| Hotline: 0983.970.780

Giồng Riềng tăng tốc xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 20/12/2016 , 08:32 (GMT+7)

Cuối năm 2016, Hội đồng Thẩm định Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Kiên Giang công nhận thêm 4 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn thì Giồng Riềng chiếm 3 xã.

Đây là sự cố gắng và tăng tốc ngoạn mục của huyện trong việc triển khai chương trình có ý nghĩa dân sinh to lớn này.
 

Tập trung đầu tư phát triển sản xuất

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Giồng Riềng rất chú trọng đầu tư, hỗ trợ xây dựng phát triển các mô hình sản xuất. Qua đó, nâng cao thu nhập, mức sống người dân. Đồng thời, từ đó tạo điều kiện để người dân có thêm sức mạnh, đóng góp vật chất, tinh thần nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM tại địa phương.

13-01-30_1-mo-hinh-nuoi-c-loc-ruong-mng-li-thu-nhp-co-cho-cc-x-cu-huyen-giong-rieng
Mô hình nuôi cà lóc ruộng mang lại thu nhập cao cho các xã của huyện Giồng Riềng
 

Với cách làm linh hoạt và sáng tạo, đến nay toàn huyện Giồng Riềng đã có 7/18 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí (toàn tỉnh Kiên Giang có 28 xã đạt chuẩn), trong đó 3 xã đã được công nhận, 3 xã vừa thẩm định xong và 1 xã được các cấp xét duyệt xong, chờ Hội đồng thẩm định tỉnh thông qua.

Riêng 3 xã vừa được thẩm định xong là Thạnh Hưng, Thạnh Lộc, Hòa An (Giồng Riềng) được đánh giá có mức thu nhập cao, đạt 40,3 – 42,5 triệu đồng/người/năm. Đây là dấu ấn rõ nét trong việc chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao mức sống người dân trong xây dựng NTM của huyện.

Giồng Riềng là huyện trọng điểm sản xuất lúa nằm trong vùng ngọt hóa Tây sông Hậu của tỉnh, diện tích gieo trồng cả năm trên 133 ngàn ha lúa, sản lượng gần 850 ngàn tấn, đóng góp khoảng 1/5 sản lượng lương thực toàn tỉnh. Ngoài cây lúa, Giồng Riềng còn có thế mạnh phát triển rau màu, kinh tế vườn, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nổi bật là phát triển các loại rau ăn lá, khoai lang, dưa hấu, cây bắp trên đất lúa và bờ liếp, sân vườn. Kinh tế vườn có cây ăn trái, cây tiêu trồng bằng trụ tràm sống trên đất phèn ven sông cái… Thủy sản nước ngọt nuôi cá ruộng, nuôi vèo lồng bè trên sông, nuôi bồn trên cạn… với các loài có giá trị kinh tế cao như lươn, bống tượng, thát lát cườm, ba ba, ếch, rắn, cá sấu...

Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT Giồng Riềng cho biết, năm 2016, huyện được phân bổ gần 7,7 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư hạ tầng; vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho 8 mô hình cho 8 xã Thạnh Lộc, Thạnh Phước, Ngọc Hòa, Ngọc Thành, Ngọc Thuận, Hòa An, Hòa Thuận, Thạnh Hòa với 4,8 tỷ đồng... Qua đó phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Ngoài ra, nguồn vốn lồng ghép đầu tư từ các chương trình đã thực hiện dặm vá mặt đường, đầu tư xây dựng mới 11 tuyến, dài 14.7 km, tổng giá trị 13,7 tỷ đồng, thi công 3 cây cầu là cầu Mương Cộ, cầu trạm y tế Thạnh Bình, cầu Chùa Mới, tổng chiều dài 54m với 1,3 tỷ đồng.

Nguồn vốn cấp bù miễn thủy lợi phí năm 2016 được tỉnh phân bổ về 19,1 tỷ đồng, giao tuyến thi công nạo vét 52 công trình với chiều dài 148,8 km. Nguồn vốn theo Nghị định 35 được tỉnh phân bổ về 17,1 tỷ đồng thi công 30 cống, đập, 12 trạm hạ thế điện phục vụ bơm tát cho các xã Thạnh Hưng, Long Thạnh, Thạnh Lộc, Ngọc Thành, Ngọc Thuận, Ngọc Hòa.

Nguồn do Sở Công Thương quản lý chi xây dựng 29 trạm hạ thế điện phục vụ bơm tát cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổng vốn đầu tư 13,3 tỷ đồng, cống tại các xã Hòa Lợi, Thạnh Bình, Bàn Thạch, Bàn Tân Định, Ngọc Chúc, Ngọc Hòa, Hòa Hưng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phú, Hòa Thuận, Thạnh Hòa, Ngọc Thuận, Thạnh Hưng.
 

Mỗi năm ít nhất 4 xã đạt chuẩn

Giồng Riềng rộng, với 18 xã và 1 thị trấn, nên việc xây dựng NTM cần đầu tư nhiều. “Theo kế hoạch, đến năm 2020 Giồng Riềng sẽ thành huyện NTM. Vì vậy, huyện phải phân kỳ thực hiện cho hiệu quả, từ nay đến đó, mỗi năm ít nhất phải có 4 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí thì mục tiêu huyện NTM mới đạt tiến độ”, ông Khải nhấn mạnh.

13-01-30_2-mo-hinh-trong-tieu-bng-tru-trm-song-tren-dt-phen-mng-li-thu-nhp-co-cho-cc-x-cu-huyen-giong-rieng-1
Mô hình trồng tiêu bằng trụ tràm sống trên đất phèn
 

UBND huyện Giồng riềng đã ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể. Theo đó, tập trung huy động tốt các nguồn lực trong nhân dân, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án cấp trên đầu tư, ngân sách tỉnh, huyện, xã quản lý.

Đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và huy động vốn đóng góp của dân xây dựng các công trình công cộng...

Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Phan Đình Nghĩa yêu cầu: “Tất cả các xã trong huyện đều phải thực hiện xây dựng NTM. Trong đó, các xã điểm quyết tâm thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Riêng với các xã còn lại, lựa chọn các tiêu chí gần đạt và có điều kiện thuận lợi để thực hiện trước, các tiêu chí khó, cần nhiều vốn thì thực hiện sau. Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 18/18 xã nông thôn đạt chuẩn và huyện đạt chuẩn huyện NTM”.

Trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, phải gắn với nhu cầu thị trường trong, ngoài huyện và xuất khẩu, đa dạng các mô hình sản xuất tổng hợp trên các loại đất để khai thác tốt tiềm năng đất đai, đưa vào sản xuất có hiệu quả; cân đối phát triển trồng trọt với chăn nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.

“Chính nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, từ đó người dân có điều kiện học hỏi, mở rộng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị cũng như thu nhập. Đây là tiền đề thuận lợi để chương trình xây dựng NTM phát huy hiệu quả, góp phần đưa các xã tăng tốc về đích đúng kế hoạch”.

(Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện)

“Các phòng, ban trong huyện và các xã phải có kế hoạch cụ thể để triển khai, phối hợp thực hiện các nội dung, lĩnh vực thuộc cấp mình, ngành mình quản lý thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải thể hiện vai trò nòng cốt, gương mẫu vận động nhân dân thực hiện. Thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời về các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm trong xây dựng NTM để phổ biến, nhân rộng”

(Chủ tịch UBND huyện Phan Đình Nghĩa)

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.