dân huyện Củ Chi canh tác nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nguồn nước khu vực Kênh Đông cung cấp đủ nguồn nước phục vụ cho người dân huyện Củ Chi canh tác nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Là huyện ngoại thành của TP.HCM, từ khi có nước từ thủy lợi Kênh Đông, toàn huyện Củ Chi đã tiến hành khai hoang phục hóa, tháo chua, xổ phèn đồng ruộng. Nhờ đó, nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, huyện đã đầu tư xây dựng kiên cố hóa hơn 500km kênh chính, kênh nội đồng của hệ thống Kênh Đông, cùng 200 km kênh tiêu, khai thác mạch nước ngầm và thủy triều trên hệ thống sông ngòi. Từ đó, phục vụ tưới tiêu cho 12 xã với diện tích hơn 13.500 ha, chiếm 42,3% đất canh tác. Đây là công trình thiết thực, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Vừa tưới xong những luống rau trong vườn, ông Nguyễn Văn Hải (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) chia sẻ với chúng tôi: “Chưa năm nào mà nắng nóng khô hạn như năm nay. Chúng tôi phải tranh thủ thời tiết mát để ra đồng. Mình vẫn còn may vì có đủ nước sinh hoạt, tưới cây, chăm sóc cho gia súc. Nhiều tỉnh miền Tây đang thiếu nước trầm trọng”.

Với công suất thiết kế 200.000m3/ngày, hiện Nhà máy nước Kênh Đông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) đã chạy hết công suất, cung ứng nước sinh hoạt cho người dân. Trong đó, riêng cấp cho người dân huyện Củ Chi là 50.000m3/ngày.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM hỏi thăm tình hình sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM hỏi thăm tình hình sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Lê Hồng Kỳ, Giám đốc Nhà máy nước Kênh Đông cho biết, với lợi thế có hồ chứa nước thô dự trữ khoảng 1,25 triệu m3 nước, Nhà máy nước Kênh Đông có thể phục vụ nhu cầu sử dụng nước khoảng 3 ngày cho người dân trong trường hợp ngành thủy lợi cắt nước để khắc phục sự cố nào đó.

“Nhờ nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng đổ về, nhà máy lúc nào cũng đảm bảo nguồn nước cho người dân phía Tây thành phố, với chất lượng nước luôn ổn định”, ông Kỳ thông tin.

Theo ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Củ Chi, hiện đơn vị quản lý, vận hành 11 km kênh chính Đông, khoảng gần 500 km kênh mương, hơn 500 km kênh mương cấp 1, cấp 2 nội đồng, đến từng mặt ruộng.

“Xí nghiệp tiếp nhận nguồn nước từ thượng nguồn hồ Dầu Tiếng và tập trung điều tiết phân phối nước tất cả các tuyến kênh trên địa bàn huyện Củ Chi để đảm bảo đầy đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ cung cấp nước thô cho người dân thành phố”, ông Nguyễn Bá Vinh nói và cho biết thêm, để phục vụ tốt công tác cấp nước mùa khô cũng như phòng, chống hạn hán, trong thời gian qua Xí nghiệp đã ban hành tất cả các lịch tưới trên tất cả các kênh, xây dựng kế hoạch vận hành phù hợp với từng loại cây trồng để điều tiết nước đầy đủ.

Đồng thời, tổ chức vận hành hệ thống SCADA giúp kiểm soát được lưu lượng mực nước và vận hành tự động từ xa, điều khiển vận hành từ xa, từ đó giúp cho xí nghiệp kiểm soát chặt chẽ nguồn nước và rút ngắn thời gian vận hành, đảm bảo công tác cấp nước cho người dân theo nhu cầu của từng loại cây trồng vật nuôi.

“Chúng tôi tổ chức lực lượng công nhân thủy nông duy tu, sửa chữa, phát quang rong, cỏ ở tất cả các kênh nội đồng để đảm bảo không có các tuyến kênh rút ngắn thời gian tưới cho người dân”, ông Vinh nói.

Để công tác quản lý vận hành được hiệu quả tại 12 cụm trạm trên tất cả địa bàn, các xã thuộc huyện Củ Chi đảm bảo mạng lưới thủy nông đến tận kênh nội đồng. Từ đó, giúp cho Xí nghiệp quản lý chặt chẽ về diện tích, khối lượng nước… phục vụ tốt cho người dân. Đồng thời, từng bước chuẩn hóa về trình độ, chuyên môn của cán bộ Xí nghiệp phù hợp với Nghị định 67 của Bộ NN-PTNT ban hành.

Trước tình hình hạn hán, nắng nóng kéo dài, đoàn công tác của Sở NN-PTNT TP.HCM do Phó giám đốc Nguyễn Xuân Hoàng dẫn đầu đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước và các phương án phục vụ sản xuất nông nghiệp mùa khô 2024 trên địa bàn huyện Củ Chi.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM (đứng giữa) dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình cấp nước tại Nhà máy nước Kênh Đông. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM (đứng giữa) dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình cấp nước tại Nhà máy nước Kênh Đông. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Qua kiểm tra tình hình khô hạn cũng như tình hình sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM đánh giá, người dân vẫn tiếp tục thực hiện sản xuất, đặc biệt là xuống giống, chuẩn bị vụ hè thu.

“Nguồn nước kênh Đông từ hồ Dầu Tiếng rất ổn định. Vì vậy, vấn đề sản xuất nông nghiệp của bà con trên địa bàn huyện Củ Chi, cũng như cung cấp nước sinh hoạt ổn định, không có vấn đề gì đáng lo ngại trong mùa khô hạn năm nay”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM nói.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng cũng đề nghị đơn vị vận hành nhà máy nước Kênh Đông, các đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi TP.HCM tập trung điều tiết, vận hành đảm bảo đầy đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, quản lý hệ thống công trình thủy lợi, điều tiết nước, vận hành, duy tu, sửa chữa để đảm bảo các kênh thông thoáng điều tiết nước thuận lợi cho bà con nông dân đúng thời vụ, đúng cơ cấu mùa vụ cây trồng.

Chủ động linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.

Giao Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi để điều phối nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn khi có tình huống bất lợi xảy ra; đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho các đối tượng sử dụng theo khả năng nguồn nước, vận hành tối ưu, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước; tổng hợp, báo cáo tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn TP; tham mưu, báo cáo kịp thời cho UBND TP chỉ đạo các biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn đạt hiệu quả.

Giao Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu nước sinh hoạt...

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.