| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực đưa nước sạch vào đồng:

Đất nông nghiệp 'khát' nước sạch

Thứ Ba 13/12/2016 , 08:05 (GMT+7)

Trước thực trạng đáng báo động về chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đang đau đầu nghĩ cách nào để đưa nước sạch vào nội đồng.

14-03-01_nuoc-sch-nong-nghiep-1
Nước sạch – yếu tố quyết định để sản xuất nông sản hữu cơ tại khu nông nghiệp công nghệ cao của Cty An Phú Hưng (Hà Nam)
 

Muốn có lúa gạo, rau màu, trái cây... an toàn, ngoài việc đất đai không nhiễm kim loại nặng, không tồn dư hóa chất độc hại, không sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi... thì nguồn nước tưới cho cây trồng cũng phải là nước sạch sẽ, an toàn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay "nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm", nước sạch cho người và gia súc còn khó kiếm thì lấy đâu ra nước đảm bảo tiêu chuẩn để tưới cho cây trồng?

Trước thực trạng đáng báo động về chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đang đau đầu nghĩ cách nào để đưa nước sạch vào nội đồng.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, một trong những định hướng chính của Chính phủ trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp là xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn; khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, phải giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do việc khai thác quá mức và méo mó các nguồn lực cho sản xuất nông, lâm và thủy sản.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN- PTNT), tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSH sẽ làm thay đổi nhu cầu dùng nước, tiêu thoát nước và môi trường. Hiện chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi ở ĐBSH đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Nguyên nhân do các con sông nội đồng như sông Nhuệ, sông Ngũ Huyện Khê, sông trục Bắc Hưng Hải, sông Rế... cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp đang bị ô nhiễm nặng nề, không đủ tiêu chuẩn cấp nước cho nông nghiệp.

Ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định cho biết: Toàn tỉnh có hàng chục ngàn ha đất canh tác nông nghiệp bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường nước mà nguyên nhân chính là sự phát triển nóng của các làng nghề và khu công nghiệp (KCN).

Điển hình như làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực). Mặc dù đời sống của người dân rất sung túc, nhưng nước tại các hệ thống kênh mương chảy qua làng nghề này đen kịt. Những dòng sông cạnh đó cũng cùng chung số phận.

Hậu quả là hàng chục ha đất canh tác nông nghiệp bị tưới bằng nước mất vệ sinh. Những diện tích lúa trước đây sản xuất 3 vụ, nay bị bỏ hoang vì cây lúa không thể phát triển. Mặt khác, khi nông dân lội ruộng và tiếp xúc với nước nhiễm hóa chất đã ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều người dân mắc bệnh ngoài da, hô hấp, thậm chí là bệnh ung thư.

Trước đây, địa phương đã triển khai thí điểm một số mô hình xử lý nước thải đáp ứng các quy chuẩn quốc gia về môi trường. Mô hình có công suất xử lý 10 m3 nước thải/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho 3 hộ gia đình làng nghề. Tuy nhiên nó vẫn chưa đủ để trở thành một phương án bền vững và lâu dài để giải quyết ô nhiễm môi trường từ tái chế nhôm.

Theo ông Đỗ Hải Điền, UBND tỉnh đang có dự án đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý, dẫn nước thải từ các xưởng tái chế nhôm của làng nghề, tách bạch với hệ thống kênh mương cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại đại phương. Dự kiến, kinh phí thực hiện lên tới hàng chục tỷ đồng.

 

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Trồng bưởi đạt chuẩn GlobalGAP, ong mật dập dìu về làm tổ

BÌNH PHƯỚC Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, những vườn bưởi của HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp thu hút rất nhiều ong mật về làm tổ.