| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum bất ngờ thu hút đầu tư 11 dự án thủy điện

Thứ Hai 31/03/2025 , 14:33 (GMT+7)

Kon Tum Dù các công trình thủy điện để nhiều hệ lụy về môi trường và cuộc sống của người dân nhưng UBND tỉnh Kon Tum vẫn quyết định thu hút đầu tư thêm 11 dự án.

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành quyết định bổ sung danh mục thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có 11 dự án thuỷ điện được kêu gọi thu hút đầu tư nằm trên địa bàn 5 huyện của tỉnh Kon Tum với công từ 3MW đến 17MW.

Kon Tum là nơi có nhiều dự án thủy điện nhất Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.

Kon Tum là nơi có nhiều dự án thủy điện nhất Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ thể, dự án thuỷ điện Thượng Đăk Psi 1 có công suất 7,2 MW, tổng mức đầu tư 273 tỷ đồng, được xây dựng tại huyện Tu Mơ Rông. Huyện Kon Plông có dự án thuỷ điện Nước Trê công suất 17MW, vốn đầu tư 705 tỷ đồng. Tại huyện Kon Rẫy có 3 dự án thuỷ điện gồm: Dự án thủy điện Tân Lập công suất 5,2 MW, vốn đầu tư 189 tỷ đồng; thuỷ điện Đăk Toa công suất 5 MW, vốn đầu tư 126 tỷ đồng; thuỷ điện Đăk Pô Nê 4 công suất 6MW, vốn đầu tư 238 tỷ đồng.

Tại huyện Ia H’Drai có 3 dự án thuỷ điện nằm trong danh mục thu hút đầu tư gồm: Thuỷ điện Sa Thầy 1 công suất 9,5 MW, vốn đầu tư 311 tỷ đồng; thuỷ điện Sa Thầy 2 công suất 11,2 MW, vốn đầu tư 366 tỷ đồng; thuỷ điện Sa Thầy 3 công suất 10,5 MW, vốn đầu tư 360 tỷ đồng.

Còn tại huyện Đăk Glei cũng có 3 dự án gồm: Thuỷ điện Đăk Glei công suất 10,6 MW, vốn đầu tư 360 tỷ đồng; thuỷ điện Đăk Ruồi 3 công suất 3 MW, vốn đầu tư 108 tỷ đồng; thuỷ điện Đăk Ruồi 2 công suất 14 MW, vốn đầu tư 518 tỷ đồng.

UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Tài Chính phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn có hiệu quả. Ngoài ra, Sở Tài Chính phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng phụ biểu mô tả dự án thu hút đầu tư để phục vụ công tác quảng bá và xúc tiến đầu tư.

Thủy điện tích nước khiến phía hạ dụ khô cạn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

Thủy điện tích nước khiến phía hạ dụ khô cạn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam (giờ là Báo Nông nghiệp và Môi trường) đã đưa tin, Kon Tum “oằn mình” gánh hàng loạt thủy điện. Cụ thể, toàn tỉnh có 81 dự án thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy trên 870MW. Trong đó, 28 dự án đã hoàn thành đóng điện với tổng công suất trên 329 MW.

Như vậy, Kon Tum được xem là nơi có dự án thủy điện nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Mạng lưới thủy điện dày đặc tập trung nhiều tại các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Rẫy... đã ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường sống của người dân khu vực nơi đây.

Đặc biệt, trong những năm qua, Kon Tum xảy ra rất nhiều các trận động đất mà theo các nhà khoa học nguyên nhân chính là do các thủy điện thực hiện tích nước.

Mới đây, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có nhắc đến việc phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa ở tỉnh Kon Tum. Theo đó, Kon Tum phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa quan tâm đến việc ảnh hưởng môi trường và đất rừng.

Mặc dù năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch. Tuy nhiên đến năm 2020, Kon Tum vẫn có 26 thủy điện được bổ sung quy hoạch.

Trước tình hình trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cần rà soát, điều chỉnh, loại bỏ bớt các dự án quy mô nhỏ và vừa, tránh nguy cơ xảy ra lũ lụt do thủy điện chiếm đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất tài nguyên rừng.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Brazil Lula da Silva

Ngày 28/3, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Brazil Lula da Silva đang thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 27-29/3.