| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 17/10/2013 , 08:32 (GMT+7)

08:32 - 17/10/2013

Cơn bão Nari và Dương Chí Dũng

Cơn bão Nari chỉ tàn phá trong một ngày. Nhưng những “cơn bão tiền của Nhà nước” do những kẻ như Dương Chí Dũng ném qua cửa sổ thì sẽ còn tàn phá nền kinh tế đất nước triền miên.

Cơn bão Nari tràn vào các tỉnh miền Trung với sức tàn phá khủng khiếp, cướp đi không chỉ hàng trăm tỷ đồng mồ hôi, công sức mà còn cả sinh mạng con người.


Miền Trung tan hoang sau bão Nari

Đó thực sự là một đại họa của đất nước, khiến cho trái tim của cả nước nhói đau. Nhưng ngay trong lúc cơn bão vẫn đang hoành hành, thì trái tim của cả nước còn phải chịu một cơn bão khác, cơn bão phẫn nộ, khi một phần của bản kết luận điều tra về vụ án Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, được cơ quan công an công bố. Đó là việc mua chiếc “ụ nổi đồng nát”.

Có đến 3 ụ nổi (tàu biển) được các công ty nước ngoài chào bán là ụ nổi 220 (đóng năm 1969 tại Thụy Điển); ụ nổi 194M (đóng năm 1988 tại Nam Tư) và ụ nổi 83M (đóng năm 1965 tại Nhật), nhưng “ngài” chủ tịch HĐQT một Tổng công ty khổng lồ của nhà nước Dương Chí Dũng nhất định bỏ qua 2 ụ nổi có tuổi đời trẻ hơn để chọn mua chiếc 83M, có tuổi đời già nhất (tính đến năm 2008 đã là 43 năm, trong khi theo quy định của Nhà nước thì tàu biển được nhập khẩu phải là tàu không quá 15 tuổi tính từ ngày đóng), đã hư hỏng hoàn toàn, bốc mùi thối khắm, đã bị đăng kiểm Nga bắt ngừng hoạt động từ năm 2006, nghĩa là một đống sắt vụn hoàn toàn.

Đã cử hẳn một đoàn cán bộ hùng hậu, có cả đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm Việt Nam đi cùng, sang tận công ty Nakhodka (Nga) là chủ sở hữu của cái ụ nổi đồng nát 83M, nhưng lại không thèm làm việc với chủ sở hữu, mà nhất định chỉ làm việc với AP, là công ty “cò” trong thương vụ bán ụ nổi 83 M.

Và mặc dù giá ụ nổi 83M được chủ sở hữu ra giá dưới 5 triệu USD, nhưng họ Dương vẫn không thèm mua của chính chủ mà quyết mua của “cò” AP với giá 9 triệu USD, cộng cả công rước về, công sửa chữa tại Việt Nam, lúc đầu là 14,136 triệu USD rồi sau lại “hào phóng” tặng thêm cho nước ngoài hơn 5 triệu USD nữa, thành 19,5 triệu USD, nhưng ụ nổi vẫn không thể sử dụng được, mà còn ngốn thêm hàng triệu USD tiền thuê cảng neo đậu, tiền trả lãi ngân hàng nữa, đó là chưa tính đến tác hại về môi trường do bị nó gây ô nhiễm.

Kết luận điều tra cho biết: Cho đến nay, trong tổng số 525 tỷ VND của Nhà nước mà Dương Chí Dũng bỏ ra để rước cái đống đồng nát khổng lồ kia về, thì Nhà nước mất 370 tỷ, tức là trên 75%. Và Nhà nước sẽ còn mất nữa, bởi ngoài việc phá ra bán sắt vụn, thì không còn cách nào khác để xử lý cái ụ nổi này. Mà nếu phá ra bán sắt vụn, chắc chắn chẳng ai mua với giá 10 tỷ VND.

Một người dân bình thường nhất, mỗi khi mua bất cứ thứ đồ dùng nào, cũng tìm mọi cách gặp chính chủ để mua chứ không ai muốn mua qua “cò”. Tại sao Dương Chí Dũng lại làm ngược lại? Lời đáp trong KLĐT khiến dư luận kinh hoàng: Do biếu không cho công ty “cò” AP trên 4 triệu USD của Nhà nước, họ Dương và đồng bọn được công ty này “lại quả” 1,66 triệu USD, tức là trên 32 tỷ VND.

Trong tổng số trên 32 tỷ đó, Dương Chí Dũng bỏ túi 10 tỷ, Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Vinalines bỏ túi 10 tỷ. Số còn lại bọn lâu la của Dũng, Phúc chia nhau hưởng. Để có được 10 tỷ VND, Dương Chí Dũng đã thẳng tay ném đi hơn 500 tỷ của Nhà nước. Cướp được 10 tỷ đồng ấy, Dũng đã hào phóng mua ngay cho bồ nhí 2 căn hộ thuộc hàng cao cấp nhất, sang trọng nhất ở Thủ đô, 1 căn tại tầng 29 tháp B tòa nhà Skycity Láng Hạ và 1 căn tại tòa nhà Pacific Lý Thường Kiệt. Những phi tần ngày xưa được vua chúa sủng ái nhất, chắc cũng chỉ được hưởng ân huệ đến thế là cùng.

Cơn bão Nari chỉ tàn phá trong một ngày. Nhưng những “cơn bão tiền của Nhà nước” do những kẻ như Dương Chí Dũng ném qua cửa sổ thì sẽ còn tàn phá nền kinh tế đất nước triền miên. Vì ngoài Dương Chí Dũng ra, trên đất nước này còn bao nhiêu Dương Chí Dũng nữa chưa bị lộ?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm