| Hotline: 0983.970.780

Dân dựng lều phản đối cấy lúa

Thứ Tư 15/04/2015 , 18:17 (GMT+7)

Trong khi những cánh đồng làng bên lúa tốt bời bời thì cả trăm mẫu ruộng trên cánh đồng làng Mão Chinh cỏ mọc um tùm, còn người dân thì dựng lều cắm chốt 24/24 để kiên quyết phản đối chuyện cấy hái. Vì sao nên nỗi?

Ngày 14/4, đình làng thôn Mão Chinh mấy trăm người ken đặc vây vòng trong, vòng ngoài để nghe Chủ tịch xã và trưởng thôn đối thoại về tình trạng bỏ ruộng hoang. Trời về trưa, nắng mỗi lúc một gay gắt nhưng cái nóng ngoài trời vẫn không bằng sức nóng đang tỏa ra hừng hực của đám đông.

Cuộc đối thoại dần đi vào thế bế tắc.


Đối thoại bế tắc khi người dân kiên quyết đòi điều tra những sai phạm trong thôn

Biết tin có nhà báo về, căn lều cắm chốt ở đầu làng chẳng mấy chốc mà chật kín. Già trẻ, gái trai - những khuôn mặt lam lũ của một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đều tề tựu. Ông Bùi Đăng Gia đại diện dân trong thôn đưa cho tôi một lá đơn.

 Đại ý lá đơn nêu năm 2010 ông Nguyễn Văn Trưởng được bầu làm Trưởng thôn, ông Bùi Minh Huấn được bầu làm Bí thư, ông Nguyễn Công Hải được bầu làm Phó bí thư. Bộ ba này khi đương nhiệm đã có nhiều hành vi trái pháp luật.

Thứ nhất là đem diện tích đất dư thừa gần UBND xã xắn ra làm 34 suất, mỗi suất 126 m2 rồi bán trong đó có 22 suất được công khai với giá 225 triệu đồng/suất còn 12 suất dân không biết cụ thể thế nào.


Dân Mão Chinh kiên quyết đòi điều tra những sai phạm trong thôn

 Chưa dừng lại ở đó năm 2014 lãnh đạo thôn lại bán tiếp hàng chục suất đất nữa liền kề với diện tích trên. Khi dân bức xúc quá đòi công khai tài chính thì trưởng thôn mới đọc oang oang trên loa rằng bán đất để làm đường, bán đất để sửa kênh mương, bán đất để xây cổng làng…

Thứ hai là khi dồn điền đổi thửa thôn không thực hiện đấu thầu máy múc để chọn ra nhà thầu rẻ nhất mà tự ý thuê máy bên ngoài vào làm với giá đắt gấp rưỡi (30.000đ/m3). Chuyện đất đai hệ trọng liên quan đến mấy trăm hộ dân trong làng mà họp thôn hôm trước hôm sau đã thuê máy đến múc ngay.

Thứ ba là trong thôn có khoảng 40 hộ sử dụng trái phép diện tích đất 03 để làm đất ở, để xây nhà cấp bốn. Hiện trạng kéo dài đã 8 năm nay nhưng chính quyền không có hành động ngăn chặn.

Cuối cùng là diện tích ao hồ trong thôn không được đấu thầu theo thời hạn mà lại bán chui vĩnh viễn cho một số hộ khiến nhiều gia đình khác có nhu cầu cũng không có cơ hội. 

Việc của thôn không thể có cơ quan đoàn thể nào giải quyết thay được mà phải chính người dân trong thôn xắn tay vào, phải có trưởng thôn là đại diện để chỉ đạo. Hơn thế quy định về dồn điền đổi thửa trưởng thôn là trưởng tiểu ban không có không được. Cán bộ nào phong trào ấy. Chính vì thế mà mớ bòng bong ở Mão Chinh không biết bao giờ mới có cơ gỡ được.

 

Là một làng thuần nông nhưng đã mấy tháng nay ruộng đồng của Mão Chinh bị bỏ hoang, nhà nhà, người người lâm vào cảnh thất nghiệp chỉ một hai đi khiếu nại.

Tôi gặp ngay ông Vũ Đình Huấn - Chủ tịch UBND xã Dương Quang nhễ nhại mồ hôi, bơ phờ mặt mũi sau cuộc họp với dân để hỏi chuyện nguồn cơn.

Bằng vẻ mặt mệt mỏi, ông Huấn kể: Lúc đầu dân Mão Chinh đồng ý hết phương án đồn diền đổi thửa nhưng sau khi lên kế hoạch chia ruộng là một thửa một hộ thì lại phản đối.

Ruộng làng có chỗ trũng chỗ cao, xấu tốt nên người dân sợ nếu gắp phiếu phải một mảnh xấu thì khó sản xuất nên yêu cầu phải chia mỗi hộ 2-3 mảnh cho công bằng. Nhưng nếu chia thế lại trái với Chỉ thị 21 về dồn điền đổi thửa.

Đã thế trong thôn có mấy chục hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trước (hộ có quyết định, hộ chưa có quyết định) nên rất sợ xáo động, mất quyền lợi khi dồn điền đổi thửa.

Mão Chinh có 253 mẫu ruộng, phần đa là bỏ không (chưa có con số thống kê cụ thể nào nhưng số ruộng hoang ít nhất cũng phải 150-200 mẫu). Trước tình trạng đó, xã, huyện, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc vận động, họp dân, họp các ban ngành đoàn thể đề nghị có vướng mắc sẽ giải quyết từng bước, bà con cứ tổ chức gieo cấy cho kịp thời vụ.

Đến tháng hai, dân lấy lý do là muộn nên không cấy. Không cấy được thì xã hỗ trợ các phương tiện máy móc, dẫn nước vào nội đồng rồi vận động dân ngâm thóc để gieo vãi nhưng không thành.

Xã vận động diện tích mỗi hộ trước đây thế nào cứ giữ nguyên mà cấy dân cũng chẳng chịu.

Đến nước cùng, địa phương phải mua gấp 1,5 tấn thóc giống đem ngâm rồi huy động toàn bộ các ban ngành đoàn thể Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh... cùng các cán bộ được khoảng hơn 100 người ra gieo nhưng dân ùa đến ngăn cản.

 Đợt thứ hai huyện, xã với khoảng 200 người tổ chức thành 10 mũi có công an, quân sự bảo vệ vì rút kinh nghiệm đợt trước đi một mũi dân ra cản dễ dàng, mười mũi sẽ khó mà cản nổi.

Lần này, dân kéo ra đông còn hơn cả khi trước. Họ giằng co, họ đổ mạ. Cán bộ nào nhanh tay, nhanh mắt gieo được một ít thì nông dân dẫm vùi bằng hết. Trong thôn xôn xao tin đồn nếu cố tình gieo, thân nhân chết không ai đến đưa ma, con cái cưới không ai đến ăn cỗ.

Ông Chủ tịch bảo với tôi rằng sự cố đó xét cho cùng tiểu ban dồn điền đổi thửa của thôn có lỗi vì chưa bàn bạc kỹ với dân, xã có lỗi vì không sâu sát dân mà chỉ tin tưởng vào tiểu ban bên dưới.


Lều canh của người dân Mão Chinh

Về các nội dung dân thắc mắc như hạ thấp độ cao mặt ruộng, ông bảo do tiểu ban giám sát không chặt nên có ba, bốn sào bị hạ quá thấp nhưng không phải để chở đất đi bán như dân tố mà mấy chục ngàn đồng mỗi chuyến công nông là tiền công chuyên chở.

Về làm thủy lợi do không có tiền thôn phải khất chịu trong 3 năm nên giá cả tất nhiên phải cao hơn những nơi khác làm kiểu “tiền tươi, thóc thật”.

Về chuyện bán đất trái phép, tài chính không công khai thì ông bảo trước đây Chi bộ thôn ra nghị quyết tận dụng những thùng vũng, ao chuôm ngoài đồng để đấu thầu. Tôi thắc mắc: “Chẳng ai đấu thầu một thửa đất 126 m2 với giá 225 triệu đồng”. Ông Chủ tịch xã đành thú thật: “Trước mắt đấu thầu để nay mai hợp lý hóa”.

"Tại sao Trưởng thôn và Chi bộ lại có quyền bán đất?". Tôi hỏi tiếp. Ông bảo rằng: "Nghị quyết thế là sai nên chúng tôi đã đình chỉ cả Trưởng thôn lẫn Bí thư chi bộ. Hiện huyện thành lập đoàn thanh tra dự án chuyển đổi còn xã thành lập đoàn kiểm tra về nghị quyết của Chi bộ thôn".

Trở lại cuộc đối thoại buổi sáng 14/4, theo ông Huấn có hai nội dung chính là tài chính công khai và giới thiệu nhân sự bầu trưởng thôn mới.

Phần tài chính công khai, trưởng thôn cũ phải kê từng đồng, từng hào chi tiêu trước toàn dân phần nào tạm thời xoa dịu đi sự phẫn nộ. Phần giới thiệu nhân sự bầu trưởng thôn mới thất bại hoàn toàn vì dân yêu cầu phải giải quyết hết tất cả những tồn tại cũ rồi mới cho bầu.

Xem thêm
110 tàu vươn khơi ‘săn’ cá ngừ xuyên Tết

Năm nay, tỉnh Khánh Hòa dự kiến có 110 tàu cá vươn khơi ‘săn’ cá ngừ xuyên Tết tại ngư trường Trường Sa và các nhà giàn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội cần lắp đặt hơn 40.000 camera giám sát giao thông

Theo UBND thành phố Hà Nội, UBND các cấp đã triển khai 20.405 camera giám sát. Hiện nay Hà Nội cần hơn 40.000 camera giám sát giao thông.

‘Giữ lửa’ làng nghề làm hương truyền thống

Là thế hệ kế cận, tiếp nối nghề làm hương của gia đình, nghệ nhân trẻ Nguyễn Thu Phương luôn trăn trở với những hướng đi mới để phát triển nghề truyền thống.