| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ xâm nhập mặn đến sớm

Thứ Năm 19/12/2024 , 08:11 (GMT+7)

Kiên Giang Chi cục Thủy lợi Kiên Giang đã ban hành kế hoạch vận hành hệ thống công trình thủy lợi ngay trong tháng 12 nhằm phòng chống hạn, mặn xảy ra sớm, bảo vệ sản xuất.

Nhiệt độ tăng cao, mực nước nội đồng thấp

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, tình hình khí tượng, thủy văn khu vực tỉnh Kiên Giang trong tháng 12/2024 có nhiều biến động. Trong đó, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ khoảng 0,2 - 0,5 độ C. Mực nước cao nhất thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ 5 - 20cm. Nhiệt độ tăng cao và mực nước nội đồng thấp đã làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã chủ động đóng các cống, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng, bảo vệ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản ven biển. Ảnh: Trung Chánh.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã chủ động đóng các cống, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng, bảo vệ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản ven biển. Ảnh: Trung Chánh.

Mực nước các trạm nội đồng dao động theo triều và mưa nội đồng với xu thế giảm dần. Đối với mực nước ở các trạm cửa sông biến đổi theo triều, trong tháng 12 xuất hiện 1 đợt triều cường từ ngày 16 - 18/12, thời gian xuất hiện đỉnh triều từ khoảng 3h - 6h hàng ngày.

Các địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng hạn, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn gia tăng, nhất là bảo vệ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản ven biển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nông dân đang sản xuất lúa vụ mùa 2024-2025, với diện tích đã gieo trồng là 79.345ha. Diện tích lúa đông xuân 2024 - 2025 kế hoạch gieo trồng trên 280.500ha, nhiều nơi bà con tập trung xuống giống dứt điểm, nhằm phòng tránh hạn, mặn cuối vụ.

Vận hành hệ thống thủy lợi toàn tỉnh

Địa bàn tỉnh Kiên Giang nằm trải rộng trên nhiều vùng sinh thái nên chịu tác động và hưởng lợi từ các hệ thống công trình thủy lợi vùng: Tứ giác Long Xuyên; Ô Môn - Xà No; Quản Lộ - Phụng Hiệp; Cái Lớn - Cái Bé. Các hệ thống thủy lợi này đều có quy trình vận hành riêng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cần căn cứ vào đó để phối hợp, vận hành linh hoạt các công trình thủy lợi do địa phương quản lý để phát huy hiệu quả cao nhất.

Hệ thống cống ven đã được Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành đóng để ngăn mặn xâm nhập, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất trong nội đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Hệ thống cống ven đã được Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành đóng để ngăn mặn xâm nhập, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất trong nội đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Theo đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã lập kế hoạch vận hành các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh từ ngày 1 - 31/12. Cụ thể, đối với hệ thống cống An Biên - An Minh, Chi cục Thủy lợi đã vận hành đóng các cống ven tuyến đê biển và các cống thời vụ kịp thời phục vụ theo yêu cầu của huyện, để bảo vệ diện tích lúa đông xuân trên nền đất tôm - lúa của 2 huyện. Tuy nhiên, hiện trên khu vực còn 17 cống chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên chưa được đóng kín hoàn toàn.

Hệ thống cống đê bao ngoài vùng đệm U Minh Thượng, Chi cục Thủy lợi phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình diễn biến nguồn nước khu vực vùng đệm và tình hình xả nước vùng lõi vườn Quốc gia U Minh Thượng để vận hành đóng, mở cống điều tiết nước cho phù hợp tình hình thực tế, chống ngập úng cũng như mặn xâm nhập khi triều cường cao. Dự kiến, sẽ đóng toàn bộ hệ thống cống đê bao ngoài vào ngày 9/12.

Hệ thống cống đê bao Ô Môn - Xà No, tất cả các cống mở tự do, chỉ vận hành bảo dưỡng và chống bồi lắng khu vực công trình và bảo dưỡng động cơ điện. Hệ thống cống huyện Châu Thành, cho đóng các cống để trữ ngọt, kiểm soát điều tiết nước, thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế để vận hành mở xử lý ô nhiễm môi trường, chống bồi lắng, chống ngập úng, bảo dưỡng hệ thống điện xilanh, động cơ điện.

Cống Kênh Cụt, thuộc hệ thống cống ven biển thành phố Rạch Giá được vận hành trong tháng 12 nhằm ngăn nước mặn từ biển Tây xâm nhập, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Trung Chánh. 

Cống Kênh Cụt, thuộc hệ thống cống ven biển thành phố Rạch Giá được vận hành trong tháng 12 nhằm ngăn nước mặn từ biển Tây xâm nhập, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Trung Chánh. 

Hệ thống cống thành phố Rạch Giá tiếp tục vận hành điều tiết đóng, mở các cống để trữ ngọt, kiểm soát mặn, vận hành bảo dưỡng và xử lý môi trường, chống ngập úng. Hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên vận hành theo quy trình, vào mùa khô khi mực nước tại trạm Châu Đốc (An Giang) giảm xuống dưới cao trình +2.0m, thì đóng kín toàn bộ. Triển khai vận hành các cống để điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và kết hợp bảo dưỡng, mở xả ô nhiễm, chống bồi lắng khu vực công trình. Riêng cống Ba Hòn mở 1 cửa, một chiều ra biển để phục vụ giao thông thủy.

Các địa phương cần theo dõi tình hình diễn biến nguồn nước, độ mặn trong khu vực, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động trong việc sử dụng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, nhất là độ mặn, tình hình ô nhiễm trước khi bơm tưới, sử dụng. 

Chi cục Thủy lợi Kiên Giang khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao, trạm bơm các cửa cống để kịp thời phòng tránh triều cường, nước biển dâng bất thường làm nước mặn tràn vào nội đồng.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.