| Hotline: 0983.970.780

Khơi thông rào cản để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả

Thứ Năm 19/12/2024 , 08:18 (GMT+7)

YÊN BÁI Nhiều nguyên nhân như: năng lực quản trị kém, thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn chính sách hỗ trợ, vùng sản xuất manh mún… làm cho nhiều HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả.

Nhiều HTX nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái hoạt động chưa hiệu quả. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều HTX nông nghiệptỉnh Yên Bái hoạt động chưa hiệu quả. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái nói riêng và trên cả nước nói chung được xem là một trong những mô hình phát triển bền vững, góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, hiện gần 50% số HTX chưa thể sống khỏe để làm chỗ dựa cho các thành viên bởi rất nhiều nguyên nhân như thiếu vốn đầu tư, vùng sản xuất nhỏ lẻ manh mún, theo mùa vụ, năng lực quản trị kém, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

Khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

HTX kinh doanh, sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy (huyện Trạm Tấu), từ khi đi vào hoạt động đã liên kết, thu mua các nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, được cấp nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc như: khoai sọ nương, nếp lẩu cáy, măng ớt và nếp cẩm. Tuy nhiên, hoạt động của HTX vẫn gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất dừng lại ở mức sơ chế, bảo quản ban đầu dẫn đến giá trị sản phẩm chưa cao và sản lượng cung cấp ra thị trường còn hạn chế.

Ông Hoàng Văn Hưng - Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm đặc trưng nhất của HTX là khoai sọ nương nhưng lại phụ thuộc vào mùa vụ bởi khoai sọ có thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng. Do vậy, muốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh quanh năm và nâng cao giá trị sản phẩm, HTX phải đầu tư kho đông lạnh và hệ thống bảo quản.

Sản phẩm khoai sọ Trạm Tấu gần như cứ hết vụ là hết sản phẩm do chưa có cơ sở bảo quản tốt. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm khoai sọ Trạm Tấu gần như cứ hết vụ là hết sản phẩm do chưa có cơ sở bảo quản tốt. Ảnh: Thanh Tiến.

Thế nhưng việc tiếp cận nguồn vốn đối với HTX hiện gặp nhiều khó khăn, đất thuê của Nhà nước lại không thể thế chấp. Do chỉ có thể đầu tư hệ thống tủ bảo quản quy mô nhỏ khoảng 500 kg và bảo quan trong tủ lạnh nên không thể thu mua số lượng lớn của bà con để sơ chế, đóng gói. Người dân địa phương chủ yếu bán sản phẩm thô với giá trị thấp, trong khi HTX cũng không đủ nguồn hàng để cung cấp ra thị trường, hết vụ thì cũng hết sản phẩm, khách hàng muốn mua cũng phải chờ vụ sau.

Được thành lập năm 2017, HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca (huyện Trấn Yên) có 9 thành viên với ngành nghề chính là trồng rừng, sản xuất cây giống, sơ chế dược liệu, chế biến sản phẩm từ quế sau thu hoạch. Trên cơ sở đó, HTX đã chọn sản xuất tinh dầu quế và sơ chế măng Bát Độ làm sản phẩm chủ lực. Trong quá trình hoạt động, HTX gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất, nguồn nguyên liệu không đủ cho sản xuất, có năm chỉ chỉ chế biến được 170 tấn sản phẩm măng Bát Độ và hơn 4 tấn tinh dầu quế dẫn đến thua lỗ.

Sản phẩm măng Bát Độ của HTX mới chỉ tiêu thụ nội tỉnh do chưa có khu vực sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm măng Bát Độ của HTX mới chỉ tiêu thụ nội tỉnh do chưa có khu vực sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Hà Ngọc Toanh, Giám đốc HTX cho biết, các sản phẩm của đơn vị hiện nay chủ yếu vẫn chỉ quanh quẩn ở thị trường nội tỉnh, do đơn vị thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, nhất là phục vụ xuất khẩu.

“Sản phẩm măng tre Bát Độ nếu để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc đưa ra thị trường lớn hơn cần phải xây dựng khu vực sản xuất đáp ứng được các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó đất do nhà nước cho thuê, không có giá trị thế chấp ngân hàng, vì vậy HTX khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Rất mong nhà nước có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các HTX được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để có nguồn vốn lưu động, như vậy mới phát triển được bền lâu”, ông Toanh mong muốn.

Quy mô sản xuất manh mún, không đáp ứng được đơn hàng lớn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có tổng số 831 HTX, trong đó HTX trong lĩnh vực nông nghiệp là 466 HTX, chiếm 56%. Các HTX đã có những bước phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiện, thực tế hoạt động của các HTX nông nghiệp tại đây nhìn chung chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, số HTX hoạt động kém hiệu quả chiếm hơn 40%.

Số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả chỉ chiếm hơn 50%. Ảnh: Thanh Tiến.

Số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả chỉ chiếm hơn 50%. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết, các HTX nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bởi phụ thuộc rất nhiều các yếu tố thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng nên rủi ro cao. Lợi nhuận mang lại từ các HTX nông nghiệp so với các loại hình HTX khác như công nghiệp, dịch vụ còn hạn chế.

Trong những năm gần đây, Trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các HTX phát triển, trong đó có các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng các chính sách đó vẫn chưa đủ mạnh để hỗ trợ và nâng tầm các HTX.

Một số chính sách đưa ra, nhưng các cơ chế để tiếp cận vẫn còn nhiều rào cản. Điển hình như, Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh Yên Bái năm 2021 quy định các HTX nông nghiệp có gian trưng bày, quảng bá sản phẩm ngoài tỉnh được hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng, trong tỉnh được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện nay chưa thể áp dụng, bởi theo quy định các HTX phải trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm xanh, sản phẩm tuần hoàn. Quy định cũng không nêu rõ chỉ đạt được 1 trong số các tiêu chí trên hay phải đạt đủ tất cả các tiêu chí và xác định thế nào là sản phẩm xanh, sản phẩm tuần hoàn cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó các cơ quan chức năng và Liên minh HTX chưa thể trình với tỉnh để thực hiện hỗ trợ.

Nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh chưa đến được HTX bởi vướng cơ chế và các HTX có năng lực quản trị kém. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh chưa đến được HTX bởi vướng cơ chế và các HTX có năng lực quản trị kém. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, đối với các HTX nông nghiệp ở Yên Bái, các điều kiện về quy mô diện tích sản xuất, giao thông còn nhiều khó khăn nên để đáp ứng được sản lượng lớn theo nhu cầu thị trường còn hạn chế. Nhiều HTX sản xuất ra sản phẩm nông sản có chất lượng tốt như: chè, gạo, rau sạch, trái cây… nhưng sản lượng ít không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tiêu thụ. Khi có siêu thị, doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định trong một thời gian nhất định, với số lượng lớn thì nhiều HTX không thể đáp ứng vì không có đủ sản phẩm.

Bên cạnh đó phong tục tập quán, thói quen canh tác của người nông dân còn nhiều hạn chế, chưa thực sự áp dụng nghiêm ngặt các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và các quy trình sản xuất sạch, sản xuất an toàn, do đó tính đồng đều của sản phẩm không được đảm bảo.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.