| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 10/08/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 10/08/2015

Đừng quên, 70 năm trước…

Ở Việt Nam ta, tròn 70 năm trước cũng xảy ra một sự kiện mà hậu quả nó để lại còn hơn hai trái bom nguyên tử ném xuống Nhật. Cũng năm 1945, hai triệu người dân Việt Nam đã chết đói.

Mấy ngày nay, tràn ngập trên các báo là tin người Nhật tưởng niệm 200.000 nạn nhân chết vì hai trái bom nguyên tử do người Mỹ ném xuống Hirosima và Nagasaki tròn 70 năm về trước (1945-2015).

Mấy ngày qua, đã có hàng trăm ngàn người trên khắp nước Nhật tìm đến Hirosima để im lặng cúi đầu trước “Công viên Hòa Bình”, một công trình hoành tráng, sang trọng được dựng lên để tưởng nhớ các nạn nhân trên.

Ở Việt Nam ta, tròn 70 năm trước cũng xảy ra một sự kiện mà hậu quả nó để lại còn hơn hai trái bom nguyên tử. Cũng năm 1945, hai triệu người dân Việt Nam đã chết đói.

Cái đói cũng khủng khiếp như bất kỳ một loại bom đạn nào, và hậu quả cuối cùng của nó cũng là tước đi mạng sống của con người. Không mạng sống nào quý hơn mạng sống nào.

Huống chi cái đói còn cướp đi số mạng sống nhiều gấp 10 lần số mạng sống bị hai trái bom nguyên tử cướp đi.

Sau chiến tranh, người Nhật đã xây dựng “Công viên Hòa Bình” để hàng năm, người dân trên cả nước Nhật và bạn bè quốc tế đến thắp hương tưởng niệm các nạn nhân. Còn ở Việt Nam?

Năm 1951, tức là 6 năm sau ngày xẩy ra nạn đói khủng khiếp đó, đồng bào Hà Nội mới thu dọn, quy tập xương cốt của những đồng bào khắp nơi đã chết đói trên địa bàn Thủ đô vào một địa chỉ mà ngày nay là ngách B6, ngõ 559, đường Kim Ngưu, nay thuộc quận Hoàng Mai, với một hàng chữ đắp nổi “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945”.

Nhưng rồi nơi đây bị những hộ dân xung quanh lấn chiếm, đến mức ngày nay công trình đó chỉ còn mấy mét vuông, nằm trong một cái ngách sâu hun hút, hai chiếc xe máy đi ngược chiều cũng khó tránh nhau.

Các nhà báo muốn chụp ảnh khu tưởng niệm không sao tìm được góc chụp. Nó hẻo lánh đến mức chẳng mấy người dân Hà Nội biết đến nó.

Đến nỗi có nhà sử học phải gạt nước mắt, thống thiết kêu lên: “Không lẽ chúng ta chấp nhận cơn sốt đất đai, công cuộc đô thị hóa Hà Nội và sự thờ ơ của chính chúng ta, hủy hoại chứng tích cuối cùng của một sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.

Kỷ niệm Cách mạng tháng 8, chúng ta hãy dành một nơi xứng đáng để tưởng nhớ đồng bào chết đói năm Ất Dậu, để không ai bị lãng quên. Đó cũng là cách chúng ta đối xử công bằng với một quá khứ đau thương, và những thế hệ sau không trách chúng ta vô ơn bạc nghĩa”.

Nhà sử học đã nói đúng.

Hà Nội không thiếu đất. Nhưng trong khi không ít công trình như Bảo tàng Hà Nội, xây dựng trên một khu đất rộng hàng ha, nhưng 5 năm rồi vẫn rất ít khách vãng lai, bởi những gì bày trong đó rất nghèo nàn.

Và trong khi Bảo tàng quốc gia đang được dự kiến xây dựng với kinh phí lên đến trên chục ngàn tỷ đồng, đang gây ồn ào dư luận; rồi tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc cũng dự trù kinh phí trên ngàn tỷ... thì tại sao không dành ra nổi một khu đất rộng rãi hơn, đàng hoàng hơn để xây dựng một khu tưởng niệm những đồng bào đã chết đói năm 1945.

Chỉ như vậy thì người dân Thủ đô và cả nước, cùng bạn bè quốc tế, mỗi khi đến Thủ đô, mới có điều kiện đến đó để thắp một nén nhang tưởng niệm.

Thịt da ai cũng là người.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm