| Hotline: 0983.970.780

Đường sắt trên cao đoạn Nhổn - Ga Hà Nội:

Kỳ lạ chủ đầu tư điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng hàng trăm tỷ cho nhà thầu

Thứ Hai 14/11/2016 , 13:15 (GMT+7)

Nhà thầu tư vấn không làm tròn trách nhiệm, còn “đẩy” phần việc thiết kế kĩ thuật sang cho các nhà thầu thi công phải hoàn thiện, gây tổn thất lớn cho gói thầu. Chủ đầu tư không những không xử lý kiên quyết để nhà thầu tiếp tục nhởn nhơ, chậm trễ, thậm chí còn tạo điều kiện để nhà thầu tư vấn tăng giá gói thầu...

* Chủ đầu tư “thông cảm” với nhà thầu, điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng thêm hàng trăm tỉ đồng!
 

Tư vấn thiếu trách nhiệm

Gói thầu tư vấn thiết kế do nhà thầu Systra (Pháp) đảm nhiệm dưới hình thức hợp đồng trọn gói với chủ đầu tư trị giá 10,6 triệu EURO. Nhiệm vụ của tư vấn Systra là phải rà soát nghiên cứu khả thi và hoàn chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình; thiết kế kĩ thuật, lập dự toán và đấu thầu.

15-32-04_nh-4

Tuy nhiên, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, Systra luôn chậm tiến độ cũng như chất lượng hồ sơ không đạt yêu cầu của tư vấn. Cụ thể, chất lượng báo cáo nghiên cứu khả thi do tư vấn Systra lập có nhiều hạn chế để Sở KH-ĐT Hà Nội yêu cầu phải giải trình nhiều chi tiết không rõ.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu nhà thầu tư vấn này phải hoàn chỉnh các nội dung: Tổng mức đầu tư, bản vẽ chỉ giới đường đỏ của tuyến, nhà ga, tỉ lệ 1/500, quy hoạch tổng mặt bằng 1/500... Mặc dù Systra đã có văn bản cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu và giải trình chi tiết các vấn đề trên nhưng đến thời điểm tháng 2/2010 (chậm hơn so với tiến độ hợp đồng 6 tháng) đơn vị này vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Chưa hết, đối với nhiệm vụ thiết kế kĩ thuật, lập dự toán và tổng dự toán, Systra cũng không đảm bảo cả về tiến độ lẫn chất lượng. Tháng 3/2012, tư vấn Systra mới trình báo cáo cuối cùng về thiết kế kỹ thuật (TKKT) gói thầu số 3, tức là chậm gần 2 năm so với hiệu lực của hợp đồng trọn gói.

Tháng 11/2012, tư vấn Systra vẫn phải trình báo cáo cuối cùng chỉnh sửa về TKKT gói thầu số 3 lần nữa. Lại chậm thêm 8 tháng. Chậm là vậy nhưng chất lượng của báo cáo TKKT của nhà thầu Systra lại không đạt yêu cầu nên khi thẩm tra, đơn vị tư vấn Sener đã phải đưa ra cảnh báo về những vấn đề tồn tại trong TKKT của gói thầu số 3 để lưu ý đặc biệt và đưa các phần này như là một yêu cầu cho các nhà thầu thực hiện.

Điều này đồng nghĩa với việc phải bổ sung kinh phí để bảo đảm cho các nhà thầu thực hiện nhiệm vụ TKKT mà tư vấn Systra thực hiện còn thiếu. Tương tự, các gói 6, 7, 8, 9 cũng đều có vướng mắc với nhà thầu tư vấn này.

Có thể nói, chính sự chậm trễ cũng như chất lượng TKKT không đảm bảo yêu cầu của nhà thầu tư vấn Systra đã gây ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn bộ dự án, phải thay đổi kế hoạch đấu thầu, là một trong những nguyên nhân khiến các gói thầu bị đội giá.

Bên cạnh đó, chất lượng hồ sơ TKKT, dự toán các gói thầu không đạt gây ảnh hưởng rất lớn tới nhiệm vụ hỗ trợ đấu thầu. Dẫn tới chất lượng hồ sơ mời thầu, chấm thầu, hỗ trợ đàm phán kí kết hợp đồng của các gói thầu không đạt yêu cầu, không đúng với kế hoạch đấu thầu... gây thiệt hại kinh tế cho phía Việt Nam. UBND TP Hà Nội đã phải nhiều lần ra quyết định điều chỉnh các gói thầu số 3, 6, 7, 8, 9. Thậm chí, trong một năm phải điều chỉnh kế hoạch đầu thầu tới mấy lần.
 

Chủ đầu tư hăm hở cho tiền nhà thầu

Tháng 10/2011, báo cáo tiến độ thực hiện Hợp đồng Tư vấn thực hiện dự án, ông Hoàng Kim Ánh - Phó GĐ Ban QLDA, nhận xét: “Thiết kế kĩ thuật các gói thầu CP1, CP2, CP3 và các gói thầu thiết bị tư vấn thực hiện chủ yếu tại Pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện, đặc biệt là ở giai đoạn thẩm tra hoàn chỉnh do không có chuyên gia tư vấn trực tiếp thực hiện tại Việt Nam để trao đổi quyết đáp và hồ sơ phải chuyển về Pháp thực hiện nên mất rất nhiều thời gian”.

Vậy nhưng, bất chấp thực tế nhà thầu tư vấn Systra thiếu trách nhiệm gây tổn thất nặng nề cho Dự án, chủ đầu tư vẫn tỏ ra ưu ái bất thường đối với nhà thầu ngoại này.


 

Ngày 12/4/2013, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) trình UBND TP Hà Nội xin chủ trương điều chỉnh bổ sung hợp đồng tư vấn trọn gói thực hiện dự án với lý do thời hạn thực hiện hợp đồng đã hết, một số nhiệm vụ trong hợp đồng vẫn chưa kết thúc. Theo đó, nội dung điều chỉnh hợp đồng được đề xuất sẽ tăng lên trên 6 triệu EURO, nâng tổng giá trị hợp đồng thành hơn 17 triệu EURO.

Thẩm định đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu Systra, Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng đã bóc ra nhiều điểm bất hợp lý trong dự toán: Thời gian kéo dài hợp đồng là 50 tháng, tức là so với hợp đồng trọn gói ban đầu thời gian thực hiện tăng gấp 2 lần. Tuy nhiên việc huy động nhân sự chuyên gia về phân xưởng và đề pô lại tăng tới 16,53 lần, trưởng nhóm kinh doanh và giao thông tăng 8,62 lần, trưởng nhóm XD và kết cấu tăng 3,83 lần, chuyên gia địa kĩ thuật phần hầm tăng 6 lần, chuyên gia về đầu máy toa xe tăng 9,91 lần... Đối với lương chuyên gia, tư vấn cũng sử dụng một số mức lương khác biệt đối với hợp đồng ban đầu.

Điểm bất hợp lý lớn nhất ở đây là ngay từ đầu tư vấn Systra đã kí hợp đồng trọn gói với MRB, như vậy tức là bằng mọi giá Systra phải hoàn thành mọi nhiệm vụ đã giao ước. Trong trường hợp này, nhà thầu tư vấn Systra đã chậm trễ khi thực hiện nhiệm vụ, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng ảnh hưởng đến dự án thì phải chịu phạt hợp đồng và vẫn phải hoàn thiện toàn bộ các nhiệm vụ của hợp đồng theo quy định.

Những vi phạm này của nhà thầu, chủ đầu tư biết rõ hơn ai hết. Ngay cả việc nhà thầu tư vấn lập dự toán chi phí dựa trên cơ sở xác định khối lượng nhân sự huy động tăng lên nhiều lần nhưng chủ yếu ngồi ở Pháp làm việc, chủ đầu tư cũng biết. Nhưng chẳng hiểu vì sao, chủ đầu tư “thông cảm” thế nào với nhà thầu mà đã không phạt hợp đồng lại còn chấp thuận đề xuất điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng thêm hàng trăm tỉ đồng?

Những tưởng sự ưu ái của chủ đầu tư đối với nhà thầu ngoại như thế đã là quá quắt lắm nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Bước sang năm 2014, sau khi MRB kí thêm với Systra các phụ lục hợp đồng số 01 và 02 để gia hạn dịch vụ tư vấn cho dự án thì số tiền chi phí cho gói thầu tư vấn đã tăng lên tới 27,3 triệu EURO. Điều lạ là, MRB và Systra đã biến báo thế nào mà hợp đồng trọn gói 10,6 triệu EURO hoàn toàn biến mất giờ trở thành hai hợp đồng khác biệt trong đó có tới 20,8 triệu EURO cho hợp đồng thời gian và 6,5 triệu EURO cho hợp đồng trọn gói.

Lo ngại trước thiệt hại lớn về tài chính trong gói thầu tư vấn, ngày 25/4/2014, Bộ KH-ĐT đã yêu cầu MRB có báo cáo cụ thể tình hình thực hiện hợp đồng tư vấn với Systra, trong đó phân tích nguyên nhân gia hạn và căn cứ bổ sung chi phí dịch vụ tư vấn lên tới 27,3 triệu EURO.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.