Công trình đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đang bị đội giá
Tốc độ đội giá khủng khiếp của các gói thầu thuộc dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, cho ta cảm giác muốn thời gian ngừng lại...
Đội giá, lại đội giá, và tiếp tục đội giá
Ngày 22/6/2010, UBND TP. Hà Nội ra Quyết định 3053 về việc phê duyệt Kế hoạch đấu thầu các gói thầu xây lắp và thiết bị thuộc Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Theo quyết định này thì giá gói thầu số 1: Tuyến đoạn trên cao là 43,013 triệu EURO, gói thầu số 2: Các ga trên cao là 20,155 triệu EURO; gói thầu số 3 Hầm và các ga ngầm 169,936 triệu EURO, gói thầu số 4: Công trình hạ tầng kĩ thuật của Đề pô là 15,195 triệu EURO; gói thầu số 5: 10 triệu EURO; gói thầu số 6: Hệ thống đường sắt 1 là 173 triệu EURO; gói thầu số 7: Hệ thống đường sắt 2 là 42,346 triệu EURO; gói thầu số 8: Hệ thống đường sắt 3 là 37 triệu EURO; gói thầu số 9: Hệ thống vé là 8,376 triệu EURO. Nguồn vốn để triển khai dự án này một phần từ ngân sách nhà nước và sẽ vay vốn ODA từ Chính phủ Pháp theo Nghị định thư tài chính giữa hai nước khoảng 653 triệu EURO. Các tổ chức tài chính tài trợ cho dự án bao gồm EIB; AFD, ADB và RPE.
Tháng 7/2013, TP Hà Nội bắt đầu điều chỉnh kế hoạch đấu thầu của các gói thầu số 3, 6, 7, 8, 9 của dự án. Cụ thể, gói thầu số 3 thành 226.246.839 EURO tăng trên 56 triệu EURO; gói thầu số 6 thành 183,091 triệu EURO tăng thêm 10 triệu EURO. Gói thầu số 7 thành 54 triệu EURO tăng thêm trên 12 triệu EURO; Gói thầu số 8 thành 50 triệu EURO tăng thêm 13 triệu EURO; Gói thấu số 9 thành 15,285 triệu EURO; tăng thêm gần 7 triệu EURO. Với kế hoạch bổ sung này, Việt Nam sẽ phải vay thêm 246 triệu EURO của các nhà tài trợ.
Năm 2014, các gói thầu số 3,6,7 lại trải qua vài đợt tăng giá nữa. Và theo cập nhật mới nhất của Báo NNVN thì đến nay gói thầu số 6 đã tăng lên thành 265 triệu EURO đội giá so với dự toán ban đầu khoảng 92 triệu EURO còn gói thầu số 3 đã lên tới 302 triệu EURO đội giá khoảng 133 triệu EURO. Đương nhiên theo từng kế hoạch bổ sung thì số vốn vay ODA cũng tăng theo tỉ lệ tương ứng của từng gói thầu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dự án bị đội giá trong đó có thể một phần là nguyên nhân khách quan nhưng trong loạt bài này Báo NNVN chỉ xin đề cập đến những lỗi chủ quan của chủ đầu tư đã khiến cho Nhà nước bị thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Chậm giao mặt bằng, nhà thầu đòi “phạt” 40 triệu USD?
Theo tìm hiểu của NNVN thì Liên danh HYUNDAI E&C - GHELLA JV trúng thầu thi công gói thầu số 3 và đã kí với Ban Quản lý Dự án Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) Hợp đồng Thầu số HPML\CP-03: Hầm và các ga ngầm, ngày 30/10/2015. Thông tin mới nhất là vào ngày 6/9/2016, Nhà thầu này đã gửi văn bản cho chủ đầu tư đính kèm Bản thảo Biên bản Ghi nhớ trong đó khẳng định nhiều mốc thời hạn Bàn giao Mặt bằng Công trường Từng phần và Giai đoạn 1 của Kế hoạch di rời các công trình ngầm nổi đã hết hạn.
Ảnh: internet
Vậy nên, phần chi phí ảnh hưởng của Kế hoạch thi công sơ bộ sẽ phải được sửa đổi cho phù hợp. Theo quan điểm chủ quan của nhà thầu trong Dự thảo Biên bản ghi nhớ thì phần “Chi phí điều chỉnh thời gian hoàn tất” sẽ được điều chỉnh với giá trị 84.600 USD/ngày nhân với thời gian 10 tháng (303 ngày) để tính toán phí tổn bổ sung do thời gian bị kéo dài hơn so với kế hoạch. Tức khoản phí bổ sung sẽ là 25,6 triệu USD.
Về chi phí bổ sung do sự trùng lặp giữa thứ tự của các Công trình và các giai đoạn di dời công trình hạ tầng kĩ thuật cũng được tạm tính 8.509 USD/ngày nhân với 438 ngày (cho 4 ga tầu) bằng 3,7 triệu USD. Ngoài ra, nhà thầu JV còn đòi thêm khoản chi phí “chậm trễ ngày bắt đầu” khoảng 180 ngày với giá 46.500 USD/ngày tương đương với 11 triệu USD. Tổng mức phí bổ sung mà nhà thầu đòi chủ đầu tư khoảng 40 triệu USD (trên 800 tỉ đồng).
Trao đổi với Báo NNVN về nội dung này, ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng Ban MRB cho biết văn bản trên chỉ thể hiện quan điểm chủ quan của nhà thầu chưa có sự thương thảo với chủ đầu tư.
“Hiện điều quan trọng nhất là bàn giải pháp để triển khai chứ chúng tôi chưa bàn đến vấn đề chi phí. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực tháo gỡ nút thắt trong GPMB", ông Minh nói. Mặc dù vậy, nhưng căn cứ theo quyền khiếu nại của nhà thầu được quy định trong Hợp đồng và sự chậm trễ thực tế trong bàn giao mặt bằng thi công thì việc Việt Nam sẽ phải mất khoản tiền lớn để “nộp phạt” cho nhà thầu là chắc chắn.
Cùng với việc nhà thầu đòi phạt hợp đồng, gói thầu số 3 sẽ tiếp tục đội giá tăng lên. Một lần nữa, điệp khúc trích thêm ngân sách + vay vốn ODA theo tỉ lệ, để bù vào tiền phạt hợp đồng sẽ lặp lại. Trong tương lai, giá gói thầu số 3 sẽ khó đứng vững ở mức 302 triệu EURO.
Nợ công đã lên tới 2,6 triệu tỉ. Tốc độ gia tăng nợ công nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng của GDP. Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14, các ĐBQH thực sự lo ngại trước hàng loạt dự án đầu tư công kém hiệu quả và yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm. Ví dụ như, dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng), dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia, tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng). Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng), dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An (tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng), dự án nhà máy Đạm Ninh Bình (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng). |