Nhận xét của ông Chiến không phải là không có cơ sở. Suốt hàng chục năm qua, khi tuyên chiến với tham nhũng, chủ trương của Đảng và Nhà nước là không có chuyện nể nang, không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng nhìn lại thực tế mới thấy, rất hiếm khi thấy có cán bộ cấp cao bị xử lý, họa hoằn lắm mới có chuyện bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh bị kỷ luật.
Thế mà nay, lần đầu tiên có chuyện một ủy viên Bộ Chính trị dính vòng lao lý, gỡ bỏ những hoài nghi trước đây về việc liệu rằng có phải việc chống tham nhũng chỉ là hô hào khẩu hiệu mà thôi. Dưới những dòng tin “nóng”, độc giả Dân trí không ít người bình luận: “Củi to, củi ướt cũng đã cháy rồi!”.
Nhìn vào danh sách một loạt lãnh đạo ngành dầu khí qua các thời kỳ bị bắt, hỏi rằng có sao không chua xót cho được. Đó đều là những người quyền cao chức trọng. Cũng có những người có đóng góp, có công lao, nhưng bởi thiệt hại gây ra lại quá lớn và cho cùng thì ai cũng phải trả giá cho những sai lầm mình gây ra. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng.
Hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thất thoát. Khi mà đất nước còn hàng nghìn, hàng triệu người dân đang vật lộn chống chọi với bão lũ thiên tai, còn những gia đình cùng quẫn chờ trông vài thùng mì tôm cứu trợ. Khi bao nhiêu doanh nghiệp, hộ gia đình làm ăn chân chính phải bươn chải giữa thị trường hà khắc tìm kiếm lợi nhuận để nộp thuế cho nhà nước. Phẫn nộ lẫn xót xa!
Một thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện trong 10 năm (từ 2006 đến 2015) là gần 60.000 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Tự hỏi phải mất bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm những người dân lam lũ mới kiếm được chừng đó tài sản bù đắp lại?
Cho nên, nói như Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong một lần tiếp xúc cử tri gần đây, “bỏ tù mà tài sản không thu hồi được thì thắng lợi mới có một nửa”. Suốt 10 năm nói trên, số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỷ đồng và hơn 200 ha đất.
Thậm chí, có địa phương như Đắk Lắk, vừa qua tổng kết lại kết quả phòng chống tham nhũng năm 2017 mới thấy rằng, có tới 9 vụ án liên quan đến tham nhũng tại địa phương này nhưng lại không thu hồi được tài sản để khắc phục hậu quả. Đó là những con số, dữ liệu cần suy nghĩ.
Tuy nhiên, còn một nội dung quan trọng nữa là làm sao để những người khác sợ mà “không dám tham nhũng”. Công cuộc phòng chống tham nhũng trước đây là đánh từ vai xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn.
Khi một vụ việc sai phạm khi được làm đến cùng, tội đến đâu xử lý đến đó (không ngoại trừ ai, chức vụ nào, đương chức hay đã về hưu) thì bao giờ cũng thuyết phục được nhân tâm và có tính răn đe, giáo dục lớn. Để trong tương lai, dân không còn phải nghe thêm con số “trăm tỷ”, “ngàn tỷ” nào bị “nướng” vì tham nhũng nữa.