Khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý ở TP Yên Bái. (Ảnh: Giang Huy/VnExpress) |
Mấy tháng trước, trước sự xôn xao của dư luận về tòa “biệt phủ” của ông này, bao gồm lâu đài, nhà sàn, nhà thờ, vườn hoa, cầu treo, ao cá...Trên diện tích đất hơn 13.000 m2, nằm tại một vị trí đắc địa trên thành phố Yên Bái, tháng 6/2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc. Và ông cục trưởng cục chống tham nhũng thuộc TTCP đã tuyên bố như đinh đóng cột rằng cuộc thanh tra sẽ tiến hành trong 15 ngày, đầu tháng 7/2017 sẽ công bố kết luận.
Thế nhưng việc công bố kết luận cứ bị hoãn hết lần này đến lần khác, lúc đầu thì rằng lãnh đạo tỉnh Yên Bái còn bận chỉ đạo khắc phục thiên tai, rồi sau đó thì bận việc khác. Và sau 7 lần hoãn, thì mới đây, ông cục trưởng cục chống tham nhũng giở giọng cùn rằng “không biết đến bao giờ mới công bố”, khiến dư luận lại một lần nữa sôi sục.
Tòa “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý phơi bày lồ lộ ra trước mắt thiên hạ. Cuộc thanh tra chỉ giải quyết có mấy vấn đề: Việc một ngày mà có tới 6 quyết định được ký để chuyển 13.000 m2 đất rừng thành đất ở cho ông Quý có hợp pháp không? Ông Quý nói rằng ông đi buôn chít để lấy tiền xây “biệt phủ”, thì buôn bao nhiêu tấn chít, mỗi tấn lãi được bao nhiêu? Ông nói ông vay Ngân hàng 20 tỷ thì vay Ngân hàng nào? Ông có những tài sản thế chấp nào để được Ngân hàng cho vay từng ấy tiền? Tiền lương của ông được bao nhiêu để có thể trả cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng tới trên 300 triệu mỗi tháng?
Với lực lượng hùng hậu của mình, TTCP chỉ mất vài ngày là có thể làm sáng tỏ được những câu hỏi đó. Nếu tòa “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý là những tài sản hợp pháp, có được từ những nỗ lực chính đáng của ông, thì hoan hô ! Hãy vinh danh ông như một tấm gương sáng, vừa giỏi việc nước lại vừa giỏi việc nhà, để toàn dân noi theo. Còn ngược lại, thì “việc công, hãy cứ phép công mà làm”. Đã sai, thì dù người đó là ai, cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các vị lãnh đạo cao cấp của đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định không có vùng cấm trong chống tham nhũng. Hãy hành xử một cách thật công tâm, để xứng đáng là thanh tra, là thanh bảo kiếm của chế độ. Xã hội chỉ đòi hỏi có chừng đó.
Thế thì nguyên nhân gì khiến TTCP cứ phải lúng ta lúng túng, cứ phải giấu giếm bản kết luận thanh tra như vậy? Vì thế lực của ông Quý quá lớn, đến mức TTCP cũng phải kiềng? Hay vì...
Người xưa có câu “một sự thất tín, vạn sự bất tin”. Chỉ có một việc con con như vậy, mà thất tín đến 7 lần. Thử hỏi xã hội còn có lòng tin vào TTCP nữa không? Mà nói như Hoàng đế nước Pháp Napôlêông, thì “mất tiền bạc là mất nhỏ. Mất danh dự là mất lớn. Mất lòng tin là mất tất cả”.