| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 17/09/2016 , 08:25 (GMT+7)

08:25 - 17/09/2016

'Cơ chế mềm', 'chặt nhỏ', 'ân huệ tùy tiện' và BOT của ai?

Người dân chúng tôi chỉ muốn được trả đúng với giá tiền mà mình phải trả, những con đường làm đúng với giá trị thực của nó, không bị ăn gian, khai vống … và không tồn tại những “cơ chế mềm”, “chặt nhỏ”, “ân huệ tùy tiện” hay khuyến khích “ngầm”, phải không các bạn?

(Minh họa: Ngọc Diệp)(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nếu một trong những vấn đề bức xúc nhất trong đời sống kinh tế hiện nay là thuế và phí thì mức thu tại các trạm BOT là vấn đề bức xúc nhất trong các vấn đề bức xúc. Đã có nhiều, rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Tại Hội thảo những vấn đề của Dự án BOT đường bộ tổ chức vào sáng 15/9, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thảng thốt kêu lên: "Không phải dự án BOT do chủ đầu tư có tiền hoặc vay tiền, xây dựng rồi đặt trạm thu phí là của họ, họ muốn làm gì thì làm hoặc xin gì thì cho".

Để làm rõ điều này, TS Kiên phân tích: "Điều đang gây tranh cãi nhất hiện nay, dự án BOT là của công hay của tư và cơ chế quản lý ra sao vì hiện chính sách quản lý BOT rất lỏng lẻo. Tôi khẳng định, dự án nằm trên đất, đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân thì Nhà nước vẫn thực hiện quyền quản lý. Nhà nước thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng, mời gọi anh vào và chỉ cho phép anh xây dựng khai thác, quản lý trong thời gian nhất định…".

Những điều vị Phó Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói đã phản ánh một nét cơ bản và cũng là câu hỏi bức xúc: “Đường của ai?”.

Câu hỏi này đã được ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính văn phòng Quốc hội cho biết, hiện phần lớn các nhà đầu tư chỉ có 11-15% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Vấn đề đặt ra là an toàn tài chính, nợ xấu xảy ra thì ngân sách Nhà nước lại phải xử lý.

Như thế là đã rõ. BOT nằm trên đất đai của Nhà nước, kinh phí xây dựng hầu hết là vay ngân hàng, nếu làm ăn thua lỗ thì lại trông vào cái túi có tên là “ngân sách nhà nước”, thực ra là tiền thuế của dân.

Thế nhưng việc quản lý, vận hành thì hết sức tùy tiện, lỏng lẻo. Ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt các vấn đề như quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí tối thiểu là 70 km, nhưng vẫn có "cơ chế mềm" để các trạm đặt quá gần nhau. Ví dụ, Quốc lộ 1 đã bị chủ đầu tư "chặt nhỏ" ra rất nhiều, có 32/88 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km.

Đối với cam kết về lợi nhuận cho nhà đầu tư thì “chẳng khác gì một dạng “ân huệ”, tùy tiện, cao thì 14-15% mà thấp thì 11-12%”.

Về cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí thiếu chặt chẽ điển hình là Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, thanh tra đã phát hiện nhà đầu tư báo cáo sai 500 triệu đồng/ngày.

Về vai trò của các bộ, TS. Nguyễn Đình Ánh cho rằng, xét trên khía cạnh lợi ích, ông “cảm giác” rằng Bộ KH-ĐT thì cần nhà đầu tư, huy động vốn. Bộ GTVT cần công trình, càng nhiều đường cao tốc càng tốt. Họ không có trách nhiệm gì trong việc kiểm soát nhà đầu tư, thậm chí còn khuyến khích công khai và cả ngầm để nhà đầu tư tham gia. Còn mục tiêu của nhà đầu tư BOT là tìm kiếm lợi nhuận, từ khi đầu tư đến vận hành và chuyển giao lại cho nhà nước.

Than ôi! Thế thì làm gì phí không cao, làm gì không phải è cổ ra mà gánh…

Một điều đáng lo ngại là hiện nay, giá xăng dầu đang ở mức thấp, chỉ khoảng 14 – 16 ngàn/lít xăng. Nếu như giá xăng dầu tăng trở lại mức của thời kỳ cao điểm 24 – 25 ngàn đồng/lít thì khi đó, nền kinh tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Làm được đồng nào không khéo đổ vào nuôi xăng dầu, thuế phí hêt.

Nhớ lại cách đây ít lâu, ông Đinh La Thăng khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong một bài trả lời phỏng vấn báo Dân trí đã nói: “Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”.

Xin thưa luôn, người dân chúng tôi không bao giờ muốn điều đó và cũng hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai, song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.

Người dân chúng tôi chỉ muốn được trả đúng với giá tiền mà mình phải trả, những con đường làm đúng với giá trị thực của nó, không bị ăn gian, khai vống … và không tồn tại những “cơ chế mềm”, “chặt nhỏ”, “ân huệ tùy tiện” hay khuyến khích “ngầm”, phải không các bạn?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm