| Hotline: 0983.970.780

Giàu có dưới tán rừng

Thứ Hai 08/05/2017 , 14:05 (GMT+7)

Rừng vàng, biển bạc. Nếu biết đầu tư và khai thác hợp lý, rừng sẽ cho giá trị kinh tế rất cao, là nguồn sinh kế cho hàng trăm ngàn hộ dân sống dưới tán rừng.

Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong đó chú trọng rừng sản xuất đã và đang góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở đất mũi.
 

Chuyển đổi hợp lý

Vùng đất U Minh (Cà Mau) từ lâu đã được nhiều người biết đến với “bốn bề là tràm”. Tuy nhiên, suốt thời gian dài những hộ dân sống dưới tán “rừng vàng” vẫn nghèo khó. Nguyên nhân do cơ chế quản lý bất cập, chưa phân định rõ giữa rừng bảo tồn và rừng kinh tế dẫn đến thiếu đầu tư. Trong khi đó, rừng tràm ngập nước tự nhiên cho giá trị kinh tế thấp, chu kỳ khai thác lên tới gần 20 năm. Vì vậy, người dân chủ yếu sống dựa vào nguồn cá đồng và khai thác ong mật.

13-57-52_3-cy-keo-li-rt-phu-hop-voi-vung-dt-u-minh-h-voi-chu-ky-thm-cnh-chu-toi-5-nm-dt-donh-thu-khong-200-trieu-dong-moi-h-1
Cây keo lai rất phù hợp với vùng đất U Minh Hạ, với chu kỳ thâm canh chưa tới 5 năm

Thấy được những bất cập này, đầu những năm 2000, tỉnh Cà Mau thí điểm chuyển đổi qua rừng sản xuất và bắt đầu đưa cây keo lai vào trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng cây keo lai sẽ “xâm thực” cây tràm bản địa. Một số lãnh đạo tỉnh thậm chí bị kỷ luật.

Ông Tô Quốc Bình, Bí thư Chi bộ ấp 13, xã Khánh An, huyện U Minh tâm sự: “Toàn ấp có 410 ha đất rừng, với 115 hộ dân, tính ra mỗi hộ được nhận khoán tới 4 - 5 ha. Vậy mà suốt thời gian dài người dân cứ sống trong cảnh đói nghèo, lỗi đó là do cách quản lý của chúng ta”.

Theo ông Bình, dù là chủ rừng nhưng người dân không được quyết định chọn loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để canh tác. Vì khi giao khoán, tỉnh vẫn chủ trương giữ cây tràm nước bản địa, lại không được đầu tư ứng dụng KHKT nên kém hiệu quả. Các chương trình trồng rừng lúc bấy giời chỉ áp dụng biện pháp quảng canh truyền thống, cây giống gieo từ hạt, mức độ đầu tư thấp, chu kỳ sinh trưởng cả chục năm...

Theo những chủ rừng ở xã Khánh An, chi phí đầu tư trồng rừng thâm canh hiện nay vào khoảng 40 triệu đồng/ha, bao gồm thuê máy cơ giới múc mương lên liếp (kê liếp), mua cây giống và mướn công trồng. Bỏ công chăm sóc vài năm là đã có thể khai thác với doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Đời sống của người làm lâm nghiệp ở Cà Mau chỉ thật sự thay đổi khi phương pháp trồng rừng mới được áp dụng. Đó là mô hình trồng rừng thâm canh trên mặt liếp, với 2 cây chủ lực là tràm và keo lai. Ông Tô Quốc Bình đánh giá, trồng rừng thâm canh nếu được đầu tư đúng mức thì cả cây tràm truyền thống, cũng như cây keo lai đều sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Với phương pháp thâm canh trên mặt liếp, thay vì trồng trên mặt ruộng với mấy tháng ngập nước trong mùa mưa đã giúp rút ngắn thời gian trồng rừng, trung bình keo lai chỉ khoảng 4 - 5 năm, còn cây tràm 5-7 năm. Điều quan trọng hơn là giá trị kinh tế rừng trồng thâm canh cao gấp 3 - 4 lần so với trồng rừng quảng canh truyền thống trước đây.
 

Nâng cao sinh kế

Muốn bảo vệ và phát triển tốt rừng thì quan trọng nhất là phải đảm bảo sinh kế cho người dân. Mặc dù việc trồng rừng thâm canh đã giúp rút ngắn rất nhiều nhưng 5 – 7 năm vẫn là quá dài với những hộ nông dân nghèo. Do đó, trong khi chờ rừng tới chu kỳ khai thác, người dân nên chọn giải pháp lấy ngắn nuôi dài.

Sau khi lên liếp trồng rừng, mương nước còn lại khá nhiều, có thể nuôi cá đồng hoặc khai thác cá tự nhiên, kết hợp trồng bông súng bán. Quanh bờ mương, trồng thêm chuối để lấy bắp (hoa), buồng...

Cà Mau sẽ phát triển rừng keo lai theo hướng khai thác cây gỗ lớn, bằng cách tỉa thưa

Bí thư Chi bộ ấp 13 Tô Quốc Bình khẳng định: “Với 4 - 5 ha đất rừng nếu chịu đầu tư khai thác thì làm giàu không khó. Chỉ riêng bông súng giá 6 - 7 ngàn đồng/kg, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ký. Chuối thu hoạch mỗi tháng 3 - 4 lần, vừa bán buồng vừa bán bắp. Cá đồng năm thu hoạch một đợt. Còn rừng chu kỳ khai thác doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha, chia ra mỗi năm cũng thu 40 – 50 triệu đồng/ha. Với nguồn thu như vậy là cao so với nhiều loại cây trồng khác”.

Chủ tịch UBND xã Khánh An Quách Văn Hợp cho biết, toàn xã có 16.000 ha, với 18 ấp, trong đó 10 ấp sản xuất theo mô hình lúa – tôm, 8 ấp là rừng – lúa – cá kết hợp. Tuy nhiên, giá trị kinh tế rừng đóng góp tới 70%, còn lại 30% là nông nghiệp. Rừng sản xuất ở Khánh An hiện nay chủ yếu là cây keo lai và rừng tràm.

“Trồng thâm canh trên liếp, cây tràm chỉ mất khoảng 7 năm, keo lai 4 - 5 năm là cho thu hoạch. Cây tràm 2 năm trở lại đây thị trường đầu ra rất tốt, giá bán làm cừ móng nhà từ 50 – 55 ngàn đồng/cây (cừ lóng 5). Còn keo lai giá 800 – 1.000 đồng/kg. Tính ra doanh thu 150 -200 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác”, ông Hợp nhẩm tính.

Mỗi hộ dân ở Khánh An được giao khoán khoảng 5 ha đất rừng, với doanh thu như hiện nay là sống khỏe. Hiện mức thu nhập trung bình của người dân trong xã đã đạt 35 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với những vùng nông thôn khác. Cũng chính nhờ kinh tế rừng mà xã Khánh An đã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cách đây hơn 2 năm.

Phát triển 32.000 ha rừng sản xuất

“Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Cà Mau, trong tổng số hơn 41.000 ha đất lâm nghiệp ở U Minh Hạ, tỉnh sẽ giữ lại hơn 8.000 ha rừng đặc dụng, còn lại chuyển sang rừng sản xuất.

Trước mắt, từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển sang thâm canh rừng tràm và keo lai từ 25.000 – 28.000 ha, theo hướng phát triển 50/50 giữa tràm và keo lai. Trong đó, rừng keo lai sẽ phát triển theo hướng khai thác cây gỗ lớn, bằng cách tỉa thưa và kéo dài chu kỳ lên 7-8 năm.

Cây keo lai được Bộ NN-PTNT cho phép bổ sung là cây trồng chính tại Cà Mau từ năm 2009, đến cuối năm 2016 toàn tỉnh đã phát triển được hơn 8.500 ha. Keo lai rất phù hợp với vùng đất U Minh Hạ, chu kỳ thâm canh chưa tới 5 năm, so với cây tràm trồng truyền thống chỉ bằng 1/3, còn tràm kê liếp rút ngắn được 1/2 thời gian.

Trong khi đó, sản lượng keo lai đạt từ 200 – 250 m3/ha, doanh thu từ 180 – 200 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2 lần so với cây tràm.

Cũng nhờ phát triển cây keo lai, đã làm giảm diện tích rừng tràm ở Cà Mau, từ đó làm giảm lượng cung, đã đẩy giá tràm tăng từ 50- 60 triệu trước đây lên mức 150 – 160 triệu đồng/ha hiện nay”

(Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau)

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất