| Hotline: 0983.970.780

Có thể làm giàu với gió Lào và cát trắng

Thứ Sáu 06/08/2010 , 09:00 (GMT+7)

Quảng Trị là một tỉnh mạnh về nông nghiệp và tiềm năng công nghiệp, thương mại...cũng rất lớn. Do đó phải biết kết hợp các lĩnh vực lại với nhau để tạo ra kết quả tốt nhất trong chuỗi phát triển liên mạch của nền kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Ông Hồ Đại Nam (bên phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khi Bộ trưởng về thăm trang trại vỗ béo bò của Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị.
Từ TGĐ Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị, ông Hồ Đại Nam vừa được điều sang làm Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị. Với cách nhìn của một doanh nhân- phát triển nông nghiệp cần kết hợp nông- công- thương một cách bền vững để gia tăng giá trị nông sản, ông Nam đã trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.

 Ông là người đi đầu nhập bò thịt Thái Lan vào Quảng Trị nuôi vỗ béo vừa gia tăng lợi nhuận vừa kiểm soát được dịch bệnh. Ở vị trí mới, ông vẫn tiếp tục chương trình lai tạo và phát triển đàn bò giống cho nông dân chứ?

 Dù tôi chuyển sang cương vị mới nhưng vẫn tiếp nối công việc cũ mà mình đang làm trước đó. Chính xác là chương trình lai tạo và phát triển đàn bò đang rất tốt đẹp, mang đến nhiều hy vọng đổi đời cho nông dân Quảng Trị. Việc đưa hai giống bò Braman và Chrolaise của Thái Lan về nuôi tại Quảng Trị thực hiện từ thời tôi đang ở bên Cty thương mại. Đến nay nuôi thí điểm hai loại bò trên đã cho kết quả tốt. Chúng tôi chuẩn bị đưa bò vào chăn nuôi mô hình mẫu trên diện tích từ 10 đến 20 ha. Vị trí được xác định chăn nuôi bò tập trung nằm tại huyện Đakrông. Từ mô hình mẫu này sẽ phát triển rộng ra nhiều huyện, làm sao để tăng số lượng đàn bò lai giống Thái Lan trên lên 10.000 con (đàn bò hiện có trong dân ở Quảng Trị 70.000 con, trong đó có 25% bò lại Sind).

Ông nhiều lần vẫn nói, nếu có cơ chế thì Quảng Trị có thể vừa NK vừa lai tạo đàn bò thịt, đủ sức cung cấp thịt bò cho cả TPHCM lẫn Hà Nội. Đến nay ông vẫn giữ quan điểm này chứ?

Hiện bò giết mổ ở các TP lớn đều vận chuyển từ Quảng Trị đi đấy chứ. Bò nuôi tại chỗ ở Hà Nội, TPHCM được bao nhiêu đâu.

Quảng Trị nằm tiếp giáp Lào, Lào giáp Thái Lan nên bò thịt đưa từ Thái Lan qua Lào vào Quảng Trị rất thuận lợi. Bò thịt của họ to cao, sản lượng thịt xẻ rất cao chúng ta chỉ cần nhập về nuôi vỗ béo. Quảng Trị rất dồi dào đất đai để trồng cỏ, hiện ở một số huyện đã có các đồng cỏ mọc tự phát đủ sức cung cấp nguồn thức ăn cho đàn bò. Vừa qua tôi ra Hà Nội mời các chuyên gia Isarel vào tư vấn giúp tỉnh quy hoạch và thâm canh trồng cỏ. Nếu làm được điều này tương lai phát triển đàn bò thịt ở Quảng Trị là rất lớn.

Là GĐ DN nay sang ngồi ghế quản lý Nhà nước. Ông có thể vận dụng tư duy của một doanh nhân để nâng cao giá trị SXNN hàng hoá cho bà con nông dân trong tỉnh?

Công việc cũ và mới của tôi chẳng qua là sự nối tiếp nhau mà thôi. Cùng với tăng số lượng đàn bò, chúng tôi bắt đầu liên doanh với NM đồ hộp ở Long An để xây dựng NM chế biến và đóng hộp thịt bò tại Lao Bảo, huyện Hướng Hoá. NM này sẽ được vận hành trên dây chuyền công nghệ tiến tiến của châu Âu để làm cho sản phẩm nông nghiệp từ chăn nuôi không những tiêu thụ tốt ở trong nước, mà còn xuất ngược sang thị trường Lào và Thái Lan. Có như vậy giá trị hàng nông sản mới không ngừng được tăng cao.

Quảng Trị là một tỉnh mạnh về nông nghiệp và tiềm năng công nghiệp, thương mại... cũng rất lớn. Do đó phải biết kết hợp các lĩnh vực lại với nhau để tạo ra kết quả tốt nhất trong chuỗi phát triển liên mạch của nền kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Người miền Trung vốn rất sợ 2 loại "đặc sản" của khu vực có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam này- đó là cát và gió Lào. Nhưng ông lại coi đây là những tài nguyên? Ông có thể nói rõ hơn?

Quảng Trị có trữ lượng cát rất tốt, nhất là ở huyện Hải Lăng. Hàm lượng Silic trên 99%. Chúng tôi đã nghiên cứu và sẽ xây dựng ở đây NMSX đá Granit nhân tạo. Hiện giá xuất khẩu mỗi mét vuông đá Granit nhân tạo từ 7 đến 8 triệu đồng, rất cao. Hoặc phải tìm cách để tăng giá trị sản phẩm từ tài nguyên cũ. Ví như đá vôi ở Quảng Trị không chỉ để dùng riêng cho sản xuất xi-măng. Mà từ đá vôi có thể làm ra các sản phẩm khác có giá trí cao hơn nhiều, một số địa phương khác đã làm việc này.

Ông không thích bán cát, bán tài nguyên như một số nơi khác đang làm? Như thế thu lợi nhuận nhanh hơn?

 Tôi xin nói với anh rằng tôi không bao giờ có ý định tư vấn cho lãnh đạo tỉnh bán tài nguyên, mà phải có kế hoạch dài hạn, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, có lợi cho con cháu sau này. Xuất khẩu tài nguyên là lợi bất cập hại, chỉ được cái trước mắt. Mà trước hết phải làm ra sản phẩm tại chỗ từ tài nguyên để giải quyết việc làm cho lao động đang dư dôi ở nông thôn.

 Sau cát trắng là “gió Lào”, ông đã có ý tưởng gì "tiêu thụ" nguồn tài nguyên “trời cho” này?

 Anh hỏi câu này hay đấy! Tôi đã tìm đến xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá, nơi được ví là “cửa” gió Lào ở Quảng Trị. Tại đây lưu lượng gió đo được ở độ cao 60m là 8m/s, rất mạnh. Tiềm năng để phát triển điện gió ở Hướng Linh lên có công suất đến 200 MW. Làm được điện gió vừa thân thiện với môi trường vừa tạo ra một điểm du lịch rất lý thú giữa vùng cao Hướng Hoá.

Riêng điện gió tuy đầu tư hơi lớn, nhưng khi hoàn thành đưa vào sử dụng mỗi năm sẽ nộp vào ngân sách tỉnh đến 200 tỷ đồng. Cùng với điện gió ở Hướng Linh, sẽ xây dựng NM nhiệt điện ở ven biển Mỹ Thuỷ, huyện Hải Lăng có công suất 2.400 MW. Đúng là nếu biết gắn kết nhiều nguồn lực, tiềm năng và nhận được sự đồng tâm, hợp lực của nhiều người thì vấn đề tăng ngân sách hàng năm cho tỉnh từ ngành Công thương là không nhỏ chút nào.

 Còn chuyện nhiều dự án thuỷ điện dày đặc trên sông Đakrông nhưng có công suất rất nhỏ, hiện vẫn chưa được khởi công, quan điểm ông thế nào?

 Phát triển thuỷ điện thì phải chú ý ưu tiên phục vụ nông nghiệp, chứ không chỉ làm được điện là xong, còn lại sông suối cạn trơ đáy lấy nước đâu tưới lúa, điều hoà môi trường. Không nên phát triển nhiều thuỷ điện chỉ có công suất vài MW. Bây giờ chúng ta phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề phát triển bền vững, thậm chí coi đây là nguyên tắc trong thu hút đầu tư và triển khai các dự án. Nếu không sau này bao nhiêu lợi nhuận thu được dốc ra xử lý ô nhiễm môi trường hết. Quảng Trị chưa phải là tỉnh có nhiều NM công nghiệp, nói cách khác chúng tôi đón các nhà đầu tư đến sau nên có thể rút ra nhiều bài học từ các tỉnh khác.

Vấn đề thuỷ điện nhỏ, thuỷ điện tranh chấp với rừng đang xảy ra không chỉ ở Quảng Trị mà nhiều tỉnh miền Trung khác cũng vấp phải. Xử lý nó đòi hỏi một tầm nhìn xa và rộng.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm