| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 15/07/2014 , 08:52 (GMT+7)

08:52 - 15/07/2014

Đường lún vì lòng người không phẳng!

Mấy năm nay, “Bài ca lún mặt đường” liên tục được cất lên từ những con đường mới làm hay mới được nâng cấp.

Chỉ cần điểm lại một vài vụ, đã thấy mức độ khủng khiếp đến thế nào: Con đường được báo chí gọi là “Đắt nhất hành tinh” là cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, giá thành mỗi km lên đến 250 tỷ đồng (ở Trung Quốc, giá thành mỗi km đường cùng loại chỉ khoảng 70 tỷ đồng còn ở châu Âu chỉ khoảng 30-40 tỷ đồng), được đưa vào khai thác từ tháng 2/2010, cho phép các loại xe được lưu thông với tốc độ 100 km/giờ, nhưng chỉ sau 2 tháng, mặt đường đã thành gờ, thành rãnh.

Rồi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có mức đầu tư 8.900 tỷ đồng/54 km, đưa vào khai thác từ 30/6/2012, cũng cho phép các loại xe lưu thông với tốc độ 100 km/giờ, nhưng chỉ mấy tháng sau đã nham nhở, nhiều đoạn lún, hỏng, trông như mặt ruộng mới cày.

Rồi các tuyến cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Dây; QL 1A đoạn Bến Thủy - Hà Tĩnh… cũng cùng số phận.

Mới đây nhất, ngày 9/7, đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn đầu đi kiểm tra các tuyến đường trên QL 1 đoạn Thanh Hóa - Thừa Thiên - Huế, cũng phát hiện mặt đường bộ trước cửa hầm Đèo Ngang (do TCty Sông Đà là nhà đầu tư BOT) bị hằn lún. Bộ trưởng đã phải cho ngừng thu phí giao thông từ 10/7, vì mặt đường quá xấu.

Mặt đường lún, không chỉ riêng ở nước ta mới có. Có điều ở các nước khác họ có giới hạn, họ giám sát rất chặt giới hạn này, thường giới hạn đó chỉ là 1 đến 2 cm. Còn lún đến mười lăm, mời bẩy, hai mươi cm, xe đi chạm cả gầm, lại thêm ổ trâu ổ voi nham nhở, thì chỉ ở ta mới có.

Và nếu là đường đã được làm với giá “đắt nhất hành tinh” thì lẽ ra chất lượng cũng phải tỷ lệ thuận, nghĩa là cũng phải “tốt nhất hành tinh”. Nhưng chúng ta đã làm ngược lại.

Mỗi lần đường lún, các ban, ngành của Bộ GTVT lại ồ ạt kéo đến để thanh, kiểm tra. Và lại ra những kết luận đẹp như hoa như gấm. Tất cả đều tốt, đều đúng quy trình quy phạm. Đường lún là do… đường lún.

Tình trạng trên đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có thêm một công việc mới mà chắc chắn những người đồng cấp với ông ở các nước khác không có. Đó là “xông pha” trên khắp các tuyến đường để đôn đốc, để chỉ đạo khắc phục.

Bộ trưởng biến thành một anh đốc công. Và cứ mỗi lần ông đến, là nhà thầu lại cuống cuồng nạo xới mặt đường lên để vá víu, khiến cho mặt những con đường cao tốc trông chẳng khác gì những tấm áo ăn mày, để rồi một thời gian sau mặt đường lại tiếp tục lún. Bởi vá víu mặt đường chỉ là chữa phần ngọn.

Vậy cái gốc của vấn đề là ở đâu?

Xin thưa, nó nằm ngay trong lòng dạ những người có trách nhiệm cao nhất trong việc thực hiện những dự án giao thông đó.

Đường lún vì lòng người không phẳng! Đơn giản vậy thôi. Đầu tư vào đường sá, cầu cống… của ta là đầu tư công. Tiền đầu tư lấy từ các nguồn vốn vay ODA, vốn trái phiếu Chính phủ… Đó đều là những khoản tiền khổng lồ, là những món nợ không những đời chúng ta mà cả đời con cháu chúng ta phải còng lưng trả. Đó cũng chính là những “mảnh đất màu mỡ” khiến những con đường bị lún mặt.

Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng “trảm” hết người này đến người nọ không giải quyết được vấn đề. Muốn giải quyết tận gốc, thì bất cứ đường lún chỗ nào, mời công an vào cuộc chỗ đó, bởi dấu hiệu hình sự trong những đoạn đường lún đó không phải là ít.

Phải đưa những người có trách nhiệm đó ra trước vành móng ngựa, và buộc họ phải bỏ tiền túi ra mà khắc phục. Người Trung Quốc có câu: “Chưa thấy quan tài, chưa đổ nước mắt”. Cứ thử một vài vụ xem. Cam đoan đường hết lún.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm