| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 02/04/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 02/04/2018

Giá mà rừng là máu thật thì...?

đâu phải là lần đầu tiên rừng Quảng Nam bị tàn phá. Từ năm 2011 đến năm 2017, chỉ riêng xã Tiên Lãnh của huyện Tiên Phước, đã xẩy ra 54 vụ tàn phá rừng phòng hộ...

Sáng ngày 30/3/2018, đứng trước khoảnh rừng phòng hộ sông Kôn thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam) rộng mênh mông, vừa bị tàn phá đến trơ trọi. Hàng chục cây gỗ quý hai ba người ôm bị lâm tặc chặt hạ chưa kịp chuyển ra khỏi rừng, và hàng chục cây gỗ khác đã được chuyển đi, để lại những vết mòn nhẵn thín còn mới nguyên, ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã nói với báo chí “Cứ mỗi lần nhìn thấy những cây rừng như thế này ngã xuống, tôi lại cảm thấy như máu mình đang đổ”.

Thật là một câu nói hay, xứng đáng được coi là “danh ngôn”. Một câu nói khiến cho ai thoạt nghe cũng thấy xúc động, cảm khái. Nhưng rồi rất nhanh, người ta nhận thấy ngay sự sáo rỗng của nó. Đây đâu phải là lần đầu tiên rừng Quảng Nam bị tàn phá. Từ năm 2011 đến năm 2017, chỉ riêng xã Tiên Lãnh của huyện Tiên Phước, đã xẩy ra 54 vụ tàn phá rừng phòng hộ. Nếu tính trên địa bàn của cả tỉnh thì con số phải lên đến hàng trăm vụ. Điều kỳ lạ là hầu như tất cả các vụ phá rừng đó đều do người dân và báo chí phát hiện. Và cứ sau mỗi vụ rừng bị phá gây ồn ào trên công luận, thì “bài ca đổ lỗi” lại được cất lên, nào là UBND tỉnh đã làm hết sức mình, đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt...Nhưng diện tích rừng quá lớn, lực lượng mỏng. Và rừng núi quá hiểm trở, nên không kiểm soát được...

Đã làm hết sức mình. Đã chỉ đạo một cách rất sát sao, quyết liệt. Thế mà rừng vẫn cứ bị phá? Rừng quá hiểm trở? Đúng. Nhưng lâm tặc vào được, thì tại sao kiểm lâm lại không vào được để tuần tra, thị sát? Và dù rừng hiểm trở đến đâu, thì khi phá được rừng, lấy được gỗ, lâm tặc cũng bắt buộc phải chuyển ra khỏi rừng, đến chỗ bằng phẳng mới có thể tiêu thụ được. Lâm tặc có thể luồn lách bằng rất nhiều lối để vào rừng, nhưng chở gỗ ra thì chỉ có mấy lối cố định, là những con đường mà xe tải, xe công nông hay xe máy có thể chất gỗ lên để chạy. Thế kiểm lâm, công an đâu? Chỉ cần bịt các con đường đó thật kín, thì lâm tặc có mọc cánh cũng không thoát?

Là phó chủ tịch UBND tỉnh, tức là ông Lê Trí Thanh là một trong những người có quyền lực ở tỉnh. Ông có đủ thẩm quyền để đôn đốc, chỉ đạo, điều động nhân lực để chặn bắt, vây bắt lâm tặc, xử lý một cách thật nghiêm khắc bọn lâm tặc cũng như chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng đã để mất rừng. Ông coi rừng như máu của mình. Nhưng ông đã làm gì để máu khỏi đổ? Trong khi máu rừng thì hết đợt này đến đợt khác cứ chảy ồ ạt. Nếu rừng là máu của ông, thì với hàng trăm vụ vụ “chảy máu” trong 7 năm qua, liệu trong người ... có còn giọt máu nào không?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm