Nếu sự cố xảy ra, Việt Nam sẽ phải chứng kiến một thảm họa ngay giữa Thủ đô Hà Nội.
Phá bom bằng hồ sơ khống?
Báo cáo kết quả kiểm tra gói thầu rà phá bom mìn với lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, ngày 29/3/2013, ông Lê Hoài Nam - Phó phòng kĩ thuật, cho biết, hồ sơ và phương án thi công rà phá bom mìn của Cty TNHH MTV Lũng Lô không thể chứng minh được những hoạt động mà công ty đã triển khai, thậm chí trong hồ sơ phương án thi công có nhiều điểm bất khả thi.
Nếu rủi ro xảy ra, Việt Nam sẽ phải chứng kiến một thảm họa giữa Thủ đô Hà Nội
Theo phương án thi công lập ngày 31/3/2010 được Bộ Quốc phòng thẩm định và phê duyệt thì Cty Lũng Lô sẽ phải triển khai các bước “xác định vị trí hạng mục cần dò sâu 10m.
Chia lưới ô vuông 8x8m, đóng cọc định vị vị trí khoan với khoảng cách 8m. Dùng máy khoan tạo lỗ tại các cọc đã định vị tới độ sâu 5m.
Dùng ống chống PVC để tránh sập lỗ khoan. Sau đó dùng máy VALLON 1303 A1 đưa đầu dò theo hố khoan kiểm tra xác định tín hiệu từ độ sâu 5-10m”.
Tuy nhiên, xem xét hồ sơ báo cáo kết quả thi công của nhà thầu, tổ công tác phát hiện biên bản và nhật kí thi công của nhà thầu không phù hợp với thực tế vì nhật kí ghi nhà thầu huy động một lực lượng 125 nhân công/đêm/2 tuần liên tục mà không có biến động gì về thời gian thi công lý thuyết cũng như không có tác động gì đến giao thông hiện hữu và hiện trạng thi công san nền Depot? Cũng theo tổ kiểm tra thì nhật kí ghi mỗi ca nhà thầu khoan tối thiểu 14 lỗ, tối đa 18 lỗ với chiều sâu khoảng 5m từ mặt đường là hoạt động chắc chắn không thể thực hiện được.
Bởi kết cấu áo đường lớp trên là bê tông nhựa, muốn khoan các lỗ khoan này phải có máy khoan để khoan mồi hoặc phải có biện pháp đào hố để phá vỡ lớp kết cấu lòng đường mới có thể khoan. Mặt khác, nhà thầu cũng không có tài liệu chứng minh được tiến trình thực hiện cũng như đảm bảo trình tự quản lý chất lượng, không có biên bản xác nhận hoàn trả đối với các lỗ khoan ở mặt đường trên tuyến chính. (Yêu cầu bắt buộc trong giấy phép khoan của Sở GT-VT cấp).
Thêm nữa, trong khu vực Depot tại một số vị trí bên phải thuộc đường vào Depot dọc theo Quốc lộ 70 cũ chưa được giải phóng mặt bằng, nhà dân vẫn sinh sống, nhưng trên hồ sơ hoàn công lại có thể hiện các lỗ khoan tại khu vực này? Vị trí dọc theo tuyến QL32, phố Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy và Cầu Giấy, vị trí các lỗ khoan thăm dò đã bị sai khác với phương án đã được phê duyệt.
Thay vì ở 4 góc của đài trụ cầu thì các lỗ khoan lại dịch vào dải phân cách, thậm chí hoàn công lỗ khoan nằm trên bo vỉa của giải phân cách đường.
Trên hiện trạng thực tế, các giải phân cách này có hàng rào sắt phân cách nên khả năng dựng giá khoan tay mà không dỡ bờ rào là rất khó xảy ra nhưng trong biên bản xử lý kĩ thuật hiện trường không thể hiện công tác này?
Coi thường tính mạng người dân Thủ đô
Kết luận hồ sơ hoàn công không đảm bảo chất lượng, nhà thầu có biểu hiện khai khống về khối lượng, bên cạnh đó đơn vị thực hiện của chủ đầu tư chủ quan không thi hành hết trách nhiệm dẫn đến mất khả năng kiểm soát chất lượng và đã nghiệm thu khống khối lượng với nhà thầu.
Ông Lê Hoài Nam đề nghị lãnh đạo BQL Đường sắt đô thị Hà Nội không kí nghiệm thu, thanh quyết toán hồ sơ hoàn công do Cty Lũng Lô lập và có văn bản yêu cầu nhà thầu thực hiện lại công tác rà phá bom mìn, vật nổ theo đúng phương án kĩ thuật được phê duyệt.
Tuy nhiên, lãnh đạo BQL Đường sắt đô thị Hà Nội đã không thực hiện theo kiến nghị của tổ công tác. Thay vì yêu cầu nhà thầu thực hiện lại việc rà phá bom mìn để đảm bảo mặt bằng sạch về bom, mìn, vật nổ, đảm bảo an toàn cho công trình thì họ lại chọn phương án trên giấy tờ bằng hai bản cam kết số 29/CKAT ngày 17/9/2013 và số 42/CKAT ngày 4/12/2013 của Cty xây dựng Lũng Lô, cam kết bảo đảm an toàn mặt bằng đã dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ cho gói thầu số 2 – ga trên cao và gói thầu số 1 – tuyến trên cao.
Như vậy tức là nhà thầu không cần thi công thực tế, chỉ cần lập bản cam kết với chủ đầu tư. Và mặt bằng sạch để thi công tuyến đường sắt trên cao đã được lập trên giấy.
Mặc dù đến nay hợp đồng rà phá bom mìn, vật nổ giữa BQL Đường sắt đô thị Hà Nội và Cty Lũng Lô vẫn chưa được nghiệm thu, hoàn công. Nhưng chỉ với những bản cam kết của đơn vị này, lãnh đạo BQL Đường sắt đô thị Hà Nội đã coi như mặt bằng thi công tuyến đường sắt đảm bảo an toàn bom mìn và bàn giao cho nhà thầu thi công, để lại mối lo lắng, rủi ro về an toàn trên tuyến Đường sắt số 3 Nhổn – Ga Hà Nội là rất lớn.
Ngày 3/1/2009, các công nhân xây dựng cáp viễn thông ngầm đã phát hiện một quả bom nằm ở độ sâu 1,5m so với mặt đường nhựa trước cửa số nhà 69B, phố Hai Bà Trưng, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm. Quả bom nằm cách vỉa hè hơn 2m và cách Ga Hà Nội khoảng 1km. Khu vực Ga Hà nội – Văn Miếu - Cát Linh – Deawoo là những ga chính của tuyến đường sắt trên cao được thiết kế ngầm. Khu vực này cùng với dãy phố Khâm Thiên cũng là nơi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất vào năm 1972. Nhưng với cách rà phá bom mìn “trên giấy” của BQL Đường sắt đô thị Hà Nội thì vấn đề an toàn đường sắt cũng như tính mạng của nhân dân Thủ đô sẽ hoàn toàn đặt vào may rủi. |